21/12/2009 - 20:33

Nuôi cá thoát nghèo

Ông Diệp Văn Út vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi cá thác lác cườm.

Sau nhiều năm thất bại liên tiếp trong việc sản xuất và chăn nuôi, ông Diệp Văn Út (ở xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) gần như trắng tay. 6 công đất ruộng, nguồn tư liệu sản xuất chủ yếu của gia đình, ông Út cũng cầm cố cho người khác, để có tiền trang trải nợ nần. Thế nhưng, nhờ tinh thần ham học hỏi cộng với bản tính cần cù, giờ đây cuộc sống gia đình ông dần khấm khá bằng nghề ươm cá giống. Ông trở thành tấm gương vượt khó được nhiều người biết đến...

* Giữ chữ tín với khách hàng

Qua nhiều lần liên hệ, sau cùng chúng tôi đã tiếp xúc được với ông Diệp Văn Út vào buổi chiều cuối ngày. Dáng người trung bình, khuôn mặt rám nắng, đặc biệt khi ông Út cười để lộ chiếc răng cửa bị sún. Vì thế, bà con địa phương hay gọi ông là Út Sún. Hôm gặp chúng tôi, ông Út phân bua: “Hổm rày, tôi bận nhiều việc quá. Bữa nay, từ sáng sớm tôi đã đến nhà anh Nguyễn Văn Bảy, ở cùng xã -một khách hàng vừa mua cá thác lác cườm giống để hướng dẫn cho anh kỹ thuật chăm sóc. Những thắc mắc trong quá trình nuôi được tôi giải đáp cặn kẽ, anh Bảy mừng lắm”.

Từng ở trong tình cảnh của anh Bảy, nên ông Út rất thấu hiểu và luôn sẵn lòng sẻ chia kinh nghiệm mà ông đã tích góp trong nhiều năm qua. Mong muốn của người nuôi là tìm mua được con giống đảm bảo chất lượng, nhằm giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất; từ đó giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nắm bắt được điều đó, ông Út luôn giữ chữ tín với khách hàng, không chạy theo lợi nhuận. Đây là một trong những yếu tố giúp cơ sở sản xuất cá giống của ông Út thu hút được nhiều khách hàng từ địa phương khác tìm đến mua cá giống. Nói về cách làm của mình, ông Út đưa quyển tập đã cũ nhòe cho chúng tôi xem. Bên trong, ông ghi chi chít tên, địa chỉ, số điện thoại của khách hàng đến mua cá giống... Ông Út cho biết: “Sau khi bán cá giống, tôi thường xuyên liên lạc với khách hàng để hỏi han xem đàn cá phát triển ra sao; người nuôi có gặp trục trặc gì ở khâu chăm sóc hay không...”. Cung cấp con giống chất lượng, cộng thêm ông Út tận tình hướng dẫn kỹ thuật, nên đã tạo được sự tin cậy đối với người mua. Nhờ vậy, khách hàng quen mạnh dạn giới thiệu cho bà con, bạn bè đến ủng hộ, cơ sở cá giống của ông Út ngày càng ăn nên làm ra.

Dẫn chúng tôi đi tham quan quanh cơ sở, ông Út phấn khởi giới thiệu về một giống cá chủ lực, đã giúp ông vươn lên thoát nghèo, đó là con cá thác lác cườm. Ông Út cho biết: “Cá thác lác cườm thịt có vị ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn cao cấp, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngày nay, số hộ dân chọn nuôi con cá này ngày một nhiều. Cá đẻ nhiều đợt trong năm. Mùa sinh sản từ tháng 5 đến 10, mỗi lần đẻ từ 300 - 1.000 trứng/cá thể cái. Cá sinh sản khi đạt trọng lượng 300-400 gram, tuổi sinh sản từ năm thứ 3. Sức sinh sản của cá phụ thuộc vào các yếu tố nội tại và môi trường, ở nhiệt độ 28-320C, trứng nở sau 4-5 ngày. Ao nuôi cá tốt nhất là gần sông chính, nước ngọt có thể cung cấp dễ dàng”. Hiện nay, cơ sở của ông Út có hơn 200 con cá thác lác cườm giống. Cơ sở nuôi cá của ông Út rộng khoảng 6.000m2 đất, chuyên cung cấp cá thác lác giống và cá thịt thương phẩm. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu lời hơn trăm triệu đồng.

