08/11/2023 - 09:16

Nuôi ốc bươu đen thu trăm triệu mỗi tháng 

Thả nuôi ốc bươu đen để lấy trứng và con giống trên diện tích 6.000m2, anh Nguyễn Phú Vinh (33 tuổi, ngụ phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) có doanh thu mỗi tháng gần 170 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn làm ra sản phẩm ốc gác bếp, dần tạo được thương hiệu trên thị trường.

Ao nuôi ốc lấy trứng rộng 6.000m2 của anh Vinh.

Nuôi ốc lấy trứng ở giữa sông

Từ trung tâm TP Vĩnh Long, anh Vinh dắt chúng tôi vượt cầu Mỹ Thuận, rồi qua chiếc phà nhỏ để đến cù lao Quy (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để đến trại ốc rộng 6.000m2 được anh cùng một người bạn đầu tư nuôi để lấy trứng và ốc giống.

Anh Vinh cho biết, anh phụ trách kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm, bạn anh hỗ trợ ao nuôi trên diện tích đất vườn nhà. Khu nuôi được chia làm 2 ao, 1 ao có diện tích 5.000m2 và 1 ao 1.000m2 chủ yếu nuôi ốc sinh sản để lấy trứng, ốc giống bán ra thị trường.

Anh Vinh kể, mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà, anh theo học một khóa về quản trị kinh doanh để có kinh nghiệm khởi nghiệp. Năm 2019, anh cùng một người bạn có chung chí hướng bắt đầu nuôi ốc bươu đen bởi nhận thấy nhu cầu từ thị trường rất lớn.

“Tôi ấp ủ và tìm hiểu về mô hình nuôi ốc khoảng 2 năm trước khi quyết định khởi nghiệp. Thấy ốc bươu đen ngoài tự nhiên ngày càng ít, nhu cầu từ các quán ăn, nhà hàng rất cao… Trong khi thời điểm đó, ở địa phương cũng ít ai nuôi nên thấy vô cùng tiềm năng để phát triển”, anh Vinh cho biết.

Do chưa có kinh nghiệm, mô hình mới, ít người nuôi nên phải tự tìm tòi, học hỏi nên gặp nhiều khó khăn như chuẩn bị ao nuôi không tốt làm hao hụt nhiều, đối mặt nhiều rủi ro do bệnh, thời tiết… dẫn đến thua lỗ. Dần dần nhờ đúc rút kinh nghiệm, kỹ thuật, cùng cách nuôi thuần tự nhiên đã đem lại thành công.

“Ban đầu tôi nuôi thử nghiệm chỉ khoảng 2.000m2, thả ốc với mật độ 150 con/m2. Năm đầu tiên, tôi gặp thất bại, lỗ gần 100 triệu đồng. Sai ở đâu thì mình làm lại ở đó, xem lại quá trình nuôi, nghiên cứu thêm, học hỏi và vận dụng vào điều kiện thực tế để hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi để giảm bớt hao hụt”, anh Vinh nói.

Cách nuôi của anh hạn chế tối đa kiểu nuôi dạng công nghiệp và sử dụng thuốc để đảm bảo con ốc được sạch và an toàn. Ðể làm được điều này, ao nuôi được trồng các loại cây thủy sinh như bông súng, rong, bèo… tạo môi trường gần giống ở ngoài thiên nhiên nhất có thể.

“Với những cây thủy sinh được trồng trong ao nuôi giúp điều tiết nguồn nước luôn sạch. Ðặc biệt là bèo như một lá chắn, giúp che ao nuôi, hạn chế lượng nước mưa trực tiếp đổ xuống, giúp duy trì độ pH trong nước ổn định để ốc sinh trưởng tốt, không bị sốc khi mưa nhiều”, anh Vinh nói.

Ốc nuôi khoảng 4,5-5 tháng đạt trọng lượng từ 25-30 con/kg có thể bán thương phẩm, ốc từ 5-5,5 tháng có thể cho sinh sản. Trứng ốc khi nở khoảng 3 tuần tuổi có thể xuất bán con giống. Hiện ao nuôi được thả ốc giống mỗi ngày để thu hoạch trứng và ốc giống bán ra thị trường.

“Ao nuôi chuyên lai tạo giống nên tôi luôn cố gắng lai tạo giống thuần, đạt chất lượng để cung ứng cho bà con. Tỷ lệ trứng ốc nở khi bán ra thị trường đạt từ 90% trở lên. Nếu trứng ốc không đạt chuẩn (size) để bán ra thị trường tôi để lại ấp nuôi bán thương phẩm”, anh Vinh nói.

Hỗ trợ đầu ra cho hộ nuôi

Theo anh Vinh, hầu hết người dân thường có thói quen lên liếp trồng vườn nên có thể tận dụng được diện tích mặt ao. Nếu nuôi thương phẩm thì mỗi 1.000m2, trung bình mỗi năm thu hoạch được 1-1,5 tấn ốc thương phẩm. Ðây cũng được xem là mô hình kinh tế hay, phù hợp ở nông thôn.

Ốc gác bếp sau thời gian 2 tháng có thể bán ra thị trường.

Trước nhu cầu sử dụng ốc bươu đen ngày càng nhiều, anh quyết định chia sẻ kinh nghiệm và liên kết với nhiều người cùng nuôi ốc bươu đen để đảm bảo sản lượng cung ứng. Ðến nay, anh Vinh liên kết hơn 200 người tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm ốc thịt và trứng ốc, ốc giống ra thị trường.

Gần đây, anh Vinh còn “trình làng” sản phẩm ốc gác bếp thu hút đông đảo khách đặt mua. Nguồn ốc chủ yếu được anh thu mua từ những hộ dân liên kết sản xuất, ốc tuyển lựa sẽ được đưa vào phòng ít ánh sáng, rải ốc đều lên những kệ nhiều tầng để cho ngủ. Khoảng 2 tháng có thể thu hoạch được ốc gác bếp để bán ra thị trường.

“Sau khi ốc ngủ trong phòng cần lọc ra số ốc chết, tránh lây lan sang con khỏe. Trong thời gian ngủ chúng sẽ chuyển hóa năng lượng tích trữ, nuôi thân, vỏ nên thịt ốc trắng, vỏ mỏng, có thể xuất bán”, anh Vinh cho biết.

Hiện giá trứng ốc từ 500.000 đồng/kg; ốc giống từ 10.000 con trở xuống giá 250 đồng/con, từ 10.000 con trở lên giá 200 đồng/con; ốc gác bếp giá 250.000 đồng/kg. Nhờ đó đem lại doanh thu mỗi tháng cho anh Vinh gần 170 triệu đồng.

Hiện sản phẩm chủ yếu được anh Vinh giới thiệu qua các kênh mạng xã hội, anh còn lập các trang về kỹ thuật nuôi. Doanh số bán ra đạt hơn 90% chủ yếu nhờ các kênh online. Sắp tới triển khai thêm các trang tiktok và nhiều trang mạng xã hội khác để đưa sản phẩm đến gần hơn với cộng đồng. Ðịnh hướng sắp tới sẽ mở thêm 1 trang trại chuyên nuôi ốc lác đồng và cũng sẽ tận dụng những kênh mang xã hội để giới thiệu sản phẩm.

Ðầu tư gần 10 triệu đồng để nuôi 1.000m2 ốc bươu đen, anh Nguyễn Minh Tâm (46 tuổi, ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp) cho biết, sau 5 tháng thả nuôi ốc đạt 30 con/kg bán sỉ với giá 40.000 đồng/kg. Lúc đầu, anh sợ nuôi ốc bươu đen không đạt hiệu quả nên thả nuôi ít. Sau khi thu hoạch và được anh Vinh tận tình hướng dẫn và bao tiêu đầu ra nên anh thả nuôi tiếp 3.000m2 ao còn lại. Nhờ đó đem lại hiệu quả kinh tế rất khá.

Bà Lê Trúc My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Vĩnh Long, cho biết, anh Vinh kết nối người nuôi và bao tiêu sản phẩm đã góp phần vào việc giải quyết việc làm cũng như có thu nhập cho người dân ở các địa phương. Trong thời gian qua, Hội đã xúc tiến giới thiệu ốc bươu đen đến nhiều nơi, thông qua các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm, từng bước giúp trại ốc ngày càng tiêu thụ sản lượng ốc bươu đen nhiều hơn. 

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết