27/01/2008 - 10:53

Truyện ngắn

Phá án đêm giao thừa

 TRẦM NGUYÊN Ý ANH

Căn phòng bày biện thật sang trọng. Bộ salon chạm trổ tinh xảo. Tủ thờ cẩn xà cừ đúng đồ cổ chứ không phải loại tân thời xuất khẩu qua Nhựt hay Hàn Quốc hiện nay. Bộ lư bóng loáng với ba cây nhang chạm rồng nổi, mỗi cây gần bằng cổ tay người lớn. Hai dĩa chạm rồng đặt trên giá đỡ đủ năm loại trái cây. Hai bình hoa với hai cành mai to tướng đầy nụ. Hai cái giá gương đỡ lấy hai khung ảnh họa truyền thần của một cụ ông và một cụ bà. Giàn đèn màu chớp tắt chạy quanh, khiến cả khung cảnh thờ phượng vừa trang trọng lại vừa đẹp mắt.

Đồng hồ trên tường thong thả gõ mười một tiếng. Ông Nghiêm buông tờ báo Xuân xuống salon rồi nhìn vào trong:

- Bảo Ngọc à! Ra đây ba biểu coi !

Có tiếng da! Rồi một cô gái xuất hiện. ông Nghiêm nhìn cô như dò hỏi rồi khẽ khàng:

- Con hẹn thằng Bình mấy giờ? Không lẽ chờ đúng giao thừa mới tới sao?

- Dạ! Ảnh nói sẽ tới sớm, có lẽ gần tới rồi ba!

Ông Nghiêm cầm cái điều khiển tivi bấm một chương trình giao lưu với các doanh nhân thành đạt rồi dán mắt vào đó, vẻ mặt ông thoáng chút không hài lòng. Cô gái trở vào nhà trong với mẹ. Cô tỏ vẻ lo lắng:

- Sao giờ nầy anh Bình cũng chưa tới. Con thấy ba có vẻ không vừa lòng.

- Con gọi di động cho nó thử coi! Có khi nó đang trên đường tới thì sao!

Bảo Ngọc vào phòng ngủ. Cô bấm số và chỉ nghe câu “Số máy vừa gọi hiện không liên lạc được...”. Ngọc gác máy mà nghe sống mũi cay cay. Cô cố dằn không khóc. Ở sau bếp, bà Nghiêm đang nếm lại lần cuối các món ăn bà đã chuẩn bị kỹ cho bữa cơm cuối năm của gia đình.

*

* *

Dòng người càng về khuya càng đông đúc. Dường như cả thành phố có bao nhiêu người, bao nhiêu xe đều đổ ra đường để đón chào giây phút thiêng liêng nhất của một năm: Giao thừa. Bình cũng hòa trong dòng người đông đúc đó. Sau lưng anh là Tuyết Minh, một nữ trinh sát đang đóng giả người tình. Buổi chiều, vừa tạm biệt chú Út tổ trưởng với lời chúc mừng: “Nhớ làm cho ông nhạc tương lai vừa lòng nghe mậy! Vậy mới được vợ...” thì chuông điện thoại đường dây nóng reo vang. Chú Út vừa nhấc máy vừa đưa tay ra dấu biểu Bình đứng lại. Nét mặt chú căng thẳng và liên tục mấy từ “Được rồi... được rồi... Tôi hiểu... cứ tiếp tục theo dõi đi... Tôi liên lạc chỗ cũ...” rồi chú Út đặt máy xuống.

- Có chuyện rồi! Mà là chuyện lớn nữa! Con Minh đâu, mầy kêu nó giùm tao gấp.

Bình bước ra sân nhìn về phía nhà xe. Tuyết Minh vừa dắt chiếc Dream của mình ra cổng. Bình chẩu môi lại huýt một tiếng dài. Tuyết Minh quay lại. Dường như họ đã từng gọi nhau bằng cách nầy. Tuyết Minh vừa dắt xe vừa trợn mắt:

- Cuối năm rồi còn giỡn sao “huynh”? Để em về lo cơm nước chứ!

- Anh mà giỡn với em đặng em lừng mặt hả? Cấp dưới mà ăn nói với cấp trên vậy sao? Chú Út kêu kìa!

Tuyết Minh chợt nghiêm mặt. Linh tính đã báo không phải là chuyện giỡn. Chú Út kéo ghế rồi lấy tấm bản đồ huyện X ra coi. Tuyết Minh đưa mắt nhìn Bình. Cả hai đều ngồi xuống.

*

* *

Đêm ba mươi tối đen như mực. Cánh rừng tràm đen thẫm với một vài ánh chớp của đom đóm như bóng ma trơi. Chiếc xuồng con lướt êm ru, chỉ nghe tiếng khoắng nước nhẹ nhàng. Trên xuồng có ba bóng đen. Một người xuýt xoa:

- Tao thèm thuốc quá! Hút một điếu được hôn mậy?

- Bộ muốn chết hả? Ngày mai tha hồ hút tới vọp môi cũng được. Chết sống không hay. Mầy mà nói nữa, tao xử mầy tại đây luôn, khỏi mất công chết vì mầy.

Im lặng. Xuồng đã ra khỏi rừng tràm. Chỉ còn một khúc kinh đào nữa là lọt vô xóm nhà dân. Trời cuồn cuộn mây đen. Gió thốc tháo thổi. Một người có vẻ cầm đầu trong nhóm, khẽ khàng nói qua kẽ răng:

- Chút nữa, cứ coi như đem lúa trả. Rủi gặp tụi dân quân để tao, đừng thằng nào lớ ngớ, hư chuyện.

- Tới đó rồi sao nữa anh?

- Có đám đệ tử anh Hai tiếp. Chuyện mình tới nhà thì xong. Mai tha hồ mầy ăn nhậu, đánh bài.

Cái xóm lưa thưa hơn chục căn nhà đã bỏ khu tái định cư mà trở về. Họ viện cớ vô trong kia không làm gì được. Trở ra ngoài nầy còn câu - lưới sống qua ngày. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Cả xóm gần như đều có họ hàng với nhau. Họ câu - lưới cho có để qua mắt chánh quyền, còn thì đi làm cửu vạn. Họ vác thuê gánh mướn hàng lậu từ mấy tỉnh bạn về cái làng biên giới nầy. Họ tận dụng luôn cả con nít, người già. Lỡ bị bắt, họ khóc. Khóc thiệt bi ai... rồi thì bỏ hàng hóa lại. Chánh quyền không ra tay được với người già, con nít. Số người làm cửu vạn ngày càng đông. Đám buôn lậu coi họ là những con bài đắt giá. Đã hơn chín giờ. Cả xóm dường như đã chìm trong giấc ngủ. Chỉ duy nhất một căn nhà sát mé kinh còn lấp lóa hai ánh đèn. Chiếc xuồng băng băng rẽ nước. Trong nhà, có tiếng con nít khóc. Tiếng người đàn bà:

- Khóc từ đầu năm tới cuối năm còn khóc. Bộ cha mầy chết hả?

Đứa nhỏ vẫn rống rả khóc. Có tiếng roi nhịp xuống bàn:

- Tao biểu nín đi không? Tao cho một cây vô đít bây giờ!

Xuồng chỉ còn cách nhà cỡ hai chục thước. Người đàn ông chụm tay kêu “quác” một tiếng như tiếng chim ăn đêm thảng thốt. Trong nhà, một ngọn đèn vụt tắt. Chiếc xuồng cặp sát mí nhà. Người đàn bà mở cửa sau rồi đi vòng ra cửa trước. Mấy bao giống như đựng lúa được vác mau mắn lên nhà. Thằng nhỏ đã thôi khóc, nhìn đám người vừa vác xong mấy cái bao. Nó chạy lại một người trong bọn, kêu “ba”.

Người đàn bà quay trở vô nhà.

- Chưa nghe động tĩnh gì hết! Thằng Sớm mới ghé hồi nãy!

- Nó có dặn ám hiệu gì hôn?

- Nó dặn chừng nào mấy người về thì tui ra bàn ông Thiên đốt nhang.

- Vậy thì đốt liền đi! Còn xớ rớ chờ sáng hả?

Người đàn bà cầm một nắm nhang đốt đỏ rồi bước ra bàn ông Thiên. Chị đưa mấy cây nhang lên ngang trán và khấn thật lâu. Rồi chị xá ba xá. Bó nhang cháy rực. Chỉ cắm nó vô cái lư hương làm bằng cái lon sữa bò rồi ngó dáo dác.

