19/09/2010 - 21:09

Nuôi và xuất khẩu cá tra

Phải tiếp tục "gồng mình" ?

Đầu tháng 9 - 2010 đến nay, có nhiều thông tin khác nhau cho con cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Đó là: Lần đầu tiên cá tra lọt vào danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất trong năm 2009 tại Mỹ; cá tra đã có một tiêu chuẩn sản xuất chặt chẽ... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, người nuôi cá tra vẫn phải chịu nhiều áp lực do nuôi lỗ lã và con cá tra xuất khẩu đang phải “gồng lưng” chống chọi với việc tuyên bố chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC)...

Thêm “tiếng vang”

Theo Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWW), nuôi cá tra là một trong những hình thức nuôi thủy sản phát triển nhanh nhất trên thế giới. Sản phẩm cá tra được sản xuất tại Việt Nam dưới dạng phi lê và bán ra khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều này cho thấy, đây là loài thủy sản được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Không chỉ dừng lại ở đây, đầu tháng 9-2010 đến nay, con cá tra Việt Nam đón nhận nhiều tin vui. Mới đây, ngày 7-9, Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) đã đưa ra bảng xếp hạng thường niên 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất trong năm 2009. Các loài thủy sản này chiếm 88% lượng thủy sản tiêu thụ tại Mỹ. Và đây là lần đầu tiên con cá tra được lọt vào tốp 10 (đứng vị trí thứ 10) của bảng xếp hạng với số lượng tiêu thụ bình quân 0,356 pao/người/năm. Ngoài ra, cá tra Việt Nam đang có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường Nga

Chế biến cá tra xuất khẩu tại TP Cần Thơ. 

Cũng trong đầu tháng 9 vừa qua, các đối thoại về ngành chăn nuôi cá tra (PAD) của Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới (WWF) vừa được đăng tải, sau trên 3 năm làm việc, đã tạo ra một tiêu chuẩn sản xuất chặt chẽ cho phép các nhà sản xuất cá tra có nhãn hiệu của Hội đồng Quản lý nuôi Thủy sản (ASC). Những tiêu chuẩn mới, sự tham gia của WWF sẽ là sự thúc đẩy lớn cho danh tiếng của cá tra. Tiêu chuẩn này là một trong bộ tám tiêu chuẩn được xây dựng bởi các Đối thoại thủy sản - loại hình thảo luận bàn tròn do WWF điều phối. Trong đó, Việt Nam là chủ yếu vì là nước nuôi và xuất khẩu cá tra, basa nhiều nhất. Điều này mở ra một triển vọng mới cho ngành nuôi cá tra của Việt Nam phát triển bền vững gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm nguy cơ cho hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.

Người nuôi đang sản xuất dưới điểm hòa vốn?

Tại ĐBSCL, ngày 17-9, cá tra nguyên liệu được một số công ty chế biến xuất khẩu mua tại nhà máy với mức giá khoảng 17.200 đồng/kg; giá cá tra loại 1 thương lái mua tại ao nuôi bình quân ở mức 16.000 - 16.300 đồng/kg. Trong khi đó, theo nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL, giá con giống, giá các loại thức ăn thủy sản dao động ở mức cao... Với giá bán cá nguyên liệu như trên, so với giá thành sản xuất, người nuôi cá tra đang “phá huề”, thậm chí bị lỗ. Đây là thực trạng của nghề nuôi các tra đã tồn tại từ hơn một năm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Có đến 30% số người nuôi cá tra nhỏ lẻ ở ĐBSCL không còn khả năng tiếp tục thả nuôi mới. Trước tình hình này, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra trong vùng đã thuê hoặc mua lại ao nuôi của các hộ dân. Tuy nhiên, số lượng này chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số ao nuôi ở ĐBSCL không còn khả năng tái đầu tư sản xuất.

Theo ông Hải, nước ta đã có Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để lên tiếng bênh vực và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là xuất khẩu thủy sản. Hiệp hội Nghề cá cũng đã được xây dựng nhưng chủ yếu hoạt động liên quan đến nuôi trồng và khai thác biển. Con cá tra ở ĐBSCL cũng như cả nước đã và đang khẳng định thế đứng trên thị trường quốc tế. Nhưng người nuôi cá đã và đang chiến đấu khá đơn độc. Chính vì thế, để phát triển một cách bền vững, các ngành hữu quan cần nhanh chóng thành lập Hiệp hội Nuôi cá tra. Từ đó, mới có thể cân đối giữa nguồn cung và cầu trong nghề nuôi và chế biến cá tra một cách khoa học, mang lại lợi ích hài hòa giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến.

Thuế chống bán phá giá và điều vô lý

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đạt 361.000 tấn và đạt giá trị 774 USD, tăng 11,3% về khối lượng và 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Dự kiến đến tháng 9-2010, xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể vượt con số 1 tỉ USD và có thể đạt 1,5 tỉ USD trong năm 2010. Thị trường tiêu thụ của cá tra, cá ba sa của Việt Nam đứng đầu là Mỹ (trong 7 tháng đầu năm 2010 với 80,8 triệu USD tăng 16,5% so với năm 2009, chiếm 10,4% giá trị xuất khẩu). Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ, sản phẩm cá tra của Việt Nam đang phải chịu một sức ép khá lớn từ thuế bán chống phá giá do DOC đưa ra.

Theo VASEP, DOC đã đưa ra quyết định sơ bộ áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ ngày 1-8-2008 và 31-7-2009. Nếu quyết định sơ bộ được đưa ra trong phán quyết cuối cùng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả 4,22 USD/kg cho thuế chống bán phá giá, trong khi giá bán cá tra vào thị trường Mỹ thấp hơn nhiều so với mức thuế này. Việc tính thuế cho lần xem xét mới sẽ được tính từ tháng 3-2011. Lý do DOC tăng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam một cách vô lý vì DOC đã đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế của Việt Nam từ Bangladesh thành Philippines. Bởi theo VASEP, việc thay đổi này hoàn toàn không phù hợp, giá thức ăn cho cá của Việt Nam khoảng 0,5 USD/kg, trong khi Philippines gần 2 USD/kg, chi phí lao động, phí quản lý doanh nghiệp... tại nước này cũng cao hơn hẳn Việt Nam... Trước vấn đề “vô lý”, hy vọng VASEP cùng các ngành hữu quan của Việt Nam có tiếng nói hợp lý để đem lại công bằng cho nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết