Xác định công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là động lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, hệ thống chính trị xã Đông Thuận, huyện Thới Lai đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhiều tuyến đường giao thông. Riêng năm 2015, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC), xã đã huy động nhân dân đóng góp xây dựng mới 8,3 km đường giao thông.
Cuối tháng 11-2015, bà con ấp Đông Hiển A rất phấn khởi khi tuyến đường cặp kênh Yết Kỵ thuộc ấp Đông Hiển A, dài 4.150m, rộng 2m hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo người dân, trước đây tuyến đường này là đường đất, đổ đá bụi, mặt đường chỉ khoảng 1m, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, Đảng ủy, UBND xã Đông Thuận đề ra chủ trương xây dựng tuyến đường này để người dân đi lại sinh hoạt thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thực hiện công trình, địa phương tổ chức họp dân và bà con rất đồng tình, thống nhất đóng góp 60 % kinh phí làm đường, phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, địa phương cũng thành lập Ban vận động, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; xét miễn, giảm mức đóng góp đối với các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách... Chú Nguyễn Văn Danh, ngụ ấp Đông Hiển A, bộc bạch: "Theo tính toán, mỗi mét tới bà con đóng góp 290 ngàn đồng. Số tiền đóng góp của gia đình tôi khoảng 5,5 triệu đồng, được chia làm 2 đợt, sau khi thu hoạch vụ lúa mới đóng. Tôi thấy cách làm này rất hay, giúp bà con chủ động tiền nong, vì ở nông thôn thu nhập chủ yếu dựa vào vụ mùa. Sau khi hoàn thành công trình, địa phương công khai các khoản thu-chi cho bà con biết, giám sát". Chú Đỗ Văn Hải, 81 tuổi, ở ấp Đông Hiển A, cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, được xét miễn tiền làm đường 100%. Giờ đường sá khang trang, bà con rất hài lòng với chất lượng công trình".

Bà con xã Đông Thuận tích cực đóng góp cùng Nhà nước xây dựng nhiều tuyến đường khang trang.
Cũng vào cuối năm 2015, bà con ấp Đông Thạnh đóng góp cùng Nhà nước xây dựng tuyến đường Ngàn Nhất dài 4.200m. Ông Nguyễn Văn Mẫu, Trưởng ban Vận động công trình, nói: "Bà con rất đồng tình với chủ trương làm đường và thống nhất đề nghị Nhà nước đầu tư 40%, nhân dân đóng góp 60%. Trong đó, số tiền Nhà nước đầu tư dùng để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ thuộc diện khó khăn, hộ bị ảnh hưởng nhiều khi làm đường
Các trường hợp miễn giảm chúng tôi đều đưa ra để bà con bình xét công khai". Sau khi thực hiện xong công trình, địa phương tổ chức báo cáo thu chi để bà con nắm rõ. Tổng số tiền thực hiện tuyến đường Ngàn Nhất này là 1,3 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 730 triệu đồng và tháo dỡ nhiều vật kiến trúc, hoa màu... Tính chung, trong năm 2015, địa phương đã huy động sức đóng góp của nhân dân xây dựng mới 8,3km đường giao thông với tổng trị giá hơn 2,6 tỉ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp tiền mặt hơn 1,4 tỉ đồng, hiến đất hoa màu, vật kiến trúc trị giá hàng trăm triệu đồng.
Trên địa bàn xã Đông Thuận có khoảng hơn 100 cây cầu lớn nhỏ các loại. Những năm qua, địa phương cũng đã lên kế hoạch tính toán để hàng năm làm cầu bê-tông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đầu tháng 5-2016 này bà con ấp Đông Thạnh tổ chức xây dựng cầu bê-tông mới thay cho cầu cây cũ xuống cấp. Anh Nguyễn Thanh Bình, ấp Đông Thạnh phấn khởi nói: "Công trình trị giá hơn 60 triệu đồng do địa phương vận động các mạnh thường quân tài trợ, người dân chỉ đóng góp ngày công". Tính từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã xây dựng mới được 23 cây cầu bê-tông,
tổng số tiền thực hiện là 5,1 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 1,9 tỉ đồng và hơn 4.000 ngày công lao động. Đến nay, 100% các tuyến đường chính của xã đã được bê-tông hóa, nhựa hóa khang trang, rộng từ 2m đến 4m. Trong đó, có 7.356m đường nhựa; 6.600m đường bê-tông, rộng 4m, 35km đường bê-tông rộng 2m. Địa phương đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng Nông thôn mới
Ông Trương Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thuận cho biết thêm: "Trước khi thực hiện các công trình làm đường, bắc cầu, chính quyền địa phương đều tổ chức thăm dò ý kiến nhân dân, họp dân để bàn bạc công khai. Nhờ đó, đa số các công trình khi xã thông báo chủ trương, bà con rất đồng thuận, nhiệt tình ủng hộ. Khi thực hiện công trình, chính quyền địa phương đảm bảo công khai dân chủ, theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Qua đó, tạo được sự tin tưởng và đồng thuận từ phía người dân. Đến nay địa phương đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng xã nông thôn mới. Chúng tôi tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời bàn giải pháp khắc phục những mặt còn hạn chế trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đế tiếp tục huy động sức dân xây dựng, sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đưa Đông Thuận ngày càng phát triển".
ĐỒNG TÂM