10/07/2018 - 21:42

Phát triển nền kinh tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 

Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang phát triển mạnh mẽ. Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày một tăng cao. Theo các chuyên gia, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang từng bước tạo ra những xu hướng mới, dẫn dắt, định hướng thị trường, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tăng khả năng thu hút đầu tư và có tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp tham gia quảng bá sản phẩm khởi nghiệp đến khách hàng. Ảnh: MINH HUYỀN
Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp tham gia quảng bá sản phẩm khởi nghiệp đến khách hàng. Ảnh: MINH HUYỀN

Động lực

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ. Cả nước hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (1.800 doanh nghiệp). Các cơ sở ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cũng ngày một tăng với khoảng 30 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh trên cả nước tham gia hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có khoảng 40 không gian làm việc chung và không gian sáng tạo tham gia hỗ trợ cơ sở vật chất cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng với mạng lưới nhà đầu tư thiên thần như: VIC Impact, Hatch, Angel Network, iAngle, Angle4us… đã bắt đầu hình thành.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Lực lượng doanh nghiệp này mỗi năm tạo thêm trên 500.000 việc làm, sử dụng 51% lực lượng lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP. Tuy nhiên, đa số các SMEs Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trình độ khoa học và năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn hạn chế. Các doanh nghiệp Việt Nam thường không tạo ra được sản phẩm có giá trị thặng dư cao, thiếu tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và ít có khả năng trở thành trụ cột của nền kinh tế như Google, Facebook của Mỹ.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam (VSV), khẳng định: Startup được coi là một giải pháp chiến lược mới nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, xác định lại trọng tâm phát triển dài hạn từ tạo điều kiện để doanh nghiệp pháp triển đến thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Để có thể hỗ trợ cho xu hướng này, chúng ta cần phải định vị được sự khác biệt giữa mô hình khởi nghiệp truyền thống và startup. Startup theo định nghĩa là một tập hợp của các nguồn lực tạm thời (nhân lực, tiền, thời gian…) để đi tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới và nhanh chóng xây dựng thành một tổ chức/doanh nghiệp đạt quy mô, đồng thời có khả năng lặp lại hay nhân rộng tại các thị trường khác nhau. Các startup thường tận dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh.

Xây nền tảng vững chắc

  Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ: Các địa phương cần tăng cường triển khai Đề án 844 trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương và tăng cường liên kết vùng, liên kết quốc gia và quốc tế. Cần tập trung xây dựng nền tảng hệ sinh thái, bao gồm việc đào tạo, nâng cao năng lực, phát triển các hạt giống cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái địa phương tập trung vào những lợi thế cạnh tranh địa phương, phát triển theo xu hướng quốc tế, tận dụng sức mạnh của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhằm giải quyết các thách thức, khó khăn về vị trí địa lý, văn hóa… cũng như khai thác tiềm năng sẵn có về nguồn lực và nhân lực tại khu vực.

Ngày 18-5-2016, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Đề án sẽ hỗ trợ 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp; trong đó có 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng. Phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 600 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; có 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng.

Đề án 844 là nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải được trang bị kiến thức tiền khởi nghiệp và nên bắt đầu từ những hoạt động rất căn bản. Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay vai trò dẫn dắt nằm trong các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Thực tế, chính yêu cầu, áp lực cạnh tranh buộc các doanh nghiệp lớn phải thay đổi công nghệ, không ngừng đổi mới sáng tạo để cạnh tranh và đây là mấu chốt để các startup phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam là hệ sinh thái non trẻ và chúng ta đang bước những bước đi đầu tiên trong vòng đời hệ sinh thái. Các địa phương muốn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cần phải thiết kế hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với địa phương mình với sự tư vấn từ các chuyên gia.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết