Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Bên cạnh việc sở hữu tiềm năng phát triển về du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bất động sản, logistics, công nghiệp, ÐBSCL đã và đang được Trung ương quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển đồng bộ và đột phá. Theo các chuyên gia, để khơi thông những lợi thế riêng có, đánh thức những tiềm năng còn bỏ ngỏ, các địa phương trong vùng cần thắt chặt mối dây liên kết vùng. Từ đó vừa phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, vừa gắn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo động lực phát triển bền vững vùng ÐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị.

Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tân Cảng - Cái Cui, TP Cần Thơ.
Sẵn sàng hành động
Nghị quyết 13-NQ/TW "Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định: "Vùng ÐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh và bền vững phù hợp với vai trò, vị trí chiến lược của vùng; trở thành vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước". Từ mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 13-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18-6-2022 để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp. Ðồng thời, mỗi Ðảng bộ, chính quyền từng địa phương trong vùng đều ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nội dung Trung ương, Chính phủ đã giao.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình số 31-CTr/TU ngày 16-6-2022 để thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ðồng thời, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình của Thành ủy, Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, để thực hiện được mục tiêu, ưu tiên hàng đầu của các nghị quyết quan trọng này, thành phố chủ động phối hợp các cơ quan Trung ương đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng, qua địa bàn TP Cần Thơ. Cùng với đó là tập trung triển khai 14 công trình trọng điểm, có tính chất quan trọng, có vai trò động lực cho phát triển thành phố. Nếu làm tốt, sớm đưa vào khai thác vận hành các công trình này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thành và triển khai hiệu quả Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ÐBSCL với vai trò trung tâm vùng.
Thời gian qua, Chính phủ đang có những động thái đánh thức tiềm năng khu vực ÐBSCL bằng việc đầu tư hạ tầng, phát triển cầu, đường cao tốc nối từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ và kết nối với các tỉnh trong vùng ÐBSCL. Theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hệ thống giao thông trong vùng hiện đang được Trung ương chú ý đầu tư phát triển. Trong thời gian tới, các đường cao tốc kết nối từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh, thành trong vùng sẽ được hoàn thiện. Ðây là yếu tố rất thuận lợi tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên đây cũng là thách thức đối với các địa phương cần phải có sự chuẩn bị trước phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, tạo sự đồng bộ để quá trình phát triển được hài hòa và bền vững. Theo ông Vinh, để thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị nói chung và đối với vùng ÐBSCL nói riêng cần sự chung tay của toàn hệ thống, trong đó đặc biệt là cấp chính quyền địa phương. Việc phát triển kinh tế khu vực ÐBSCL phù hợp với mục tiêu kinh tế, chính trị xã hội, an ninh quốc phòng đã được đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt giữa các cơ quan Trung ương, bộ, ngành và địa phương.
Thắt chặt liên kết
Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển vùng ÐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên 3 trụ cột "kinh tế - xã hội - môi trường". Trước yêu cầu liên kết vùng giữa các địa phương, ông Phan Ðức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chia sẻ: "Quốc hội đã có Nghị quyết 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Trong đó, có nội dung về phát triển trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ. Trong quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chính sách và tổ chức thực thi, nâng cao hiệu quả kết nối giữa các tỉnh trong vùng. Cần kết nối dựa trên các trụ cột đã được xác định, chia sẻ lợi ích giảm sự cạnh tranh giữa các địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tỉnh. Ðây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành vùng ÐBSCL ngồi lại với nhau để chi tiết hóa các nội dung quy hoạch, tăng sự kết nối trong nội tỉnh cũng như kết nối với nhau trong xây dựng và triển khai quy hoạch. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các tỉnh còn hạn chế, do đó cần được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư quan tâm đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ
tầng vùng...".
Theo Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Ủy viên Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, huy động vốn ngoài ngân sách là yêu cầu quan trọng để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho vùng ÐBSCL. Tuy nhiên thời gian qua có nhiều dự án ODA không thể giải ngân được. Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công địa phương đóng vai trò quan trọng, đặc biệt quan tâm tháo gỡ ách tắc của việc giải ngân vốn ODA; quan tâm tháo gỡ khó khăn, tăng cường hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro tốt hơn để nhà đầu tư mạnh dạn tham gia. Phát triển thị trường trái phiếu, cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình. Nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công các dự án. Cần quyết tâm liên kết vùng, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối để phát triển các dịch vụ cấp vùng về du lịch, y tế, giáo dục… là hoàn toàn khả thi. Theo ông Lực, hiện nay, Trung ương đã các cơ chế liên quan đến Hội đồng vùng, Ban chỉ đạo vùng. Vấn đề là cần hoàn thiện thể chế, mô hình quản lý điều hành để các địa phương phải vừa thấy được trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia trong Hội đồng vùng. Làm sao để liên kết vùng tạo ra nhiều lợi thế cho cả vùng và cho mỗi địa phương để mỗi địa phương tham gia một cách tích cực hơn.