11/04/2016 - 19:41

Phái mạnh mà “yếu”

Qua thực tế khám, chữa bệnh, các chuyên gia y tế sản khoa bày tỏ lo lắng, phái mạnh có xu hướng ngày càng "yếu". Đó có phải là sự thật và đâu là nguyên nhân?

* Bia rượu, thuốc lá và lười vận động

- Trăm kiểu rượu bia...

Năm 2015, người Việt uống 3,4 tỉ lít bia, tăng 10% so với năm 2014. Trung bình một người Việt uống 38 lít bia/năm, đó là kết quả thói quen sinh hoạt gắn liền với rượu bia. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia vào cơ thể chỉ 2% - 8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở; còn lại hấp thu vào gan, thận, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như: u xơ gan, lao phổi, gút, cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì… Chưa kể, rượu bia còn là nguyên nhân gián tiếp gây mất kiểm soát lý trí, tai nạn giao thông, các vụ ẩu đả. Có thể nói, lạm dụng rượu, bia gây ra nhiều tác hại khôn lường cho sức khỏe, tính mạng và nhân cách.

- 70 chất gây ung thư từ thuốc lá

Trong thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, với hơn 70 chất là tác nhân gây ung thư. Hút thuốc lá gây nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, ảnh hưởng sức khỏe người hút thuốc lá chủ động và thụ động. Mỗi năm, có hàng trăm ngàn người tử vong liên quan thuốc lá. Ngày 1-5-2013, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực, tăng cường tuyên truyền, xử phạt những hành vi vi phạm liên quan tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi luật chưa cao, cộng đồng vẫn tràn ngập khói thuốc và thiếu cơ sở cai nghiện thuốc lá hiệu quả. Quý ông nghiện vẫn còn loay hoay chưa bỏ được dù ý thức được tác hại của thuốc lá, trong khi sức khỏe ngày càng suy giảm.

- Ít vận động

Trong xã hội của công nghệ số, cộng đồng gắn kết thường xuyên với các thiết bị công nghệ, nhất là giới chức văn phòng, công sở, ít tham gia các hoạt động lao động chân tay, sinh hoạt ngoài trời. Tại các công viên, vào buổi sáng sớm hay chiều tối, thường bắt gặp người cao tuổi tập thể dục, rèn luyện sức khỏe nhiều hơn người trẻ tuổi… Chính lối sống ít vận động khiến con người thường cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, làm giảm sự dẻo dai, linh hoạt, khỏe mạnh…

Thực hiện lối sống lành mạnh, giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn rút ngắn con đường tìm "của trời cho".

* Phái mạnh ngày càng "yếu"

Theo thống kê, nguyên nhân hiếm muộn của các cặp vợ chồng có 40% do nam giới, 40% do nữ giới và 20% nguyên nhân do cả hai vợ chồng. Trong đó, các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới, có hơn 75% là do bất thường về tinh trùng. Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết, nam giới có thể kiểm tra sức khỏe sinh sản, chất lượng tinh trùng dễ dàng bằng xét nghiệm tinh dịch đồ. Qua thực tế điều trị hiếm muộn tại BV, hơn 70% nam giới hiếm muộn do tinh trùng kém chất lượng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tinh trùng không đạt chất lượng, trong đó có thể kể đến những yếu tố nguy cơ chính như: rượu bia, thuốc lá, lối sống ít vận động…, ảnh hưởng sức khỏe cơ thể nói chung, trong đó ảnh hưởng cơ quan sinh dục, sức khỏe sinh sản nói riêng. Các chất rượu bia, thuốc lá ảnh hưởng đến mật độ, độ di động, hình dạng tinh trùng, làm phá vỡ cấu trúc ADN, khiến tinh trùng mất khả năng thụ tinh. Ngoài ra, đối với những người thừa cân, thể trạng ảnh hưởng nội tiết người nam, quyết định lên các tế bào tinh hoàn, gây bất thường tinh trùng…

Vợ chồng anh Quang Tuấn – chị Minh Hà (ngụ quận Bình Thủy) mong có thêm con thứ hai mấy năm nay, khi con gái đầu lòng đã học lớp 1. Chị Hà đến BV chuyên khoa khám hiếm muộn, với các chỉ số sức khỏe sinh sản tốt. Tuy nhiên, chồng chị không đồng ý đi khám hiếm muộn với chị. Đặc biệt, anh thường xuyên uống rượu, với mức độ ngày càng nặng. Mỗi khi say xỉn về nhà, anh Tuấn trách móc chị Hà không biết sinh con! Theo bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn, rất có khả năng anh Tuấn là nguyên nhân hiếm muộn, vì việc thường xuyên uống rượu, ít nhiều ảnh hưởng sức khỏe sinh sản. Hay trường hợp cặp vợ chồng trẻ ở tỉnh Đồng Tháp vượt hàng chục cây số đến BV Phụ sản TP Cần Thơ đăng ký khám hiếm muộn. Các bác sĩ cho người chồng làm xét nghiệm tinh dịch đồ nhưng không lấy mẫu được vì đêm hôm trước, anh này nhậu "quá chén" với bạn bè...

Quá trình thăm khám, điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, bên cạnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ còn tìm hiểu về lối sống, sinh hoạt của các cặp vợ chồng, trong đó lưu ý thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động… của người chồng. Qua đó bác sĩ khuyên người chồng hạn chế tối đa, đồng thời hướng dẫn chế độ ăn uống, vận động hợp lý, kèm với uống thuốc hỗ trợ tinh trùng khỏe mạnh. Sau khi thay đổi lối sống, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ có cải thiện. Theo bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, người vợ đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chồng điều trị hiếm muộn. Thường người chồng có tâm lý mặc cảm, ngại chia sẻ vấn đề bản thân, do đó, người vợ có thể cung cấp cho bác sĩ điều trị những vấn đề liên quan đến chồng. Tổ chức Y tế khuyến cáo: "Các cặp vợ chồng mới cưới, vợ dưới 35 tuổi, không dùng biện pháp ngừa thai nào, sau 1 năm chưa có thai, nên đi khám hiếm muộn".

Từ năm 2010 đến nay, BV Phụ sản TP Cần Thơ triển khai điều trị hiếm muộn; tiếp nhận khám và điều trị hơn 20.000 bệnh nhân, đạt hiệu quả ngày càng cao. Qua đó có 80 bé chào đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Sắp tới, BV triển khai nhiều kỹ thuật cao điều trị hiếm muộn, trong đó có kỹ thuật điều trị các bệnh lý nam khoa, góp phần đem đến niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết