14/10/2016 - 11:06

ĐỒNG CHÍ DIỆP THỊ THU HỒNG, CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TP CẦN THƠ:

Phát huy tinh thần “Đoàn kết- Đổi mới- Bình đẳng và Phát triển” của phụ nữ

 

Chủ đề Đại hội đại biểu (ĐHĐB) Phụ nữ TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021 được xác định là "Phụ nữ Cần Thơ Đoàn kết- Đổi mới- Bình đẳng- Phát triển". Với tinh thần đó, ĐH sẽ tập trung thảo luận đánh giá những thành tựu của công tác Hội và phong trào phụ nữ thành phố 5 năm qua. Đồng thời, ĐH cũng đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016-2021. Đồng chí Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ, cho biết:

-5 năm qua, Ban Chấp hành (BCH) Hội LHPN thành phố lãnh đạo thực hiện Nghị quyết ĐHĐB Phụ nữ Cần Thơ lần thứ XII đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, 100% chỉ tiêu của nhiệm kỳ đều thực hiện đạt và vượt. Các cấp Hội đã chủ động, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo phụ nữ. Đặc biệt, các cấp Hội thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các Cuộc vận động được gắn với 3 khâu đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của thành phố.

Bộ máy các cấp Hội luôn được củng cố và phát triển; đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trẻ hóa, kiện toàn, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn được nâng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Hội đã chủ động tham mưu, giới thiệu bồi dưỡng, đề xuất nhiều cán bộ ưu tú tham gia đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý nhà nước ở các cấp. Tổ chức Hội ngày càng mở rộng tính liên hiệp, xây dựng nhiều mô hình tập hợp đối tượng nữ thanh niên, nữ trí thức, doanh nghiệp, nữ công nhân lao động, nữ dân tộc thiểu số, nữ tôn giáo… tham gia vào tổ chức Hội. Song song đó, các cấp Hội quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ; hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập… Qua đó, nhiều chị em tự phấn đấu vươn lên, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và ngoài xã hội.

 Việc thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ gắn với khâu đột phá "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, chi tổ Hội…", thời gian qua đã đạt kết quả như thế nào, thưa đồng chí?

- Công tác cán bộ được xác định là khâu đột phá nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp Hội từ thành phố đến cơ sở luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong nhiệm kỳ, Thành hội đã cử 7 cán bộ tham gia học cao cấp lý luận chính trị, 6 cán bộ học trung cấp lý luận chính trị- hành chính, 2 cán bộ học đại học. Đảng đoàn Hội LHPN thành phố đã giới thiệu cho Thành ủy đưa vào quy hoạch các đồng chí triển vọng tham gia các chức danh lãnh đạo chủ chốt và nữ ứng cử cấp ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020. Qua đó, có 8 đồng chí trúng cử vào BCH Đảng bộ TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Hội phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp rà soát, bổ sung quy hoạch. Kết quả, tỷ lệ nữ trong quy hoạch lãnh đạo các chức danh cán bộ chủ chốt cấp thành phố, với chức danh Giám đốc Sở và tương đương có 23 đồng chí, chiếm tỷ lệ 47,91%; Phó Giám đốc Sở và tương đương có 26, chiếm tỷ lệ 23%; trưởng phòng và tương đương chiếm 32%; Phó Trưởng phòng và tương đương chiếm 37%...

 Các Chủ tịch Hội LHPN cơ sở chia sẻ kinh nghiệm công tác Hội tại Hội thảo “Nâng cao vai trò Chủ tịch Hội LHPN cơ sở trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh” do Hội LHPN thành phố tổ chức. Ảnh: P. LAM

Khâu đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở và chi, tổ Hội, nhất là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác Hội ở cơ sở, đạt nhiều kết quả. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã tổ chức 111 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, chuyên đề cho 8.428 luợt cán bộ Hội cơ sở, chi hội trưởng, tổ trưởng; cử nhiều cán bộ Hội tham gia các lớp nghiệp vụ, tập huấn chuyên đề do Trung ương Hội tổ chức. Đến nay, có 100% cán bộ Hội cấp thành phố, 95% cán bộ Hội cấp quận, huyện, 93% cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh; 100% Chi hội trưởng được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ công tác Hội và các chuyên đề liên quan.

 Còn về khâu đột phá "huy động các nguồn lực giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình" đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa đồng chí?

