17/01/2011 - 20:45

Ung thư dương vật

Phát hiện sớm - hiệu quả điều trị cao, chi phí thấp

Ở TP Cần Thơ, mỗi năm có hơn 20 trường hợp ung thư dương vật (UTDV) mới (chưa kể số liệu bệnh nhân điều trị tại TPHCM) Bệnh này thường gắn liền với việc không xử lý đúng mức bệnh hẹp bao qui đầu bẩm sinh. Cộng thêm hoàn cảnh, mức sống, vệ sinh sinh dục... dẫn đến UTDV. Đáng tiếc là bệnh nhân tự điều trị bằng thuốc đông y, đến khi không còn chịu nổi mới đến bệnh viện, làm cho việc điều trị khó khăn, tốn kém và để lại di chứng nặng nề về tâm sinh lý cho bệnh nhân...

* Tự điều trị... hậu quả khó lường

Ngày 13-1, chúng tôi gặp bệnh nhân T, 49 tuổi ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long hiện đang điều trị UTDV ở khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ. Ông T bị nổi đốm trên dương vật từ tháng 8-2009. Nhưng nghĩ mình bị lác nên ông chỉ đi khám ở trạm y tế và mua thuốc bôi, uống. Trong quá trình điều trị tại nhà, ông vẫn đi lặn thùng, móc đất ở dưới ao, sông, kinh rạch để kiếm sống. Bệnh giảm rồi lại tái phát, ông cứ nghĩ là do mình làm nghề móc sình, đất thường xuyên ngâm mình dưới nước nên bị nhiễm trùng. Mãi đến khi bệnh đau quá, hôi thúi, chịu không nổi ông mới đến Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ khám, bệnh viện này chuyển ông đến Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ điều trị. Bác sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết: “U sùi trên dương vật của ông T đã lớn. Ngày 14-1, bác sĩ phải phẫu thuật cắt cụt một phần dương vật và nạo hạch bẹn 2 bên. Nếu bệnh chưa di căn thì không cần xạ trị, nhưng nếu giải phẫu bệnh cho kết quả bệnh đã di căn thì cần tiếp tục xạ trị”. Không chỉ ông T mà rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện điều trị muộn. Trong đó có một bệnh nhân bị UTDV mới 24 tuổi, chưa có gia đình, do e ngại, tự điều trị, đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện thì đã ở giai đoạn III, sau đó bệnh tiến triển di căn sang phổi và tử vong.

 Bác sĩ Phạm Tuấn Mạnh, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân T. ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, bệnh nhân UTDV thường vào viện với triệu chứng u sùi ở dương vật hay có hạch bẹn một hoặc hai bên. Bệnh nhân không ý thức mức độ trầm trọng của bệnh. Mặt khác đây là căn bệnh ở một bộ phận cơ thể mà việc khám và điều trị hết sức tế nhị. Vì thế, bệnh nhân tìm mọi cách để tự điều trị bằng thuốc đông y, đến khi bệnh tiến triển nặng mới nhập viện.

Khác với một số bệnh lý ung thư khác, đây là một bệnh có thể chữa khỏi dù đã di căn hạch vùng. Tuy vậy, việc bệnh nhân vào viện muộn làm cho công tác điều trị trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Góp phần phản ánh thực trạng về bệnh lý UTDV ở Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, bác sĩ Nguyễn Trường Giang và các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, giải phẫu bệnh và kết quả điều trị phẫu thuật UTDV tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ”. Qua phân tích hồi cứu 63 trường hợp UTDV được điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ từ ngày 1-1-2004 đến 31-12-2008, thời gian bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất là 1 tháng, chậm nhất là 60 tháng. Khá nhiều trường hợp, tổn thương đã ăn lan hết thân dương vật, xâm nhiễm đến bìu hay da bụng. Trong đó, 42 bệnh nhân tự điều trị, đặc biệt có 6 bệnh nhân điều trị bằng đông y (chủ yếu là đắp thuốc nam) làm cho bướu to hơn, lở loét, tiết dịch.

Trong nghiên cứu này, do bệnh nhân nhập viện muộn nên phẫu thuật có tính chất bảo tồn dương vật ở giai đoạn sớm rất hiếm, chỉ thực hiện được cho 1 bệnh nhân. Những bệnh nhân khác chủ yếu là phẫu thuật đoạn dương vật một phần (chiếm 63,5%) và toàn phần (chiếm 22,2%). Số bệnh nhân sống thêm 5 năm trở lên chỉ chiếm tỷ lệ 66,4%. Bác sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết: “Bệnh tái phát di căn phần lớn xảy ra trong 2 năm đầu sau mổ nên trong thời gian này bệnh nhân cần thường xuyên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. 66, 4% bệnh nhân sống thêm được 5 năm trở lên với tình trạng sức khỏe ổn định, nhưng đa số bệnh nhân không còn khả năng quan hệ tình dục do hậu quả điều trị muộn. Hiện nay, một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tái tạo dương vật. Dương vật tạo hình có niệu đạo và được độn cứng bằng sụn tự thân. Tất cả đều làm tốt chức năng tiết niệu và đại đa số đảm bảo chức năng sinh dục. Tuy nhiên “đồ giả” không thể bằng “đồ thật” nên hay nhất vẫn là bệnh nhân nhập viện sớm”.

*Cắt bao qui đầu - phòng bệnh UTDV

Trong nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tuổi mắc bệnh thấp nhất là 24 tuổi, cao nhất là 98 tuổi, phần lớn ở lứa tuổi 31-60 tuổi. Đáng lưu ý trong 63 bệnh nhân thì có đến 51 trường hợp hẹp bao qui đầu, chiếm tỷ lệ 81%. Bác sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết: “Có sự khác biệt giữa cộng đồng có tục cắt da qui đầu với các cộng đồng không có tục này (tỷ lệ UTDV rất thấp ở người Do Thái và người theo đạo Hồi, vì họ có tục cắt da qui đầu). Yếu tố nguy cơ gây UTDV là một số trường hợp da qui đầu bị thắt bẩm sinh, làm cho điều kiện vệ sinh tại chỗ kém, tạo kích thích liên tục cho chất bựa sinh dục-là yếu tố sinh ung thư. Tại Việt Nam, cắt hẹp bao qui đầu bẩm sinh vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng như là một biện pháp phòng ngừa UTDV. Khi đứa trẻ mới sinh, thường người ta cũng không đặt vấn đề là đứa trẻ có bị hẹp bao qui đầu hay không. Ngày nay, phần lớn các thầy thuốc cho rằng không cần thiết cắt bao qui đầu nhất loạt từ bé hay khi đã lớn. Nhưng nếu bị chít hẹp bao qui đầu ở tuổi vị thành niên sớm (10-14 tuổi) thì nên cắt để phòng ngừa UTDV, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục khác”. Nguyên nhân gây bệnh UTDV hiện nay được xác định chủ yếu là do hẹp bao qui đầu bẩm sinh và nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus) gây u nhú ở người. Vì thế, người chồng bị UTDV, vợ sẽ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân là do lây nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus) gây u nhú ở người.

Dấu hiệu nhận biết sớm UTDV: nốt sùi nhỏ, dễ chảy máu khi vệ sinh hoặc khi giao hợp, hoặc có dạng một mảng màu trắng hoặc hồng ở dương vật. Những dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục, do đó khi phát hiện dương vật có những dấu hiệu này, bệnh nhân nên đi khám ở các bác sĩ chuyên khoa. Khi bệnh nhân UTDV ở giai đoạn sớm, sang thương nhỏ, chủ yếu ở bao qui đầu thì có thể được cắt rộng và bảo tồn được dương vật mà chi phí điều trị UTDV thấp. Vì điều trị phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh. Nếu bệnh nhân nhập viện sớm chỉ phẫu thuật đơn thuần, chi phí khoảng 4-5 triệu đồng; còn ở giai đoạn muộn hơn, khi có di căn hạch bẹn bắt buộc phải xạ trị, chi phí sẽ tăng cao hơn rất nhiều, khoảng 10-15 triệu đồng, chưa kể ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống và xáo trộn đời sống vợ chồng. Các bác sĩ khuyến cáo cách phòng ngừa UTDV tốt nhất là mỗi khi tắm nên rửa qui đầu bằng cách lộn lớp da lên và vệ sinh...

Bài, ảnh: Huệ Hoa

Chia sẻ bài viết