Từ một căn nhà sát mé đường - con đường đất dẫn ra hương lộ, một gã thanh niên thoăn thoắt đi về hướng căn nhà có bó nhang đốt đỏ. Ba người đàn ông sốt ruột:

- Chậc! Tao lo quá! Sao tự dưng con mắt trái máy liên hồi vậy!

- Mắt trái hái ra tiền! Mầy sắp có tiền rồi còn gì nữa!

Bóng đen bước vô nhà. Ba người kêu lên:

- Dữ hôn! Chờ thấy mẹ!

- Chờ gì! Tui thấy đốt nhang thì chạy vô liền. Mấy cha tưởng tui lo chơi hả?

- Hàng đâu?

Ba bao lúa ngụy trang nằm chình ình dưới đất. Gã thanh niên tháo dây, trút lúa xuống đất rồi moi ra ba cái bọc trong đó. Gã mở cái túi xách giống như đang đựng quần áo, lấy ra một cọc tiền:

- Anh Hai nói chuyến nầy thử sức mấy ông. Lần sau nhiều hơn!

Ba người đàn ông lộ vẻ mừng rỡ nhìn vào gói tiền. Gã thanh niên cho mấy cái bọc vô túi xách rồi quày quả đi. Vừa đi, gã vừa lẩm bẩm:

- Không có lần sau đâu mấy cha!

Một chiếc Honda 67 giống như loại xe ôm thường chở khách trong mấy đoạn đường xấu đã chờ sẵn. Người lái xe đầu đội nón vải, khoác áo gió ra chìu sốt ruột:

- Mầy làm sui ở trỏng hả?

- Thì lấy hàng, đưa tiền rồi đi! Em nói lần nầy anh thử sức tụi nó. Lần sau sẽ cho nhiều hơn. Tụi nó mừng lắm!

- Lúc nầy động lắm rồi! Đêm nay xong, bỏ đường cũ, mở đường mới đi. Dường như mình “lộ” rồi, tao cũng lo.

- Nhưng đêm nay là ba mươi Tết, tụi nó không ngờ đâu!

- Mẹ nó! Mầy hổng biết tụi nó chuyên đánh mấy ngày người ta không ngờ hả! Thôi mau lên!

Chiếc xe nổ máy rồi phóng nhanh trên đường. Cách đó chừng ba chục thước một chiếc Future chở một đôi thanh niên nam nữ như đi chơi Tết cũng vọt theo. Chiếc Honda 67 vẫn chạy nhanh với tốc độ cho phép. Hai người đàn ông giống như một người đi làm ăn xa về, ngồi xe ôm. Chiếc Future chở đôi nam nữ đã bám gần sát.

- Em ôm chặt, anh chạy chận tụi nó nghe!

- Đừng lo! Cứ chạy theo ý anh đi! Mà mình đón nó ở đâu cho “rớt”?

- Ngã ba “Cây trời đánh”. Ở đó có người mình!

- Sao kêu là “Cây trời đánh”?

- Ờ! Tại ở đó có cây còng bị trời đánh mà chỉ tét làm hai, không chết. Người ta đặt cho nó cái tên đó luôn.

- Anh đói chưa?

- Chừng nào xong công chuyện thì đói, bây giờ thì chưa!

Chiếc Future tăng tốc. Cô gái áp sát ngực mình vào lưng anh bạn, vòng tay cô ôm chặt, tay chạm vào khẩu súng anh mang và thấy yên tâm. Hai người đàn ông trên chiếc 67 vẫn chong mắt nhìn đường. Gã thanh niên chửi đổng:

- Mẹ nó! Giờ nầy người ta đi chơi, ăn nhậu. Còn anh em mình lại cực như con chó.

- Thì chút nữa xong rồi, mầy ăn bao nhiêu nhậu bao nhiêu mà không được. Đợt nầy nhiều lắm mầy không thấy sao?

Chiếc Future đã ngang hàng và vụt qua. Ngã ba “Cây trời đánh” đã lấp lóa ánh đèn màu của mấy quán café mới mở. Đây là con đường duy nhất dẫn vào thị trấn. Chiếc Future bỗng lượn lờ. Gã lái xe 67 chửi đổng:

- Mẹ nó! Gặp thằng say rượu chắc! Té chết mẹ mầy nghe con! Khỏi ăn Tết luôn!

