06/09/2015 - 16:29

TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII:

Phát huy trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đảm bảo thành công Đại hội đảng bộ cấp tỉnh

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các quy định hướng dẫn của Trung ương, các đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố và tương đương (gọi chung là cấp huyện) trong cả nước đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, toàn Đảng có 1.411 đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (gồm 647 đảng bộ huyện, 49 đảng bộ quận, 94 đảng bộ thị xã, thành phố và 621 đảng bộ tương đương cấp huyện). Nhìn chung, các đảng bộ cấp huyện đã tiến hành đại hội đúng nguyên tắc thủ tục, hoàn thành tốt các nội dung theo quy định, phát huy dân chủ, đoàn kết, an toàn tiết kiệm, đạt mục đích, yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.

Hầu hết các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức đại hội điểm đảng bộ cấp huyện trong tháng 6. Sau đại hội điểm, các cấp ủy đã tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại để thực hiện tổ chức đại hội đại trà đạt kết quả.

Đổi mới việc xây dựng và thảo luận văn kiện Đại hội

Qua triển khai cho thấy, Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương sớm được ban hành đã tạo thuận lợi cho các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh ủy) chủ động quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện bằng các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, bảo đảm nguyên tắc quy định và phù hợp thực tiễn của địa phương, đơn vị. Rút kinh nghiệm đại hội cấp cơ sở, nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban đảng Trung ương hướng dẫn, bổ sung kịp thời để tỉnh ủy chỉ đạo đại hội cấp huyện đạt kết quả.

Các đảng viên biểu quyết tại đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở. Ảnh: ANH DŨNG

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác của cấp ủy tỉnh và phân công cấp ủy viên để trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo đại hội cấp huyện. Các cấp ủy cấp huyện đều thành lập sớm các tiểu ban Tiểu ban văn kiện, Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban phục vụ đại hội để giúp cấp ủy chuẩn bị đại hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc các nhóm công tác của Tỉnh ủy đã tham gia góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành, đề án nhân sự của cấp ủy cấp huyện…, góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ cấp huyện.

Việc xây dựng và thảo luận văn kiện trình Đại hội nhiệm kỳ này đã có đổi mới hơn, tổ chức lấy ý kiến tham gia vào văn kiện có nhiều tiến bộ. Các cấp ủy cấp huyện đã làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng ý thức, trách nhiệm chính trị cho đại biểu, nhất là những nơi có vướng mắc, bất cập. Nhiều đại hội có không khí sôi nổi, thẳng thắn, phát huy được trí tuệ của đại biểu, tạo được không khí phấn khởi, dân chủ, đoàn kết tại đại hội cũng như trong cán bộ, đảng viên và nhân dân của đảng bộ.

Các dự thảo văn kiện đã được các cấp ủy chủ động chuẩn bị sớm, tổ chức thảo luận nhiều lần trong cấp ủy, lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; lấy ý kiến đóng góp của cán cán bộ lão thành, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ của Đảng bộ; ý kiến đóng góp tại Đại hội cấp cơ sở và ý kiến chỉ đạo của ban thường vụ tỉnh ủy để chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình ra đại hội.

Nội dung của báo cáo chính trị nhìn chung được chuẩn bị theo hướng bám sát đặc điểm của từng địa phương, đơn vị; đánh giá đúng tình hình thực hiện Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ 2010 – 2015; kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Báo cáo chính trị cơ bản đã bám sát nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015 để đánh giá, kiểm điểm những kết quả đã đạt được, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiệm kỳ tới phù hợp với điều kiện tình hình của địa phương, đơn vị; có phụ lục số liệu so sánh các chỉ tiêu chủ yếu của cả nhiệm kỳ. Nhiều đảng bộ đã xây dựng phim tư liệu, hình ảnh để minh họa rõ hơn kết quả và những thành tựu đạt được...

Việc tổ chức thảo luận báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy tại đại hội hầu hết được thực hiện ở hội trường với tinh thần nghiêm túc, trung bình mỗi đại hội có khoảng 8 -12 ý kiến, một số nơi có số lượng ý kiến thảo luận nhiều như đại hội đảng bộ huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), huyện Tương Dương (Nghệ An)... Nhiều ý kiến đã được Đoàn chủ tịch đại hội tiếp thu vào các văn kiện. Tất cả các đại hội đều tổ chức thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và dự thảo Văn kiện đại hội Đảng bộ cấp tỉnh. Qua tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo văn kiện cấp trên thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đại biểu của đại hội trong việc xây dựng văn kiện. Sau thảo luận, nhiều đại hội, Đoàn chủ tịch đã thông qua toàn văn báo cáo tổng hợp và lấy ý kiến biểu quyết của đại hội thống nhất với tỷ lệ cao.

Công tác nhân sự cấp ủy đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, phát huy dân chủ

Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Công tác nhân sự cấp ủy khóa mới được chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng, đúng quy trình, phát huy dân chủ, cơ bản đảm bảo tốt yêu cầu về tiêu chuẩn và số lượng theo Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương và chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên.

Công tác nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy được thực hiện dân chủ, khách quan, đúng quy trình, hướng dẫn và được cấp ủy cấp trên trực tiếp thẩm định, phê duyệt, cấp ủy khóa mới nhìn chung đảm bảo tỷ lệ tuổi trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số; trình độ học vấn, lý luận chính trị được nâng lên so với nhiệm kỳ trước. Để phục vụ công tác nhân sự cấp ủy khóa mới, cấp ủy huyện đã quan tâm, chú trọng thực hiện việc đánh giá cán bộ, rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy và cán bộ chủ chốt. Trước đại hội, nhiều nơi đã bố trí, sắp xếp cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ cấu cấp ủy khóa mới. Đề án nhân sự cấp ủy khóa mới và nhân sự đại biểu đi dự đại hội cấp trên của các đảng bộ được cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị kỹ, qua nhiều vòng lấy ý kiến, được ban chấp hành dân chủ thảo luận thống nhất đảm bảo đúng quy trình. Nhân sự chủ chốt đều có kinh nghiệm và qua rèn luyện lãnh đạo cơ sở. Phương án nhân sự đều được báo cáo Ban thường vụ tỉnh ủy thống nhất trước khi trình đại hội. Nhân sự cấp ủy khóa mới cơ bản bảo đảm đươc cơ cấu, yêu cầu về tiêu chuẩn, số lượng (kể cả số dư) và cơ cấu (địa bàn, ngành).

Công tác bầu cử được thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, phát huy được trách nhiệm và quyền của đại biểu. Kết quả bầu cử cơ bản thống nhất với phương án chuẩn bị nhân sự của cấp ủy triệu tập đại hội và chỉ đạo cấp trên. Hầu hết các đại hội bầu một lần là đủ số lượng; đa số cán bộ chủ chốt trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao (từ 86 - 100%).

Tổng hợp kết quả bầu cử cấp ủy tại 1.199 đại hội cấp huyện (chiếm 85%) như sau: Tổng số cấp ủy khóa mới là: 36.778 đồng chí, trong đó, số cấp ủy viên tham gia lần đầu là 10.896 đồng chí, chiếm 29,63% tổng số cấp ủy viên (nhiệm kỳ trước 41,25%). Các đảng bộ đạt tỷ lệ cấp ủy viên tham gia lần đầu trên 1/3 là: Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Số cấp ủy viên có trình độ đại học trở lên là 33.438 đồng chí chiếm 90,92% (nhiệm kỳ trước là 86,7%). Nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100% như: Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Đồng Nai, Trà Vinh, Long An, Phú Thọ, Hải Dương,... Số cấp ủy viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị là 28.116 đồng chí, chiếm 76,45% (nhiệm kỳ trước là 66,8%)… Những nơi đạt tỷ lệ cao như: Đồng Nai, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Kiên Giang, Quảng Nam, Tiền Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh... Độ tuổi bình quân cấp ủy huyện là 46 tuổi. Một số nơi có độ tuổi bình quân cao như: Đồng Tháp 54,03 tuổi, Quảng Ngãi 49,9 tuổi; Đà Nẵng 47,59 tuổi; địa phương có độ tuổi bình quân thấp: Kiên Giang 42,17 tuổi, Nghệ An 43,7 tuổi, Phú Thọ 43,8 tuổi.

Trong thời gian diễn ra đại hội, hầu hết các cấp ủy khóa mới tổ chức họp để bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Số lượng ban thường vụ được bầu ở các đảng ủy từ 11 đến 15 đồng chí. Hầu hết danh sách bầu ban thường vụ đều đảm bảo số dư từ 10-15%.

Một số vấn đề cần quan tâm

Từ thực tiễn tổ chức Đại hội cấp huyện và tương đương, để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: cấp ủy các cấp cần phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của cấp ủy cấp trên để thực hiện đúng; đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể địa phương, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch chi tiết và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy viên phụ trách, chỉ đạo đối với từng đảng bộ. Cấp ủy cần chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội.

Cấp ủy triệu tập Đại hội cần chủ động chuẩn bị tốt các nội dung của Đại hội theo quy định; phát huy dân chủ, lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân. Trong Đại hội phải phát huy trí tuệ của tập thể để nâng cao chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện. Thời gian Đại hội cần được bố trí cân đối nội dung về nhân sự và nội dung thảo luận và quyết định về văn kiện.

Công tác chuẩn bị nhân sự cần thực sự phát huy dân chủ, thực hiện chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc, đúng quy trình hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên. Cấp ủy các cấp cần bám sát nội dung, yêu cầu Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và Quy chế bầu cử trong Đảng để bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng cấp ủy viên. Đề cao trách nhiệm của tập thể cấp ủy, phát huy trí tuệ của đại biểu đại hội. Các cấp ủy Đảng cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng, những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, những ý kiến thắc mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân đều phải được giải quyết kịp thời, tạo sự ổn định tư tưởng trước khi vào đại hội. Đối với cán bộ nữ, trẻ đủ điều kiện cơ cấu vào cấp ủy khóa mới, cần sớm rà soát quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, bố trí vị trí công tác phù hợp.

Việc lựa chọn nhân sự tham gia đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban kiểm phiếu phải là những đồng chí có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, nắm chắc nguyên tắc, trình tự điều hành đại hội, đặc biệt thủ tục bầu cử, trình bày rõ ràng, mạch lạc và đảm bảo thời gian dự kiến.

HƯƠNG THỦY (TTXVN)

Báo cáo của 67/67 tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, có 89 đảng bộ cấp huyện trong cả nước (chiếm 6,31 %) được chọn thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy. Tại 28 tỉnh, mỗi tỉnh chọn 1 đảng bộ cấp huyện thực hiện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy; 9 tỉnh chọn 2 đảng bộ cấp huyện thực hiện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy. Một số tỉnh chọn nhiều đảng bộ cấp huyện thực hiện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy như: Quảng Ninh; Hà Tĩnh; thành phố Hồ Chí Minh. 27/67 tỉnh không tổ chức đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy.

Tính đến ngày 25-8-2015, cả nước có 1.199 đảng bộ cấp huyện (chiếm 85 %) hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020. Trong đó, 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành đại hội cấp huyện sớm nhất là: Bắc Ninh, Ninh Bình và Đảng bộ Quân đội, Lai Châu. Các đảng bộ trực thuộc Trung ương còn lại hoàn thành đại hội cấp huyện trong tháng 8-2015.

Chia sẻ bài viết