09/02/2019 - 09:52

Ở nơi sáng một chữ “Tình” 

Ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, việc làm nhà tình thương giúp người nghèo “an cư lạc nghiệp” đặc biệt lan tỏa mạnh mẽ. Những mái ấm đó chở che nhiều phận người và sáng những tấm lòng thương người như thể thương thân.

1. Nằm cặp con rạch nhỏ, trại mộc từ thiện của ông Lê Tấn Chiểu (thường gọi ông Ba Chiểu) ở khu vực Tân An, ngày nào cũng vang tiếng máy cưa xẻ, bào, đục... Những cột, kèo, bàn, ghế, giường… lần lượt thành phẩm từ đôi bàn tay khéo léo của những thợ mộc giỏi nghề và xuất xưởng để đến với những hộ nghèo, khó khăn khắp nơi.

Ông Lê Tấn Chiểu (bìa phải) luôn sát cánh cùng anh em trong công việc dù sức khỏe không còn như xưa. Ảnh: LỆ THU

Ông Lê Tấn Chiểu (bìa phải) luôn sát cánh cùng anh em trong công việc dù sức khỏe không còn như xưa. Ảnh: LỆ THU

Hơn một năm nay, từ ngày bị tai nạn khi khuân vác gỗ, ông Ba Chiểu phải dùng khung tập đi 4 chân bằng inox, nhưng vẫn có mặt hằng ngày quán xuyến trại. Nhập viện thường xuyên do di chứng của vụ tai nạn nhưng bên ông lúc nào cũng có sổ sách và điện thoại để liên hệ, trả lời với các mạnh thường quân, những người cần giúp đỡ cũng như điều hành công việc ở trại mộc. Với các thành viên trong trại, ông Ba vẫn là nhạc trưởng và không thể thiếu; bởi mỗi năm trung bình trại cất trên 40 căn nhà tình thương, tặng hàng trăm ghế ngồi, ghế cao thắp hương bàn thờ, bàn hương án, giường nằm, giá võng… Ông Ba nhẩm tính, từ đây đến Tết, trại còn dự kiến cất thêm 2 căn nhà ở Tân Lộc và 1 căn ở huyện Vĩnh Thạnh. Ra Giêng, công việc còn tăng lên gấp bội.

Đôi bàn tay thoăn thoắt bào gỗ, đục đẽo, cưa xẻ và lắp ráp; mồ hôi ướt đẫm lưng áo; nhưng ông Nguyễn Văn Quắn vẫn trò chuyện tếu táo cùng anh em. Cái tính hay bông đùa của ông khiến không khí vui vẻ, thoải mái. Là thợ mộc lành nghề, có thể vun vén làm giàu nếu kinh doanh, nhưng ông Quắn lại chọn đồng hành cùng trại mộc từ thiện suốt 5 năm qua. Ngày nào cũng có mặt làm từ sáng đến chiều và không có thù lao, chỉ có bữa cơm nghĩa tình do bà con đóng góp và gia đình ông Ba Chiểu lo liệu, nhưng ông Nguyễn Văn Quắn, ông Nguyễn Văn Niên, ông Lê Văn Bắc và nhiều người khác không nề hà công xá, tính toán thiệt hơn. Ông Quắn đơn giản: “Mình không giúp được tiền bạc thì giúp sức, giúp công!”. Đồng hành với trại mộc từ ngày thành lập đến nay có khoảng 10 thành viên nòng cốt, còn những người khác khi vừa xong việc riêng là ghé phụ tiếp. Những lúc đi cất nhà xa hoặc làm các công trình từ thiện khác, lực lượng tham gia vài chục người là chuyện thường.

65 tuổi, ngoài thời gian gắn bó với ruộng vườn, lão nông Ba Chiểu đã dành hơn 10 năm làm từ thiện. Trong đó, có hơn 3 năm sưu tầm, chặt, cắt thuốc Nam để cung cấp cho các phòng khám từ thiện; sau, thấy nhiều hộ nghèo chưa có nhà ở, ông chuyển qua làm nhà tình thương. Từ quy mô một vài căn ban đầu, nhiều người thấy việc làm có nghĩa mà thiết thực nên cùng phụ giúp, người góp công, người góp của, cùng ông gầy dựng nên trại mộc hơn 300m2 như hiện giờ. Ông Ba cho hay: “Tôi hiến đất làm trại, các mạnh thường quân ủng hộ tiền hoặc vật liệu, cây gỗ lớp thì mua, lớp người ta cho, còn anh em thì ra sức… Cứ vậy mà làm cho tới giờ”. Trước đây khi còn khỏe, ông Ba Chiểu còn tổ chức đoàn đi các tỉnh tặng gạo, mì, nhu yếu phẩm, quần áo cũ. Mỗi căn nhà giúp được hộ nghèo, mỗi phần quà trao tận tay những người khó khăn là mỗi lần ông nhận lại niềm vui, nụ cười đong đầy trong ánh mắt, trên gương mặt, là tiếng cảm ơn có khi chưa thốt tròn lời vì xúc động. Với ông, như thế là đủ!

2. Niềm vui cho đi và nhận lại ấy cũng đồng hành cùng lão nông Út Liếp (tên đầy đủ là Trần Ngọc Liếp) ở khu vực Phước Lộc. Ông Út dồn hết sức, hết lòng cho việc cất nhà từ thiện hơn 8 năm qua. Bên chén trà nóng, ông nhắc lại chuyện cũ mà cứ cười tủm tỉm. Hồi đó, thấy nhiều bà con không có nhà hoặc nhà dột cột xiêu, ông ấp ủ dự định giúp họ cất được căn nhà đơn giản cột cây, vách và mái bằng tôn. Vậy là khi gia đình bán đám bạch đằng trong ruộng được 27 triệu đồng, ông đã hồi lại, rủ anh em trong xóm đốn cây cất hơn 10 căn nhà tình thương. Vợ con ông mới đầu bất ngờ, tới hồi hiểu ra đều ủng hộ.

Ông Trần Ngọc Liếp với công việc thường ngày ở trại mộc. Ảnh: LỆ THU

Ông Trần Ngọc Liếp với công việc thường ngày ở trại mộc. Ảnh: LỆ THU

Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ kinh phí mua cây, vật liệu để ông Út Liếp tiếp tục cất nên những căn nhà mơ ước cho những hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hùng ở khu vực Lân Thạnh 2, phường Tân Lộc, cho biết: “Thấy anh Út cất nhà rồi còn vận động nắm gạo tình thương, tôi và những người khác rất ủng hộ. Có người định kỳ mỗi tháng góp 500.000 đồng, 1 triệu đồng. Riêng tôi mỗi năm ủng hộ 2 lần là vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy, mỗi lần từ 10 đến 15 triệu đồng”.

Để có chỗ cưa cây, xẻ gỗ, ông Út Liếp dành phần đất hơn 100m2 bên hông nhà để dựng Tổ Trại mộc từ thiện khu vực Phước Lộc. Tổ thu hút hơn 20 thành viên, chuyên cất nhà tình thương và làm các vật dụng đơn giản giúp hộ nghèo. Trung bình mỗi năm, tổ cất trên 20 căn nhà, mỗi căn trị giá khoảng 12 triệu đồng. Hằng tháng còn thực hiện phong trào “Nắm gạo tình thương” để hỗ trợ 8 hộ nghèo trong khu vực, mỗi hộ 15kg gạo và 100.000 đồng mỗi tháng. Ông Út bộc bạch: “Mỗi lần họp báo cáo thu chi, anh em trong tổ ngoài góp công còn sẵn lòng góp thêm tiền, bổ sung phần kinh phí nếu bị thiếu hụt. Nhờ vậy mà hoạt động của tổ được duy trì tốt cho đến giờ”.

Đến thăm những hộ được tổ cất nhà, ông Út được chào đón như người thân gia đình. Bà Phạm Thị Nhã, mẹ anh Huỳnh Văn Hai, kể: “Con tôi trước ở nhà vợ, sau chuyển về đây nhưng không có điều kiện cất nhà. Chú Út cất cho căn nhà được hơn tháng nay rồi, thằng Hai yên tâm làm ăn, nuôi con”. Gần nhà anh Hai là nhà bà Huỳnh Thị Giếng, chồng mất, con ở xa, sống một mình và còn bị tai nạn giao thông. Nhờ ông Út và tổ trại mộc từ thiện hỗ trợ cất lại căn nhà mới mà bà đã không còn cảnh nhà dột cột xiêu… 

*  *  *

Trên cù lao xanh Tân Lộc, còn có ông Trương Văn Kiềm (hay còn gọi ông Tư Kiềm) từ một nông dân chỉ biết việc vườn ruộng đã dần làm quen với bào, với cưa và trở thành “thợ mộc ngang hông” cũng chỉ vì muốn cất nên những mái ấm lành lặn cho những mảnh đời còn khó khăn. 15 năm làm từ thiện, ông Tư và những anh em sát cánh cùng mình đã cất hơn 300 căn nhà cho bao gia đình ở địa phương và cả những nơi xa khác.

Tấm lòng của ông Tư Kiềm, ông Ba Chiểu và ông Út Liếp khó mà đong đếm được bởi không chỉ cất tặng nhà cho bà con ở Tân Lộc, mà người nghèo khắp nhiều tỉnh ĐBSCL, hễ ai ngỏ lời, hễ hay biết được, là các ông đều tìm cách giúp ngay. 

LỆ THU

Chia sẻ bài viết