23/08/2009 - 21:16

Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL Trường Đại học Cần Thơ:

Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động

Cán bộ và nông dân các địa phương tham gia đánh giá giống lúa tại Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL.
Ảnh: do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cung cấp. 

Với chức năng đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu, chuyển giao và tư vấn khoa học, công nghệ phục vụ phát triển KT-XH vùng ĐBSCL, trong những năm qua, cán bộ, nhân viên của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL Trường Đại học Cần Thơ đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) trong các hoạt động của Viện đã góp phần xây dựng cơ quan vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu đào tạo sinh viên, cán bộ kỹ thuật và các nhu cầu sản xuất của nông dân khu vực ĐBSCL.

Theo đồng chí Trần Thanh Bé, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, lãnh đạo Viện xác định rõ thực hiện QCDC là yếu tố trọng tâm để phát huy quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi mặt hoạt động, xây dựng cơ quan vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong những năm qua, thông qua các cuộc họp, hội nghị cán bộ viên chức, Chi ủy và Ban Giám đốc Viện đã triển khai quán triệt trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân viên các văn bản quy định thực hiện QCDC trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các văn bản khác quy định về thực hiện dân chủ trong các hoạt động Viện. Với sự góp ý của tập thể cán bộ, công chức, lãnh đạo Viện đã xây dựng các quy định về chức năng và nhiệm vụ cá nhân, tổ chức và đơn vị thuộc Viện; chế độ bồi dưỡng và nâng cao trình độ cán bộ; chế độ tài chính và chi tiêu nội bộ; công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chuyển giao khoa học; thực hành tiết kiệm; sử dụng quỹ khuyến học; quản lý sinh viên... Hàng tuần, Viện tổ chức họp giao ban gồm đại diện chi ủy, Ban Giám đốc, các trưởng, phó bộ môn, đại diện đoàn thể. Thông qua cuộc họp, cán bộ chủ chốt nắm tình hình hoạt động của Viện, thảo luận, đề ra kế hoạch tuần tới, sau đó, phổ biến cho cán bộ, nhân viên do mình phụ trách cùng nhau tổ chức thực hiện. Trong các cuộc họp, Ban Giám đốc Viện lắng nghe ý kiến, phản ánh của cán bộ, viên chức về những khó khăn vướng mắc trong khi thực hiện nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền và kiến nghị, phản ánh những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên.

Trên bảng thông báo tại cơ quan Viện niêm yết công khai các văn bản liên quan đến hoạt động của Viện, trường và các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Tại các bộ môn cũng đều có những bảng thông báo riêng, nhằm tạo điều kiện để mọi người cùng biết những chủ trương, quy định mới, hoạt động của đơn vị để cùng tham gia thực hiện. Chị Lê Thị Hồng Thanh, cán bộ Bộ môn Tài nguyên cây trồng, cho biết: “Trong hội nghị cán bộ viên chức hàng năm, lãnh đạo Viện đều báo cáo tình hình hoạt động trong năm qua, định hướng phát triển trong năm tới, công khai tài chính, đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng... để mọi người góp ý. Các hoạt động liên quan đến cán bộ viên chức, sinh viên, học viên được niêm yết công khai hoặc thực hiện qua trang Website của viện, hộp thư email của từng cá nhân để cán bộ nhân viên, sinh viên biết, thực hiện. Những vấn đề gì cán bộ, nhân viên thắc mắc đều được lãnh đạo giải thích tận tình”.

Ban Giám đốc Viện luôn xác định con người là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ, vì thế, lãnh đạo Viện rất quan tâm đào tạo nguồn nhân lực vững về chuyên môn nghiệp vụ và có tinh thần trách nhiệm cao. Quy trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được lấy ý kiến từ các bộ môn thống nhất chuyển lên Viện xem xét để cử cán bộ, viên chức đi học. Lãnh đạo Viện cũng bàn bạc trong tập thể, quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cho những cán bộ được cử đi học. Anh Nguyễn Thành Tâm, Nghiên cứu viên Bộ môn Tài nguyên cây trồng, vừa học xong chương trình cao học về chuyên ngành trồng trọt, cho biết: “Bên cạnh hỗ trợ 75% kinh phí học tập, lãnh đạo Viện, bộ môn luôn tạo điều kiện thuận lợi để tôi vừa học, vừa làm đạt hiệu quả tốt. Những lúc tập trung học nhiều, các đồng nghiệp cũng hỗ trợ choàng gánh công việc để tôi an tâm học tập”. Năm 1995, Viện chỉ có 4 tiến sĩ, 13 thạc sĩ và 27 đại học thì hiện nay Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL có 10 tiến sĩ, 18 thạc sĩ và 28 đại học.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện thường xuyên lấy ý kiến của tập thể cán bộ, viên chức xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học; phân công các cán bộ có năng lực, kinh nghiệm làm chủ nhiệm các đề tài. Từ năm 1977 đến 2006, Viện đã chọn tạo được trên 50 giống lúa cao sản ngắn ngày, 18 giống trung vụ đưa ra sản xuất đại trà, có 13 giống lúa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia. Viện cũng đã đề xuất các địa phương xây dựng được các mô hình có hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững như mô hình canh tác VAC ở vùng nước ngọt ĐBSCL, mô hình nuôi cá đăng quầng trên nền lúa trong mùa lũ ở ĐBSCL, mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công... góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập, tận dụng lao động nhàn rỗi trong nông thôn. Nhằm khích lệ cán bộ, nhân viên không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, các đề tài nghiên cứu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đều được Viện khen thưởng. Điển hình như đề tài nghiên cứu chọn giống lúa cao sản ngắn ngày năng suất cao cho ĐBSCL giai đoạn 2006-2008 của tập thể Bộ môn Tài nguyên cây trồng được Bộ công nhận giống quốc gia. Lãnh đạo Viện khen thưởng 10 triệu đồng. Thầy Lê Xuân Thái, Phó Trưởng Bộ môn Tài nguyên cây trồng, bộc bạch: “Phần thưởng này đã động viên, khích lệ mọi người càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn”.

Không chỉ phát huy quyền làm chủ của cán bộ, nhân viên, lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL còn luôn lắng nghe, tôn trọng quyền làm chủ của sinh viên. Viện bố trí thùng thư để cán bộ, nhân viên và sinh viên tham gia đóng góp ý kiến. Hàng tuần, bộ phận Văn phòng mở thùng thư và báo cáo Ban Giám đốc tiếp thu, giải quyết các ý kiến góp ý. Em Phạm Lâm Hào, sinh viên lớp Phát triển nông thôn, cho biết: “Định kỳ chiều thứ 6 tuần cuối tháng, lãnh đạo Viện tổ chức họp với đại diện sinh viên thuộc Viện quản lý để nghe ý kiến, trao đổi thông tin và những gì thắc mắc giúp sinh viên tháo gỡ khó khăn. Những ý kiến đóng góp đều được lãnh đạo Viện tiếp thu điều chỉnh phù hợp với tình hình học tập của sinh viên. Như vừa qua, Viện đã điều chỉnh giảm số điểm đánh giá học lực của từng sinh viên để được làm luận văn tốt nghiệp, thay vì 3.0 thì nay có thể được xét từ 2.85 với điều kiện phải có ý kiến của cố vấn học tập đánh giá năng lực sinh viên có thể thực hiện được không nhằm hạn chế mất thời gian, công sức của các bạn...”.

Thực hiện tốt QCDC đã giúp Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đạt được nhiều thành tích cao trong các mặt hoạt động. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Thanh Bé, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, trong quá trình thực hiện QCDC, vẫn còn một số cán bộ, viên chức, nhất là cán bộ trẻ, chưa mạnh dạn đóng góp ý kiến vào thực hiện các chủ trương, kế hoạch. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo đôi khi còn tỏ thái độ mệnh lệnh, chưa lắng nghe ý kiến đóng góp của người khác hoặc chưa làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục để tạo sự đồng thuận... “Bên cạnh việc phát huy những thành tích đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để toàn thể cán bộ, nhân viên của Viện nhận thức sâu sắc về thực hiện QCDC để đóng góp ý kiến xây dựng đơn vị ngày càng phát triển; tăng cường đào tạo cán bộ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện các chương trình đào tạo mới, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác, chuyển giao công nghệ... nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, dạy và học” - đồng chí Trần Thanh Bé nói.

THANH THY

Chia sẻ bài viết