31/05/2010 - 08:24

Phấn đấu 95% chất thải rắn được thu gom, xử lý

(CT)- Ngày 30-5-2010, tại TP Cần Thơ, Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường do tiến sĩ Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm Chủ tịch, cùng các ủy viên hội đồng gồm đại diện các Sở Tài nguyên- Môi trường các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các nhà khoa học (bên phản biện) đã có cuộc họp thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020”. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược nêu rõ: phấn đấu đến năm 2015 có 85% và năm 2020 là 95% chất thải rắn tại vùng được thu gom, xử lý hợp vệ sinh, trên 70% lượng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào năm 2020.

Theo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020”, hiện trung bình hằng năm, riêng khu vực đô thị đã thải ra môi trường trên 100 triệu mét khối nước thải, hơn 600.000 tấn chất thải rắn chưa qua xử lý; tại các khu công nghiệp, lượng nước thải ra môi trường cũng trên 47 triệu mét khối. Thêm vào đó, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng, mực nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng, nguồn nước mặt bị ô nhiễm tăng... tất cả sẽ đe dọa đến sản xuất, đời sống của vùng ĐBSCL hiện tại và trong tương lai. Làm thế nào để hạn chế tác hại cho môi trường sống của con người, đảm bảo sản xuất và an sinh xã hội, an ninh quốc phòng đặt ra bài toán cần giải quyết cho các nhà quản lý, nhà khoa học, địa phương.

Tại cuộc họp thẩm định, đa số các đại biểu đồng tình với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Tuy nhiên, đại diện bên phản biện (Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam- ông Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch hội), cho rằng, báo cáo đã thể hiện được bố cục, quan điểm và mục tiêu của dự án, nhưng còn chung chung, chưa đưa ra được giải pháp cụ thể. Do vậy, báo cáo cần chỉ rõ phạm vi không gian của từng vấn đề cụ thể, đối chiếu các số liệu so sánh từng giai đoạn, diễn biến biến đổi môi trường, xu hướng tương lai và nêu dự báo kèm phương pháp ứng phó. So sánh môi trường tại ĐBSCL với các vùng, miền trên cả nước để có cái nhìn tổng thể hơn về vùng...

T.H

Chia sẻ bài viết