Nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL đang khẩn trương chuẩn bị cho vụ nuôi tôm sú mới. Tất bật chuẩn bị nhưng nhiều người nuôi tôm cho biết, nỗi lo lớn nhất hiện nay là chất lượng tôm giống.
 |
Bán tôm sú giống tại cơ sở Duy Khương, Long Toàn - Duyên Hải. |
Anh Trần Văn Nhanh ở ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: Vài năm gần đây, diện tích nuôi tôm sú hơn 9.500m2 của gia đình với mô hình nuôi quảng canh cải tiến, thả nuôi từ 38.000-45.000 con tôm giống mỗi đợt, nhưng chỉ thu hoạch được 110 kg, bán được 8,8 triệu đồng. Lượng tôm này tương đương 4.400 con tôm thịt (chiếm khoảng 11,5% số lượng tôm giống thả nuôi). Có vụ thời tiết bất thường, tôm sú nuôi được từ 30-45 ngày tuổi bị chết đồng loạt, coi như mất trắng không thu hoạch được con nào. Vụ nuôi tôm sú năm 2007, anh thả liên tục hai đợt hơn 150.000 con tôm sú giống, tuân thủ đúng lịch thời vụ của ngành thủy sản khuyến cáo, các yếu tố môi trường nước (độ mặn, pH, độ kiềm,...) khá ổn định. Tuy nhiên, cả hai đợt nuôi, tôm không qua được 60 ngày tuổi, anh bị mất trắng hơn 17,5 triệu đồng chi phí con giống, thức ăn và chi phí cải tạo ao đìa.
Theo Sở Thủy sản Trà Vinh, năm 2007, toàn tỉnh có hơn 25.000 ha nuôi tôm sú chính vụ, trong đó có hơn 11.000 ha nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp và 14.000 ha nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Trong số gần 2,6 tỉ con tôm sú giống được thả nuôi thì chỉ có 40% số lượng tôm sú giống được kiểm dịch, số còn lại phải nhập từ nhiều nguồn không đảm bảo chất lượng. Theo báo cáo của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, tỷ lệ tôm sú giống thả nuôi đã qua kiểm dịch ở các tỉnh này cũng chỉ từ 40% trở lại. Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm sú, số lượng tôm giống ở ĐBSCL được thả nuôi tăng rất nhanh. Tuy nhiên, sản lượng tôm nguyên liệu tăng lên không đáng kể, chưa đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho hơn 22 nhà máy chế biến xuất khẩu trong khu vực.
Theo số liệu thống kê của Vụ Nuôi trồng thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm khu vực ĐBSCL có nhu cầu thả nuôi từ 25-30 tỉ con tôm sú giống, với diện tích hơn 600.000 ha, nhưng nguồn tôm sú giống sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 30-40%, số tôm giống còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung. Số tôm sú giống nhập về được kiểm dịch bằng hệ thống PCR rất ít. Năm 2007, tỉnh Trà Vinh đã kiểm dịch, phát hiện và tiêu hủy hơn 47 triệu con tôm sú giống bị nhiễm bệnh. Thông tin từ cán bộ Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản các tỉnh ĐBSCL cho biết, tỷ lệ tôm sú giống nhiễm bệnh mấy năm gần đây lên đến 50-60%, nhưng số tôm tiêu hủy không đáng kể. Đối với những đàn tôm giống bị phát hiện có nhiễm bệnh, thường yêu cầu đại lý giữ lại theo dõi và xử lý bệnh cho tôm, nhưng sau đó vẫn được xuất bán cho người nuôi. Khi nông dân đồng loạt thả giống, các đại lý đã đẩy giá tôm giống tăng cao. Người sản xuất tôm giống chạy theo lợi nhuận đã sử dụng tôm mẹ cho tham gia sinh sản nhiều lần liên tục, nên tôm giống èo uột, tỷ lệ tôm nuôi sống đạt thấp, hiệu quả sản xuất không cao.
Thời gian gần đây, các ngành chức năng ở khu vực ĐBSCL đã có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất tôm sú giống sạch bệnh, chất lượng cao như: ưu đãi miễn giảm thuế sử dụng đất, được hỗ trợ tín dụng đầu tư, ưu đãi đầu tư xây dựng cơ bản trại sản xuất, tập huấn chuyển giao công nghệ, quy trình nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ và sản xuất giống miễn phí... Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đồng thời chưa qui hoạch được vùng sản xuất giống tập trung, nên các tỉnh chưa hạn chế được mầm bệnh lây lan từ các trang trại nuôi tôm thịt xả nước thải ra môi trường công cộng. Thiết nghĩ, các tỉnh cần có giải pháp quản lý thật chặt chẽ nguồn tôm giống, từ khâu sản xuất, ương dưỡng tại chỗ và nhập giống từ ngoài tỉnh. Có như thế mới góp phần loại bỏ những đàn tôm giống nhiễm bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho nông dân.
Bài, ảnh: QUỐC DŨNG