30/12/2016 - 14:49

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ: Tạo điều kiện để người lao động tiếp cận cơ hội xuất khẩu lao động

 

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ (Trung tâm), năm 2016, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng đưa 207 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), vượt 3,5% so với kế hoạch. Tuy kết quả chưa cao so với một số địa phương trong khu vực, nhưng đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, thành phố hoàn thành vượt mức chỉ tiêu XKLĐ. Với quyết tâm và nỗ lực, Trung tâm tiếp tục tìm ra nhiều giải pháp tích cực, nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ, góp phần đáng kể vào tiến trình hội nhập quốc tế về lao động, việc làm. Xoay quanh công tác này, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm, cho biết:

- Năm 2016, Trung tâm thông tin rộng rãi bằng nhiều hình thức các chương trình tuyển chọn người đi XKLĐ đến tận cơ sở; truyền thông về XKLĐ bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ cộng tác viên mới tuyển chọn; phát tin bằng xe tuyên truyền; xây dựng phóng sự, soạn thảo và phát hành tài liệu hướng dẫn thực hiện công tác XKLĐ theo hợp đồng đến các quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, Trung tâm thông tin và hướng dẫn nghiệp vụ khoảng 400 cán bộ cơ sở về việc làm ngoài nước, góp phần lan tỏa đến người dân thông tin chính thống, chính xác về XKLĐ. Qua đó, người lao động ngày càng có nhiều kênh thông tin để tiếp cận và tìm hiểu kỹ về XKLĐ; có thể so sánh, cân nhắc lựa chọn vị trí việc làm và nơi làm việc ngoài nước phù hợp với trình độ, năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình.

Trung tâm yêu cầu các công ty XKLĐ tăng cường tìm kiếm các yêu cầu tuyển dụng đa dạng và phù hợp với đặc điểm lao động địa phương. Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố quan tâm chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện tích cực phối hợp với Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tư vấn và sơ tuyển người đi XKLĐ; kịp thời cập nhật thông tin và tăng cường truyền thông, giúp người dân hiểu biết và có nhiều cơ hội đi XKLĐ.

Tuy nhiên, công tác XKLĐ ở TP Cần Thơ hiện còn một số khó khăn nhất định. Mặc dù các ngành chức năng các cấp tăng cường truyền thông nhưng nhìn chung các thông tin chính thống về XKLĐ chưa đến với đông đảo người dân, nhất là ở vùng ngoại thành. Lãnh đạo địa phương chưa thật sự quan tâm phối hợp đúng mức để nâng nhanh số lượng, chất lượng XKLĐ.

* Ông vui lòng cho biết, thành phố đang tập trung đưa lao động đi làm việc các thị trường tiềm năng nào? Người lao động đang quan tâm thị trường nào nhất?

- Hiện lao động thành phố quan tâm và mong muốn đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, vốn có nhiều phản hồi tích cực từ lao động đã và đang làm việc; nhu cầu tuyển gần như không hạn chế lao động; ngành nghề đa dạng, phong phú. Đồng thời, điều kiện tuyển dụng phù hợp với đặc điểm, trình độ lao động địa phương, việc làm ổn định, thu nhập khá cao, chi phí hợp lý và có chính sách, biện pháp cụ thể để chăm lo thiết thực đối với lao động về nước sau khi hoàn thành hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, gần đây, tình hình thị trường lao động Malaysia ổn định hơn trước, các công ty XKLĐ chọn lọc rất cao để có các nhà tuyển dụng uy tín, chất lượng. Qua đó, dần khôi phục lòng tin và thu hút ngày càng nhiều lao động đăng ký đi làm việc ở quốc gia này.

Đáp ứng nhu cầu này, Trung tâm đã và đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh hoạt động truyền thông, xây dựng nguồn dự tuyển để cung ứng ngày càng nhiều lao động đi làm việc ở các quốc gia, vùng lãnh thổ; từng bước phối hợp để mở rộng thị trường lao động ngoài nước sang một số quốc gia khác như: Ả - rập Xê -út, Bru-nây, Thái Lan…

Người lao động có nhu cầu đi XKLĐ sang Hàn Quốc tham gia lớp học tiếng Hàn ở thành phố Cần Thơ.

* Vừa qua, Trung tâm tập trung tuyển lao động cho 2 chương trình XKLĐ sang Hàn Quốc (EPS) và Nhật Bản (IM Japan). Ông có thể thông tin thêm kết quả cũng như thuận lợi và khó khăn của lao động thành phố?

- Hai chương trình trên là chương trình hợp tác lao động quốc tế chính thức của Nhà nước, thực hiện vì mục tiêu phi lợi nhuận để gắn giải quyết việc làm với học nghề, ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng nên việc làm rất ổn định, chi phí thấp, thu nhập và hỗ trợ tài chính phía nước ngoài khá cao.

Đối với Chương trình tuyển lao động đi làm việc ở Hàn Quốc (Chương trình EPS), có 18 ứng viên Cần Thơ đạt yêu cầu kỳ thi tiếng Hàn EPS -TOPIK lần thứ 11. Các ứng viên này được Trung tâm tổ chức khám sức khỏe, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và gởi đến Trung tâm Lao động ngoài nước (TTLĐNN) thuộc Bộ LĐ-TB&XH, chuyển phía Hàn Quốc xét chọn. Dự kiến, nửa đầu năm 2017, các ứng viên này sẽ được lựa chọn và xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

Đối với Chương trình tuyển chọn "Thực tập sinh thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản" (Chương trình IM Japan), Trung tâm tổ chức cho 19 ứng viên nam, nữ khám sức khỏe và làm hồ sơ; ôn luyện kiến thức toán, rèn luyện thể lực, chờ lịch sơ tuyển từ TTLĐNN.

Nhìn chung, Trung tâm kịp thời hỗ trợ các ứng viên từ thông tin đến đồng hành ôn tập, thi tuyển để có thể đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, các ứng viên gặp một số khó khăn như: Chương trình IM Japan tổ chức thi tuyển tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nên phát sinh chi phí; thời gian triển khai và kết thúc thông tin tuyển dụng theo thông báo của TTLĐNN quá ngắn nên nhiều lao động tiếp cận thông tin muộn, bỏ lỡ cơ hội đăng ký tham gia chương trình.

* Truyền thông và chi phí đi XKLĐ là hai hạn chế lớn tác động công tác XKLĐ. Nguyên nhân và hướng khắc phục như thế nào, thưa ông?

- Đối với công tác truyền thông, mặc dầu được tăng cường nhưng chưa làm chuyển biến nhanh nhận thức và sự thông hiểu về XKLĐ ở các ngành, các cấp, nhất là ở cơ sở; chưa tạo động lực mạnh mẽ trong lực lượng lao động trẻ. Nguyên nhân hạn chế chủ yếu do cách làm của các đơn vị thực hiện tuyển chọn không căn cơ, kiên trì.

Đối với chi phí đi XKLĐ, nhất là chi phí ban đầu, từ khi đăng ký dự tuyển đến khi được tuyển chọn, ước tính từ 3 đến 12 triệu đồng và chi phí thông qua các công ty XKLĐ, ước tính từ 50 đến 150 triệu đồng, khá cao so với thu nhập của rất nhiều gia đình có con em mong muốn đi XKLĐ. Nguyên nhân hạn chế chủ yếu do gia đình, họ hàng người lao động và chính quyền đoàn thể địa phương chưa thật sự vào cuộc.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị tuyển chọn và công ty XKLĐ thường xuyên thông tin, tư vấn bằng nhiều hình thức; gia tăng hình thức cổ động trực quan; báo cáo điển hình lao động và thân nhân lao động đã về nước; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về XKLĐ trong học sinh, sinh viên; thỏa thuận với các Hội, đoàn thể; thông qua cộng tác viên để thảo luận với gia đình về việc hỗ trợ chi phí ban đầu cho ứng viên đi XKLĐ và làm việc với các công ty XKLĐ về việc giảm thiểu, linh hoạt hóa việc thu chi phí bằng nhiều hình thức khả thi đối với lao động…

* Năm 2017, ông có những đề xuất, kiến nghị gì đối với thành phố để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ?

- Năm 2017 và các năm tiếp theo, Trung tâm đề nghị lãnh đạo thành phố, Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành, đoàn thể thành phố xem xét và chấp thuận: Tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị của Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác XKLĐ trong tình hình mới. Qua đó, ban hành Kế hoạch mới thực hiện công tác XKLĐ của TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 theo hướng giải quyết cùng lúc nhiều mục tiêu: giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp nhỏ để góp phần xây dựng đô thị văn minh và nông thôn mới. Đầu tư một phần kinh phí từ Chương trình mục tiêu về Giáo dục nghề nghiệp, Việc làm và An toàn lao động để thực hiện một số nội dung truyền thông về XKLĐ và hỗ trợ một phần chi phí tổ chức các Ngày hội tuyển chọn lao động thành phố đi XKLĐ. Phần còn lại, Trung tâm sẽ đề nghị các đơn vị tuyển chọn và công ty XKLĐ đóng góp. Đồng thời cho phép sử dụng phần trích từ ngân sách thành phố chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay chi phí ban đầu và phụ trội đối với người trúng tuyển đi XKLĐ.

* Xin cảm ơn ông !

ANH PHƯƠNG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết