02/11/2018 - 09:54

Ô tô và đèn giao thông sẽ “nói chuyện” với nhau? 

Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Volkswagen, Honda, Ford và BMW đang thử nghiệm những công nghệ cho phép ô tô và đèn giao thông giao tiếp và làm việc với nhau để giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải khí nhà kính và tăng độ an toàn cho người tham gia giao thông.

Ảnh: CNN

Tháng 10 vừa qua, Volkswagen đã hợp tác với Siemens thử nghiệm một hệ thống đèn thông minh tại thành phố Wolfsburg (Đức). Họ thiết lập một đoạn đường với 10 hệ thống đèn giao thông có khả năng thông tin với tài xế (hoặc một chiếc xe tự lái trong tương lai) thời điểm đèn xanh sẽ bật trong suốt tuyến đường họ chạy. “Xe BMW có một bộ đếm giúp đếm ngược 5-4-3-2-1 giây để “đón đầu” đèn xanh, trong khi xe Mercedes nhắc nhở “nếu bạn lái xe từ 32 đến 52 km/giờ, bạn sẽ chỉ gặp đèn xanh” – kỹ sư Franz Schober thuộc nhóm thiết kế Hệ thống di chuyển kết nối của Siemens cho biết. Mục đích cuối cùng là làm cho hệ thống hoạt động trên mọi loại xe của các thương hiệu.

Để làm được như vậy, mạng lưới tín hiệu do Volkswagen và Siemens thiết kế sử dụng công nghệ WiFi và các cảm biến để tạo ra dữ liệu về vị trí ô tô chính xác hơn cả hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Hệ thống sẽ giúp xe tránh dừng rồi chạy nhiều lần, từ đó giảm lượng khí thải mà chúng tạo ra. Theo giới chuyên môn, ô tô tạo ra nhiều khí thải hơn khi máy nổ mà không chạy so với khi nó di chuyển. Công nghệ này cũng có thể cải thiện độ an toàn bằng cách truyền tải thông tin về điều kiện giao thông trực tiếp đến tài xế. Ngoài ra, Volkswagen và Siemens còn sử dụng các cảm biến để phát hiện người đi bộ và đi xe đạp tại hai ngã tư ở Wolfsburg. “Chúng xử lý thông tin, sau đó bộ điều khiển giao thông có thể gửi tin nhắn báo rằng có một người đi xe đạp bên trái chẳng hạn” - Schober giải thích. Được biết, Volkswagen sẽ bắt đầu trang bị các công nghệ mới cho xe của họ từ năm tới.

Công nghệ tương tự cũng đang được các nhà sản xuất ô tô khác nhắm tới. Đầu tháng 10, Honda đã giới thiệu công nghệ “giao lộ thông minh” tại một thành phố ở bang Ohio (Mỹ). Công ty của Nhật lắp đặt 4 camera ở mỗi góc đường, tạo ra tầm nhìn 360 độ về xe cộ và người đi bộ di chuyển xung quanh. Dữ liệu này sau đó được gửi đến những chiếc xe kết nối trong hệ thống và được giải mã bằng máy tính trên xe. Khi cần thiết, hệ thống cung cấp cảnh báo bằng hình ảnh và âm thanh cho người cầm lái.

Trong khi đó, hãng xe Ford của Mỹ gần đây công bố công nghệ cho phép ô tô giao tiếp với nhau khi đi qua ngã tư. Theo đó, các bác tài được khuyên nên thay đổi tốc độ nếu cần thiết để tránh va chạm. Công ty cho biết công nghệ của họ lấy cảm hứng từ cách người đi bộ di chuyển giữa đám đông và tránh bị người khác cắt ngang đường đi. Ford cũng hy vọng công nghệ này sẽ giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng đèn giao thông trong tương lai.

Tại Mỹ, nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học Delaware, Boston, Michigan và Virginia đang phát triển các thuật toán có thể giúp hoạt động giao thông hằng ngày trật tự hơn, tiến tới xóa bỏ đèn giao thông và vé phạt xe chạy quá tốc độ.

Theo đó, hệ thống được thiết kế giúp các xe được kết nối đạt khả năng tăng tốc và giảm tốc tối ưu để tránh va chạm từ phía sau. Ví dụ, khi xe chạy trước tăng tốc, xe sau sẽ tăng tốc và nếu xe trước kéo phanh, xe sau cũng sẽ dừng lại. Hoặc khi đi vào tuyến đường giới hạn tốc độ khoảng 70-100 km/giờ, xe sẽ tự động chạy chậm lại. Các thử nghiệm mô phỏng cho thấy những xe được kết nối sử dụng nhiên liệu ít hơn 19-22% và tới điểm đến nhanh hơn 26-30% so với những xe do người điều khiển.

“Chúng tôi đang phát triển các giải pháp cho phép hệ thống giao thông trong tương lai sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Hy vọng rằng công nghệ của chúng tôi sẽ giúp mọi người đến đích nhanh hơn và an toàn hơn, đồng thời tiết kiệm được nhiên liệu” – trưởng nhóm nghiên cứu Andreas Malikopoulos cho biết trong báo cáo các kết quả nghiên cứu trên tạp chí Hệ thống Giao thông Thông minh của Viện Kỹ thuật điện và Điện tử (IEEE).

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN, University of Delaware)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
giao thông