-Thực hiện khâu đột phá huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế’, " giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ", " Phụ nữ làm kinh tế giỏi"... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của thành phố 1%/năm. Thông qua các hoạt động khai thác vốn từ các nguồn tín dụng, ngân hàng, dự án, nguồn tiết kiệm trong hội viên phụ nữ để hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hiện tại, tổng nguồn vốn Hội đang quản lý trên 15 tỉ đồng; tổng dư nợ ủy thác Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 728 tỉ đồng; hằng năm, các cấp Hội giúp trên 95% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ... Từ những biện pháp hỗ trợ của các cấp Hội, nhiệm kỳ qua đã có 6.769 hộ thoát nghèo, đạt tỷ lệ trên 30%.

Đi đôi với thành lập "Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế" giúp cho phụ nữ nghèo phát triển kinh tế hộ, liên kết sản xuất, qua 5 năm thực hiện Đề án 295 "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm" và đề án 1956 " Dạy nghề cho lao động nông thôn", các cấp Hội phối hợp tổ chức 370 lớp dạy nghề miễn phí, cho 12.908 học viên; phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 115.000 lượt lao động nữ tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài thành phố.

Điểm mới của nhiệm kỳ là sự kết nối giữa hoạt động dạy nghề, tư vấn nghề với việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ liên kết, tổ hợp tác, thành lập các tổ hợp tác sản xuất, qua đó có nhiều mô hình liên kết sau đào tạo được thành lập và mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện cho chị em có việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững. Các cấp Hội thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững", vận động mỗi hội viên, phụ nữ tham gia ít nhất 1 loại hình tiết kiệm. Đến nay, toàn hệ thống Hội đã tiết kiệm được trên 119 tỉ đồng, giúp cho 93.260 lượt chị vay giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế gia đình.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào phụ nữ và công tác Hội thành phố trong nhiệm kỳ qua còn những mặt hạn chế nào, thưa đồng chí?

- Các cấp Hội chưa chủ động tham mưu, đề xuất triển khai lồng ghép các vấn đề liên quan về giới trong xây dựng luật pháp, chính sách, chương trình đề án. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nắm bắt tình hình, nhu cầu của phụ nữ chưa nhạy bén, kịp thời.Việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình các mô hình, tập thể và cá nhân đôi lúc chưa thường xuyên, qua đó, chưa tạo động lực, khuyến khích phụ nữ phát huy hết tiềm năng, ưu thế của mình trên các lĩnh vực. Đồng thời, các cấp Hội chưa nghiên cứu cơ chế để phát hiện, tôn vinh, ghi nhận điển hình một cách hệ thống, tạo động lực phát huy tiềm năng, ưu thế của phụ nữ ở các lĩnh vực. Việc đổi mới nội dung phương thức hoạt động Hội một số nơi còn chậm, chưa chú trọng nghiên cứu dự báo tình hình để làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội và đề xuất các chính sách cho phụ nữ.

Một số cán bộ Hội chưa nhận thức đầy đủ về chức năng đại diện của tổ chức Hội; năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu, đề xuất chính sách và giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Vẫn còn một số cán bộ Hội cơ sở có tâm lý trông chờ vào chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ cấp trên, chưa sáng tạo, còn rập khuôn, thụ động trong triển khai thực hiện Nghị quyết ĐH; nhận thức về vai trò công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đầy đủ và sâu sắc, có nơi còn xem nhẹ, nên chưa phát huy được tác dụng và hiệu quả thực chất…

 Nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp Hội LHPN thành phố đề ra mục tiêu, phương hướng và xác định những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá gì, thưa đồng chí?

- 5 năm tới, các cấp Hội LHPN trong thành phố xác định mục tiêu là tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Đoàn kết, phát huy truyền thống, tiềm năng và sức sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần phát triển TP Cần Thơ văn minh, hiện đại, xứng tầm với vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Hội tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: vận động phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động, hỗ trợ giúp phụ nữ phát triển kinh tế bền vững; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Các cấp Hội cũng đã xác định và tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, gồm: Xây dựng nguồn nhân lực của Hội các cấp thật sự chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; mở rộng tính liên hiệp của tổ chức; tiếp tục phát huy, tập hợp lực lượng nữ trí thức, nữ doanh nhân tham gia vào tổ chức Hội; phát huy ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức cho nữ thanh thiếu niên và hội viên, phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Xin cảm ơn đồng chí!

QUỲNH LAM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết