15/08/2016 - 21:39

CÁI RĂNG

PHÁT HUY THẾ MẠNH TỔ HỢP TÁC

Thời gian qua, quận Cái Răng tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho nông dân tham gia vào các tổ hợp tác. Nhờ đó, Cái Răng có nhiều tổ hợp tác điển hình làm ăn có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống nông dân tham gia vào các tổ hợp tác.

* Đa dạng mô hình hiệu quả

Theo Phòng Kinh tế quận Cái Răng, năm 2016, quận Cái Răng đã hỗ trợ cây con giống cho nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hộ sản xuất nhỏ lẻ… Đến nay, quận đã hỗ trợ khoảng 2.000 cây lan giống cho các hộ dân tại phường Hưng Thạnh, hỗ trợ cho các mô hình trồng cam xoàn xen ổi tại phường Tân Phú. Đồng thời, phát triển mô hình trồng rau ăn trái, rau ăn lá theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm với 4ha cho khoảng 21 hộ. Để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, 6 tháng đầu năm 2016, Cái Răng triển khai nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chỉnh trang vườn, kỹ thuật nuôi gà sao, kỹ thuật trồng dưa leo... Các ngành chuyên môn quận với UBND các phường góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ lẻ liên kết thành lập nên các tổ hợp tác chuyên sản xuất các loại cây ăn trái, hoa màu… Đến nay, toàn quận có khoảng 13 tổ hợp tác và 2 câu lạc bộ khuyến nông hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như: chăn nuôi, trồng hoa kiểng, sản xuất rau màu các loại. Trong đó, xuất hiện nhiều mô hình tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả như: tổ hợp tác cắt cành tạo tán trẻ hóa vườn bưởi tại phường Tân Phú, tổ hợp tác trồng màu tại phường Hưng Thạnh, tổ hợp tác trồng rau sạch tại phường Thường Thạnh… Phần lớn Ban Chủ nhiệm các tổ hợp tác đều thống nhất phương thức hoạt động, tổ chức họp định kỳ để tạo điều kiện cho các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình sản xuất. Từ đó, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống của nông dân mà còn thu hút nhiều bà con sản xuất nhỏ lẻ bên ngoài tham gia vào các mô hình tổ hợp tác.

Nông dân trong Tổ hợp tác trồng màu tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng đang chăm sóc dưa hấu.

Ông Lê Văn Chuộng, cán bộ khuyến nông phường Tân Phú, quận Cái Răng, cho biết: Hiện phường Tân Phú có 3 tổ hợp tác và 1 trang trại nuôi cá sấu. Trong đó, tổ hợp tác cắt cành, tạo tán trẻ hóa vườn bưởi đang phát triển khá mạnh và là một trong những mô hình điểm của phường với khoảng 40 thành viên, tổng diện tích sản xuất khoảng 18ha chuyên trồng các loại cây ăn trái. Điểm nổi bật của mô hình tổ hợp tác này là bà con đều thực hiện kỹ thuật mới trong việc cắt cành, tạo tán cho vườn cây ăn trái… Nhờ thống nhất kỹ thuật sản xuất cùng với những hỗ trợ về kỹ thuật của ngành khuyến nông và những chia sẻ kinh nghiệm hữu ích giữa các thành viên trong tổ hợp tác nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Trong đó, có nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi, học hỏi được kỹ thuật cắt cành, tạo tán hiệu quả, cải thiện được chất lượng cho vườn cây ăn trái khá tốt. Đặc biệt, xuất hiện nhiều cá nhân điển hình, ngoài chịu khó tìm kiếm cách làm hay còn tập trung đầu tư hệ thống tưới phun nước hiện đại nên với diện tích canh tác 2ha, thu nhập lên đến 1 tỉ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Đảm thành viên của tổ hợp cắt cành tạo tán trẻ hóa vườn bưởi tại khu vực Phú Lễ, phường Tân Phú, cho biết: Tổ hợp tác được thành lập từ năm 2013. Để có được những trái bưởi to đạt chất lượng, bán được giá cao so với trước đây, các thành viên trong tổ hợp tác thường xuyên họp mặt chia sẻ kỹ thuật cắt cành sao cho bưởi hay cam tạo tán hiệu quả. Ngoài ra, khi tham gia tổ hợp tác, bà con còn được tiếp thu những cách làm hay để bố trí cho cây ra hoa, đậu trái đúng thời điểm mong muốn, nhất là bố trí thời vụ phục vụ thị trường mùa Tết. "Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, tay nghề cắt cành, tạo tán của các tổ viên tăng lên rõ rệt. Không chỉ vậy, năng suất và chất lượng vườn cây ăn trái cũng được nâng cao. Nhờ đó, cải thiện đáng kể thu nhập của nông dân trong tổ hợp tác" - ông Nguyễn Văn Đảm nói.

Nông dân Tổ hợp tác cắt cành tạo tán trẻ hóa vườn bưởi đang cắt cành tạo tán cho vườn cây ăn trái tại khu vực Phú Lễ, phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng màu tại phường Hưng Thạnh, cho biết: Để giúp bà con nông dân trồng dưa hấu nhỏ lẻ trên địa bàn phường Hưng Thạnh nâng cao thu nhập, ngành chức năng quận Cái Răng và phường Hưng Thạnh đã khuyến khích liên kết thành lập tổ hợp tác trồng màu vào năm 2015 với 33 thành viên, tổng diện tích 38ha. Nhờ có sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong tổ hợp tác nên bà con biết cách phối hợp sản xuất luân phiên, phân lịch xuống giống xen canh để tránh tình trạng thu hoạch rộ dễ bị thương lái ép giá. Điểm nổi bật của mô hình tổ hợp tác là bà con cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, chọn loại giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Ngoài ra, mỗi khi có dịch bệnh xảy ra trên dưa hấu bà con trong tổ cùng nhau họp bàn kế hoạch lựa chọn phân, thuốc sử dụng cho hợp lý… Từ đó, góp phần nâng cao nâng suất và chất lượng trái dưa hấu so với trước đây. Ước tính bình quân với 1.000 m2 (1 công) đất trồng dưa hấu, năng suất đạt khoảng 3,2 tấn cao hơn từ 500kg đến 1 tấn so với trước đây, giá bán khoảng 5.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí nông dân lời khoảng 7 triệu đồng/công. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, vào tổ hợp tác, nông dân có nhiều cơ hội tham dự các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ chia sẻ những kinh nghiệm hay, để biết cách trồng, chăm sóc và sử dụng phân thuốc đúng yêu cầu, giúp rau màu phát triển tốt, đạt chất lượng và bán được giá cao hơn.

* Phát huy sức mạnh liên kết

Những năm qua, với những định hướng đúng đắn từ ngành chức năng cùng với trợ lực của ngành chuyên môn thành phố, quận Cái Răng đã từng bước triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khuyến khích người dân sản xuất nhỏ lẻ tập hợp lại để hình thành nên các tổ hợp tác. Mô hình tổ hợp tác không chỉ thiết thực giúp phát triển kinh tế hộ mà còn tạo sự gắn bó giữa các hộ nông dân để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Ông Lê Văn Chuộng, cán bộ khuyến nông phường Tân Phú, cho biết: Cùng với những hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật của địa phương, sự ra đời của tổ hợp tác đã giúp nông dân mạnh dạn tăng gia sản xuất, cải thiện rất lớn về đời sống kinh tế gia đình. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng màu tại khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, hiệu quả mang lại của mô hình tổ hợp tác không chỉ giúp nông dân hạn chế dịch bệnh mà còn phát huy được sức mạnh liên kết giữa nông dân trong tổ, giảm bớt rủi ro do bị thương lái ép giá… Ngoài ra, mô hình tổ hợp tác còn thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm và từng thành viên trong quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống bà con nông dân sản xuất nhỏ lẻ so với trước đây.

Hiệu quả của mô hình tổ hợp tác đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống của nông dân trên địa bàn quận Cái Răng. Để phát huy tiềm năng của các tổ hợp tác, ngành chuyên môn quận Cái Răng kết hợp Trạm bảo vệ thực vật theo dõi chăm sóc lúa, rau màu, cây ăn trái; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức hội thảo các mô hình sản xuất có hiệu quả cho nông dân học hỏi rút kinh nghiệm trong sản xuất. Đồng thời, phối hợp Chi cục Thủy sản kiểm tra công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn quận; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện các mô hình nông nghiệp năm 2015, triển khai các mô hình nông nghiệp năm 2016. Ngoài ra, để phát huy được thế mạnh của các tổ hợp tác, ngành chức năng thành phố cần triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực, giúp nông dân tiếp cận được với nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ phát triển để đầu tư cơ sở vật chất, phát triển kinh doanh mang lại lợi ích cho thành viên, nhất là nông dân sản xuất nhỏ lẻ…

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết