Các nhà khoa học Pháp cho biết những trẻ được sinh ra với tinh hoàn lạc chỗ đã tăng tới 50%, đặc biệt là ở những nơi có mỏ than và các công trình kim loại.
Tinh hoàn lạc chỗ (cryptorchidism), là dị tật bộ phận sinh dục nam phổ biến nhất, ảnh hưởng từ 1-8% trẻ sơ sinh. Thông thường, cơ quan này tự điều chỉnh trong vòng 6 tháng sau sinh, song vẫn có khoảng 1/100 bé trai cần phẫu thuật để đưa chúng về đúng vị trí. Nếu không được điều trị, đứa trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về sinh sản và đối mặt với nguy cơ ung thư tinh hoàn. Mặc dù một số hóa chất được xác định có liên quan đến chứng tinh hoàn lạc chỗ, như phthalate và thuốc trừ sâu, nhưng các chất ô nhiễm công nghiệp chính cho đến nay vẫn chưa được “điểm mặt”.
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Joëlle Le Moal, một nhà dịch tễ học y tế làm việc cho Bộ Khoa học và Y tế Công cộng Pháp, cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc chứng tinh hoàn lạc chỗ ở cấp quốc gia. Cụ thể, nghiên cứu tập trung vào gần 90.000 trẻ trai ở Pháp, những người đã phải phẫu thuật chữa chứng tinh hoàn lạc chỗ từ năm 2002 đến năm 2014. Kết quả cho thấy số trẻ chỉ có một bên tinh hoàn tăng 36% giai đoạn này.
Sử dụng mô hình lập bản đồ bệnh tật và dữ liệu về địa chỉ nhà của bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã xác định được 24 chùm bệnh rải rác trên khắp nước Pháp. Hầu hết các chùm bệnh này đều nằm ở phía Bắc hoặc miền Trung Đông nước này, nhưng tập trung đông nhất là quanh quận Lens thuộc tỉnh Pas de Calais, một khu vực khai thác than trước đây. Ở Lens, nguy cơ có một bên tinh hoàn lạc chỗ tăng hơn 50% so với cả nước. Tương tự, các nhà nghiên cứu nhận thấy các trường hợp cả hai tinh hoàn nằm sai vị trí cũng tăng gấp 5 lần.
Các hoạt động công nghiệp được xác định trong các chùm bệnh được cho là nguồn cơn dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường dai dẳng, nhất là kim loại, dioxin và polychlorinated biphenyl, còn gọi là PCB. PCB, thuốc trừ sâu và dioxin bị nghi góp phần gây ra chứng tinh hoàn lạc chỗ và các vấn đề khác ở tinh hoàn bằng cách phá vỡ các hoóc-môn.
Đây là nghiên cứu mang tính bước ngoặt, khẳng định vai trò quan trọng của yếu tố môi trường đối với nguy cơ mắc chứng tinh hoàn lạc chỗ. Những yếu tố khác cũng có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh này còn bao gồm hoàn cảnh kinh tế - xã hội thấp, hút thuốc khi mang thai và sinh non.
HOÀNG ĐIỂU (Theo StudyFinds, Insider)