Chiếc Future vẫn giống như người say, vòng vèo qua phải rồi qua trái. Còn cách cỡ mười thước tới quán “Ly Ly” cái túi xách trên tay cô gái bỗng rơi xuống. Chiếc Future loạng choạng rồi dừng lại. Chiếc 67 lách tránh không kịp, rú lên rồi ngã “rầm” xuống đường. Một toán công an và dân phòng chạy ra. Hai gã đàn ông chưa kịp hoàn hồn đã vội hiểu chuyện gì xảy ra.

*

* *

Chuông phòng trực reo vang. Út Tam nhấc điện thoại:

- Tôi nghe đây! Vậy sao! Thắng lớn hả? Không có chuyện gì thì tốt. Cơ sở mình đáng tin lắm mà! Bây giờ, tôi ra liền. Còn thằng Bình cho nó về đi, kẻo rồi mất vợ đó!

Út Tam xoa hai tay vào nhau, nở một nụ cười tươi như Tết.

*

* *

Bình dừng xe trước cổng nhà rồi bấm chuông gọi cửa. Đã qua giao thừa rồi, bây giờ đã là mùng một Tết. Bảo Ngọc vẫn còn ngồi buồn ở salon. Ông bà Nghiêm đã vào phòng ngủ. Bữa cơm cuối năm không vui gì. Ông Nghiêm căn dặn:

- Nó có tới cũng đừng gọi tôi. Mẹ con bà tiếp nó đi!

- Ông làm sao vậy. Chắc có công chuyện đột xuất nên nó không tới được. Chưa biết đầu đuôi đã lo giận. Ngày thường, nó vốn là đứa đâu ra đó, tôi tin nó như tin con Bảo Ngọc vậy.

- Công chuyện gì đêm giao thừa? Chuyện gì mà tới một cú điện thoại cũng không. Bà cứ thông cảm cho nó đi! Còn tôi thì không!

Nói thì nói cứng vậy nhưng trong lòng ông lại lo. Bảo Ngọc là đứa con gái duy nhất vừa xinh đẹp lại vừa hiếu thảo. Con bé vừa tốt nghiệp khoa Ngoại thương với tương lai đầy hứa hẹn trước mắt. Đã có nhiều đám để mắt muốn cưới xin nhưng nó không chịu. Rồi nó quen Bình trong một lần gặp gỡ các gương mặt trẻ tiêu biểu của thành phố. Chúng như đã quen nhau từ kiếp trước. Hai đứa giống một đôi trời sinh. Nhưng ông Nghiêm vẫn có điều chưa thật yên tâm vì Bình là một trinh sát của Tổ trọng án. Bình có trình độ, ăn nói lại lễ phép rất phù hợp với gia đình lễ giáo của ông. Nhưng Bình cứ luôn luôn đối mặt với bọn tội phạm nguy hiểm, khiến người làm cha như ông không lo không được...

Nghe tiếng chuông, Bảo Ngọc bật dậy. Hai giọt nước mắt đã ngân ngấn. Cô mở cửa rồi không nói gì tới Bình, trở vào ngồi phịch xuống salon. Bình vừa dựng xe xong đã nghe choáng. Anh loạng choạng dựa lưng vào cánh cửa, Bảo Ngọc hốt hoảng:

- Sao vậy anh?

- Không sao! Anh hơi mệt!

Bảo Ngọc nhìn Bình:

- Anh đi đâu tới giờ nầy? Ba giận rồi!

- Để nói sau đi! Bây giờ có cái gì cho anh ăn đỡ được không?

Bảo Ngọc lôi Bình qua phòng ăn vẫn còn mâm cơm chờ sẵn. Bà Nghiêm bước ra nhìn Bình bằng ánh mắt cảm thông:

- Công tác đột xuất hả con?

- Dạ! Bình nuốt vội miếng thịt nguội, uống một ngụm nước rồi sơ lược chuyện phá án của mình.

- Đây là đường dây ma túy khá lớn và Tổ tụi con đã theo dõi lâu rồi. Không ngờ nó lại đánh vào đêm giao thừa. Về nguyên tắc, con không thể nói gì cho dầu là với người thân. Con mong hai bác với Ngọc thông cảm cho con.

- Nhưng phải ăn cho đàng hoàng, đừng vừa ăn vừa nói như vậy. Ai biểu con gái cưng của bác yêu con làm chi !

Ông Nghiêm vừa xuất hiện với câu nói chí tình. Mùa Xuân đã tràn ngập căn phòng với niềm vui của một người đã làm xong phần việc của mình.

Chia sẻ bài viết