29/05/2023 - 21:05

Ông Erdogan tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, AFP)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đắc cử nhiệm kỳ ba sau khi đánh bại đối thủ Kemal Kilicdaroglu trong vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống hôm 28-5.

Tổng thống Erdogan phát biểu với những người ủng hộ bên ngoài Phủ Tổng thống ở thủ đô Ankara sau khi chiến thắng. Ảnh: Reuters

Theo Hội đồng bầu cử tối cao Thổ Nhĩ Kỳ, với 99,43% số phiếu đã được kiểm, đương kim Tổng thống Erdogan đã giành được 52,14% số phiếu ủng hộ, trong khi đối thủ Kilicdaroglu giành được 47,68% số phiếu bầu. Như vậy, ông Erdogan đã chắc chắn giành chiến thắng bởi với khoảng cách gần 4,5 điểm phần trăm, tương đương với hơn 2 triệu phiếu bầu chênh lệch, số phiếu còn lại chưa được kiểm sẽ không làm thay đổi kết quả cuối cùng.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng, Tổng thống Erdogan đã cảm ơn các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã giao trọng trách cho ông quyền điều hành đất nước tới năm 2028, đồng thời cho rằng giờ là lúc “gác lại mọi tranh luận và xung đột liên quan đến vấn đề bầu cử và đoàn kết để chúng ta có thể thực hiện được các mục tiêu quốc gia”.

Về phần mình, ông Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập, tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi có “dân chủ thực sự” tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông gọi đây là “cuộc bầu cử bất công nhất trong lịch sử đất nước”, nhưng không lên tiếng tranh cãi về kết quả.

Trong khi đó, lãnh đạo của các nước gồm Nga, Qatar, Libya, Algeria, Hungary, Iran và Palestine là những người đầu tiên chúc mừng ông Erdogan tái đắc cử. Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cũng lên tiếng chúc mừng ông Erdogan.

Ông Erdogan từng là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2003-2014 và giữ ghế Tổng thống từ năm 2014 trở đi. Ông bắt đầu nổi danh với tư cách là Thị trưởng của Istanbul vào thập niên 1990 và được tôn vinh trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới vì đã biến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thành một cường quốc thị trường mới nổi.

Núi việc chờ ông Erdogan

Sau khi tái đắc cử, ông Erdogan không thiếu việc phải làm phía trước và các quyết định của vị chính khách kỳ cựu sẽ tiếp tục có tác động vượt xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ðất nước 85 triệu dân tự hào có quân đội lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), chứa 50 đầu đạn hạt nhân của Mỹ, tiếp nhận 4 triệu người tị nạn và đóng vai trò quan trọng trong hòa giải cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các đồng minh phương Tây hiện cũng sẽ chờ xem liệu ông Erdogan cuối cùng có đồng ý chấp nhận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Ðiển hay không.

Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh rằng trong số các ưu tiên chính của chính phủ sẽ là chống lạm phát và tái thiết sau trận động đất thảm khốc cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria hồi tháng 2.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã bào mòn sức mua của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó tỷ lệ lạm phát ở mức khoảng 40% hồi tháng 4 sau khi tăng lên tới 85% vào năm ngoái. Giá cả tăng chóng mặt bởi chính sách cắt giảm lãi suất của Tổng thống Erdogan được cho là sẽ giúp kiềm chế lạm phát, quan điểm mà nhà lãnh đạo 69 tuổi đã thúc đẩy trong chiến dịch vận động tranh cử.

Ðồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất hơn 50% giá trị so với đồng USD trong 2 năm qua và tuần rồi giá của đồng tiền này thậm chí xuống mức kỷ lục khi 20,06 lira mới đổi một USD, bất chấp những nỗ lực can thiệp mạnh mẽ của chính phủ. Theo Reuters hôm 29-5, giá của đồng lira lại loạng choạng khi 20,05 lira đổi một USD.

Trong khi đó, trận động đất khủng khiếp hồi đầu năm đã tàn phá nhiều khu vực ở Ðông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh tổn thất nặng nề về nhân mạng, những thách thức về xã hội và kinh tế do trận động đất gây ra hiện vẫn còn rất lớn. Hàng trăm ngàn người sống sót đã được sơ tán và nhiều người vẫn còn đang tá túc trong các căn lều tạm bợ. Một số người phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo để có được thức ăn, nước uống, quần áo và thuốc men. Thiệt hại do trận động đất gây ra ước tính hơn 100 tỉ USD, trong khi nhiệm vụ tái thiết khổng lồ chỉ mới ở giai đoạn đầu.

Chia sẻ bài viết