02/10/2019 - 21:13

Nuôi chồn hương làm giàu 

Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được nhiều nông hộ ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Với lợi thế phù hợp môi trường nuôi nhốt, chi phí nuôi thấp, giá bán cao, nuôi chồn hương là hướng đi mới, tiềm năng đang được 10 thành viên của Hợp tác xã động vật hoang dã Tư Khánh, TP Cần Thơ, khai thác.

Anh Trần Quốc Khánh, Giám đốc HTX động vật hoang dã Tư Khánh giới thiệu mô hình nuôi chồn hương của gia đình.

Anh Trần Quốc Khánh, Giám đốc HTX động vật hoang dã Tư Khánh giới thiệu mô hình nuôi chồn hương của gia đình.  

Chồn hương (hay còn gọi cầy vòi hương) là động vật hoang dã, sống chủ yếu ngoài môi trường tự nhiên. Gần đây, loài vật này đang được thuần hóa, trở thành vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Hà Tấn Tòng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, trước đây, trên địa bàn xã có vài hộ nuôi chồn hương nhỏ lẻ. Nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, có đầu ra ổn định, Hội Nông dân xã đã thành lập Hợp tác xã (HTX) động vật hoang dã Tư Khánh tại ấp Thới Thạnh. Thông qua việc thành lập HTX, Hội Nông dân xã phối hợp hỗ trợ, giúp các thành viên đăng ký giấy phép kinh doanh để có điều kiện phát triển và nhân rộng mô hình này.

Là hộ đầu tiên nuôi chồn hương tại ấp Thới Thạnh, xã Giai Xuân, anh Trần Quốc Khánh, Giám đốc HTX động vật hoang dã Tư Khánh, chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có 4 công đất vườn. Trước đây, ngoài làm vườn, tôi chỉ nuôi cá, nuôi heo,… thu nhập bấp bênh. Cách đây 8 năm, tôi được người cậu giới thiệu mô hình nuôi chồn hương và duy trì đến nay”. Những ngày đầu thử sức với mô hình mới đầy lạ lẫm, anh Khánh chỉ mua 2 con cái và 1 con chồn hương đực để làm giống. Do chưa hiểu tập tính của loài vật này, nên sau khi sinh sản, chồn con bị chết. Dần dà, anh Khánh tìm tòi, học hỏi các tài liệu, sách báo, tự rút kinh nghiệm. Anh Khánh chia sẻ bí quyết: “Chuồng nuôi chồn hương đóng bằng cây, che lưới nên không tốn nhiều chi phí. Nuôi chồn hương không tốn nhiều diện tích, tuy nhiên vì chúng thường cắn nhau nên phải tách mỗi con một chuồng để đảm bảo an toàn. Thức ăn chính của chồn hương là chuối xiêm chín và cá đồng. Mỗi ngày, chỉ cần cho ăn 2 lần,  mỗi lần vài trái chuối, vài con cá nhỏ”.

 Thức ăn chính của chồn hương chỉ là trái cây và cá đồng nên ít tốn chi phí chăm sóc.

 Thức ăn chính của chồn hương chỉ là trái cây và cá đồng nên ít tốn chi phí chăm sóc.

Theo anh Khánh, để tránh tình trạng chồn nuôi mắc bệnh đường tiêu hóa, anh Khánh không cho chồn ăn các loại cá biển mà chỉ cho ăn cá đồng tươi sống. Gia đình anh Khánh đang nuôi 15 con cái và 2 con chồn đực. Trung bình mỗi năm, chồn hương sinh sản 1-2 lứa, mỗi lứa 3-4 con. Hiện nay, thương lái đến tận nhà thu mua chồn thịt nên các thành viên HTX không lo lắng đầu ra. Anh Khánh nhận định: “Giá chồn hương giống 5 triệu đồng/cặp; giá chồn hương thịt từ 1-1,2 triệu đồng/ký. Với giá bán ổn định này, bình quân cứ nuôi khoảng 20 con chồn hương cái, có thể thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm”.

Chú Trần Văn Vui, cùng ngụ ấp Thới Thạnh, xã Giai Xuân, bộc bạch: “Gia đình tôi nuôi chồn hương 2-3 năm nay. Hiện nay, tính cả đực lẫn cái, chuồng nuôi của tôi có 12 con. So sánh với các mô hình chăn nuôi khác, tôi nhận thấy mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nếu biết cách chăm sóc, chồn hương có thể sinh sản 3 lứa mỗi năm. Trung bình mỗi con chồn hương mang lại thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm. Nuôi chồn hương không chỉ ít tốn diện tích nuôi lại nhẹ công chăm sóc. Ngoài nuôi chồn, tôi còn tranh thủ làm vườn để tăng thu nhập”.

Hiện nay, khi có giấy phép kinh doanh, các thành viên HTX động vật hoang dã Tư Khánh rất phấn khởi, dự định phát triển và nhân rộng mô hình này. Với hiệu quả kinh tế khá cao, mô hình nuôi chồn hương hứa hẹn đem lại cho các thành viên HTX nguồn thu nhập khấm khá.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Chia sẻ bài viết