27/11/2011 - 19:41

PGS.TS Đỗ Văn Xê - CIO tiêu biểu Đông Nam Á

Ký: NGỌC NGÂN

Khi vào Google, gõ dòng chữ: PGS.TS Đỗ Văn Xê, trong 0,05 giây, kết quả tìm kiếm cho khoảng 282.000 kết quả liên quan đến PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Thầy là một trong 12 lãnh đạo công nghệ thông tin (CNTT) tiêu biểu của Đông Nam Á (CIO Asean Awards) năm 2011. Giải thưởng không chỉ là niềm vui của riêng thầy mà còn trở thành niềm tự hào của cả tập thể Trường ĐHCT...

Hưởng lợi từ một dự án

Mỗi lần gặp gỡ PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, tôi học thêm một điều hay. Thầy luôn điềm tĩnh, quyết đoán trong công việc nhưng rất gần gũi. Trong phòng làm việc của thầy, hàng đống tài liệu, giáo trình, sách vở... được xếp ngăn nắp như một “thư viện thu nhỏ”. Cuộc trò chuyện của chúng tôi đôi lúc bị đứt quãng bởi những cuộc gọi từ các trường bạn muốn đến trường học hỏi kinh nghiệm về việc chuyển đổi đào tạo hoàn toàn sang học chế tín chỉ (HCTC) tại Trường ĐHCT. Thầy Xê bộc bạch: “Tôi đã được đào tạo ở nhiều nước trên thế giới. Tôi cho rằng, đào tạo theo HCTC mà các trường đại học tiên tiến đang áp dụng là loại hình đào tạo mang lại hiệu quả cao nhất. Được sự đồng tình, ủng hộ của các thành viên trong Ban Giám hiệu trường, việc chuyển đổi qui trình đào tạo theo hướng đào tạo HCTC tại Trường ĐHCT được bắt tay thực hiện khá sớm...”.

Thầy Đỗ Văn Xê (bìa phải) trong buổi nhận giải thưởng CIO. Ảnh: CTV 

Tháng 8-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới có quyết định chuyển hình thức đào tạo giáo dục đại học sang hệ thống tín chỉ, nhưng 10 năm trước đó, Trường ĐHCT đã áp dụng hình thức này. Trường chuyển đổi triệt để sang HCTC từ học kỳ I, năm học 2007-2008, ở 80 ngành, chuyên ngành đào tạo bậc đại học; 32 ngành, chuyên ngành bậc cao học. Những năm đầu tiên trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo theo HCTC, không ít cán bộ, giảng viên của trường chưa hài lòng khi đổi mới cách dạy, cách học, nhiều sinh viên phàn nàn về việc đăng ký môn học trực tuyến còn khó khăn... Thế nhưng, thầy Xê vẫn kiên quyết cho rằng, dù lạ, mới nhưng nếu không quyết tâm thực hiện thì việc chuyển đổi sẽ khó thành công. Sau thời gian khảo sát, đánh giá lại toàn bộ các chương trình phần mềm ứng dụng đang được sử dụng, cũng như các phần mềm hiện có trên thị trường, phục vụ việc quản lý theo HCTC, thầy Xê và các thành viên trong Ban Giám hiệu trường nhận ra rằng các phần mềm hiện tại không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Trong khi đó, các hệ phần mềm thương mại trên thị trường lúc này cũng chưa thật hoàn thiện, chi phí đầu tư khá tốn kém.

Từ thực tế khá bức xúc trên, thầy Xê đã mạnh dạn đứng ra chủ trì và bắt tay thực hiện ngay dự án xây dựng hệ thống thông tin tích hợp mới phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu của Trường ĐHCT theo HCTC với hy vọng sẽ mở ra hướng đột phá đem lại lợi ích lâu dài. Theo thầy, hệ thống thông tin tích hợp mới phải đảm bảo các tiêu chí, như: phục vụ việc quản lý tất cả hoạt động của trường theo hệ thống tín chỉ ở các bậc, hệ đào tạo; hệ thống phải hoạt động trên nền web, không phụ thuộc vào nền tảng hệ điều hành windows hay lunix, unix và phải được thiết kế theo dạng module trên nền cơ sở dữ liệu oracle tích hợp trong toàn trường... Đặc biệt, hệ thống phải có khả năng điều chỉnh nhanh chóng để thích nghi với các thay đổi trong chính sách của Bộ GD&ĐT và quy trình quản lý đào tạo của trường trong giai đoạn đầu chuyển đổi hình thức đào tạo.

Bên cạnh việc triển khai cùng lúc hệ thống thông tin tích hợp và ứng dụng phần mềm nguồn mở, thầy Xê và các cộng sự cũng đã chủ động liên hệ với google để mở domain @ctu.edu.vn dành cho cán bộ và domain @student.ctu.edu.vn dành cho sinh viên. Kể từ đó, hơn 45.000 cán bộ và sinh viên của trường đều giao dịch bằng email để trao đổi thông tin liên lạc, tài liệu cũng như kinh nghiệm giảng dạy. Thầy Xê bộc bạch: “Khi ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực, hiệu quả mang lại thấy rõ. Người thực hiện sẽ càng thích thú, say mê hơn. Tôi liên tục quan sát vận hành thường xuyên, phân tích ưu, nhược điểm nào để cải tiến, nên những cộng sự làm việc này rất vất vả...”. Có công vun trồng, ắt sẽ có ngày hái quả...

Từ nghiệp dư trở thành CIO Asean Awards

Là một CIO Asean Awards năm 2011, nhưng ít ai ngờ rằng thầy Xê là người không chuyên tin học. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành trồng trọt nhưng thầy rất đam mê CNTT và toán học. Khi trở thành giảng viên trẻ của Trường ĐHCT, thầy được trường cử sang Philippines học khóa ngắn hạn về phân tích thống kê bằng máy tính và một kế hoạch quản lý dữ liệu do chương trình Mekong tài trợ. Về nước năm 1993, trên nền kiến thức đã học, thầy Xê tiếp tục nghiên cứu cả phần mềm lẫn phần cứng và đã từng lập trình để giải quyết các vấn đề phức tạp, như: lập trình quản lý toàn bộ công việc đo đạc đất đai, quản lý dữ liệu, in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Sở Địa chính Trà Vinh; lập trình quản lý xe của cảnh sát giao thông TP Cần Thơ; lập trình về quản lý tội phạm của tòa án... Tại Trường ĐHCT, thầy là người đặt nền móng CNTT của trường từ lúc khởi đầu vào năm 1995, bắt đầu bằng việc xây dựng mạng cáp quang dựa vào nguồn kinh phí của chương trình hợp tác với Hà Lan, giúp việc kết nối các đơn vị trong trường một cách thuận lợi.

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, thầy đã góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho hệ thống CNTT của Trường ĐHCT, giúp cho việc quản lý và vận hành mọi hoạt động của trường ngày càng đạt hiệu quả cao. Nhiều trường ĐH và cao đẳng trong cả nước đã chọn Trường ĐHCT là điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm về đào tạo theo HCTC, cũng như ứng dụng CNTT trong quản lý, đào tạo. Riêng hệ thống thông tin tích hợp do thầy Xê xây dựng thành công hiện đang được Trung tâm Công nghệ phần mềm- ĐHCT ký hợp đồng triển khai tại hai Trường ĐH Y Dược Cần Thơ và Cao đẳng Cần Thơ. Như vậy, sắp tới đây, số lượng người thụ hưởng thành quả của dự án này sẽ còn tiếp tục tăng.

Từ khi xác lập hệ thống thông tin tích hợp, tất cả các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của trường được lưu trữ và tích lũy trên máy chủ server của trường. Sinh viên, giảng viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch học tập, giảng dạy toàn khóa, cũng như nắm bắt tình hình học tập của sinh viên để kiểm tra, định hướng...Và một khi hệ thống được vận hành một cách tự động hóa cũng đồng nghĩa với việc tính dân chủ được thực thi trong mọi hoạt động. Không những thế, nhà trường còn tiết kiệm được nhiều chi phí, kể cả việc tiết giảm nhân sự không cần thiết. Có lần, khi Bộ GD&ĐT triển khai đưa các thông tin xét tuyển nguyện vọng 2 cập nhật thường xuyên lên mạng internet, nhiều thí sinh, phụ huynh ví von mạng thống kê của trường như “chơi chứng khoán”, bởi thí sinh nào rút-nộp đều cập nhật liên tục 24/24 giờ, đã giúp nhiều thí sinh, phụ huynh thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2.

54 tuổi đời, PGS-TS Đỗ Văn Xê có gần nửa cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống, nhưng trong thầy vẫn hừng hực ngọn lửa đam mê khoa học, nhất là ở lĩnh vực CNTT. Thầy bộc bạch: “Để có thành công cần có sự đam mê, kế đến là trách nhiệm. Dù công việc đó không phải là nhiệm vụ của mình, nhưng nếu mình làm sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người, thì bản thân phải có trách nhiệm làm tốt điều đó”.

Chia sẻ bài viết