06/01/2013 - 17:39

Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng để giảm thiểu tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông

Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để giảm thiểu TNGT và chống ùn tắc giao thông trên bịa bàn thành phố.

(CT)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tại cuộc họp thông qua qui hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, vào ngày 5-1-2013.

TP Cần Thơ hiện có 9 tuyến xe buýt chạy các tuyến trên địa bàn thành phố và các tuyến Cần Thơ-Đại Ngãi; Cần Thơ Vĩnh Long. Trong đó, Công ty Công trình đô thị Cần Thơ khai thác 5 tuyến, với khoảng 96 xe, từ 29 chỗ đến 40 chỗ; các đơn vị vận tải của tỉnh Vĩnh Long đảm nhận 3 tuyến, khoảng 44 xe, từ 25 chỗ đến 50 chỗ; Công ty Cổ phần vận tải Sóc Trăng đảm trách tuyến Cần Thơ- Đại Ngãi, với 8 xe, từ 45 chỗ đến 47 chỗ. Cự ly đi lại của hành khách là 11,7 km, giãn cách bình quân 10-25 phút/chuyến khá lớn do 4/9 tuyến có thời gian giãn cách khá dài (25-45 phút/chuyến); thời gian hoạt động trong ngày, từ 5 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút. Mạng lưới tuyến xe buýt đã kết nối được từ trung tâm đến trung tâm các quận, huyện (ngoại trừ huyện Phong Điền) và các tỉnh tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang và Vĩnh Long. Thiếu các tuyến nối kết trực tiếp giữa các quận, huyện: Cờ Đỏ-Vĩnh Thạnh; Phong Điền-Thới Lai; Cái Răng-Phong Điền-Bình Thủy… Hệ thống bến bãi và bến đầu cuối tuyến chưa được đầu tư đúng mức, đa phần là bến tạm, ảnh hưởng đến an toàn hành khách và mất cảnh quang đô thị; số trạm dừng, nhà chờ còn thiếu; công tác tổ chức, quản lý hoạt động chưa thật sự chặt chẽ, thiếu sự kết hợp trao đổi thường xuyên.

Mục tiêu của việc qui hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ và các vùng lân cận đến năm 2020 và định hướng năm 2030 nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia sử dụng xe buýt, khuyến khích các thành phần tham gia khai thác khác; nâng tỷ lệ đảm nhận đi lại bằng xe buýt đến năm 2015 (từ 3-5%), năm 2020 là 7-10%; định hướng năm 2030 là 15-30%. Dự báo nhu cầu đi lại bằng xe buýt đến năm 2020 từ 177.400 - 253.400 người. Đề xuất năm 2020-2030, mở các tuyến nội thành, xây dựng thêm 2 tuyến xe buýt vận chuyển nhanh BRT, gồm: tuyến Cần Thơ-Ô Môn và sân bay -Nam Cần Thơ; mở các tuyến lân cận; đầu tư phương tiện từ 40 chỗ đến 80 chỗ; xây dựng khoảng 916 trạm dừng, nhà chờ; giá vé đảm bảo rẻ hơn giá xe gắn máy ở cự ly trên 5km, không vượt quá 10%- 15% so với mức thu nhập trung bình đối với hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng. Thành lập tổ quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Phòng vận tải, quản lý phương tiện và người lái thuộc Sở GTVT với chức năng là quản lý luồng, tuyến, xây dựng kế hoạch khai thác, đề xuất mức trợ giá, tham mưu chỉ định đợi khai thác.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh, bổ sung ý kiến đại biểu đóng góp vào đồ án qui hoạch để triển khai thực hiện, trong đó chú trọng việc qui hoạch bến xe buýt gắn với qui hoạch bến xe khách; quan tâm đưa xe buýt vào khai thác tuyến Bốn Tổng- Một Ngàn (thuộc huyện Vĩnh Thạnh-Cờ Đỏ), vì khu vực này dân cư đông, có Nông trường Cờ Đỏ… Mục đích của việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Cần Thơ.

Tin, ảnh: XUÂN ĐÀO

Chia sẻ bài viết