* Khởi nghiệp lắm gian nan!

Trước đây, gia đình ông Út sống chủ yếu bằng nghề nuôi vịt chạy đồng, thường xuyên sống xa nhà, rày đây mai đó. Vất vả là thế, nhưng nguồn thu nhập cũng không được bao nhiêu. Trong một lần nuôi, chẳng may đàn vịt bị “bể bầy”, ông bị thua lỗ nặng. Vốn liếng của ông bị hao hụt hơn một nửa. Sau lần thất bại đó, ông Út chuyển sang xây dựng chuồng trại nuôi heo. Nhưng, một lần nữa may mắn lại không mỉm cười với ông. Đàn heo bị dịch bệnh, giá thì rớt ở mức thấp, ông tiếp tục bị thua lỗ nặng. Thế là, vốn liếng dành dụm từ lâu của ông cũng không còn, ông Út phải cầm cố 6 công đất ruộng để trả nợ nần. Trước tình cảnh trên, hai người con của ông khăn gói lên TP Hồ Chí Minh làm thuê, làm mướn nhằm giúp gia đình trang trải, vượt qua lúc túng quẫn. Cuộc đời của ông bắt đầu rẽ sang trang mới. Ông Út không thể quên được khoảng thời gian dài cơ cực ấy: “Năm 1997, hai đứa con đi làm thuê dành dụm gởi về cho tôi được 500.000 đồng. Khi đó, tận dụng mấy cái mương quanh nhà, tôi mua cá giống như: Cá rô phi, cá lóc về nuôi... Sau thời gian nuôi, tôi thu hoạch bán được hơn 10 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí, tôi chỉ còn lời khoảng 1 triệu đồng. Vào thời điểm này, con cá thác lá cườm rất có giá trị, được thị trường ưa chuộng. Vì thế, tôi quyết định chọn loại cá này làm vật nuôi thoát nghèo”.

Ban đầu, ông Út mua được 3 cặp giống cá bố mẹ về nuôi để lai tạo cá giống. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Út đã gặp không ít khó khăn, thậm chí là thất bại trong nhiều năm liền. Sau gần 4 năm, ông mới nắm bắt được quy trình sinh sản và đã lai tạo thành công. Ông Út chia sẻ: “Sau nhiều lần thử nghiệm, cá thác lác giống cũng đẻ trứng, nhưng tỷ lệ nở con hao hụt rất nhiều, ngoài dự tính. Sau đó, tôi dùng trùn chỉ làm mồi. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự thành công của tôi trong việc lai tạo cá giống”. Theo ông Út, cá thác lác cườm rất dễ nuôi. Trước khi nuôi cần tát cạn ao, vét hết lớp bùn đáy, bón vôi, phơi đáy ao, diệt cá tạp, cho nước vào, rồi thả cá giống. Nước cần phải qua lưới lọc để ngăn cá tạp và cá dữ. Nên thả cá vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Trước khi thả cá cần ngâm bao đựng cá trong ao từ 15-20 phút để cho cá khỏi bị sốc nhiệt độ môi trường và nước ao thay đổi. Mật độ thả từ 5-10 con/m2, có thể thả cá chung nuôi ghép với cá sặt rằn từ 5-10%. Thức ăn cho cá là cá nhỏ rửa sạch, băm nhỏ, cá tạp có thể xay nhỏ và trộn với chất kết dính từ 1-2% để tránh thức ăn bị tan rã. Thức ăn cần vo thành từng viên, đặt vào sàn ăn để theo dõi điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày. Tùy theo màu nước của ao nuôi cá mà có thể thay nước, lượng nước thay mỗi lần là 1/3. Cá nuôi tốt một năm có thể đạt trọng lượng từ 1-1,5kg, khi đạt kích cỡ này thì có thể thu hoạch cá...

Hôm chúng tôi đến nhà, ông Trần Văn Hảo, ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Hưng, đang tất bật với việc chăm sóc đàn cá sắp cho thu hoạch. Ông Hảo cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, làm mướn, nên thu nhập rất bấp bênh. Năm 2008, tôi được ông Út Sún bán chịu 3.000 con cá thác lác cườm giống. Sau 5 tháng nuôi, tôi thu hoạch được 1,5 tấn cá thương phẩm. Sau khi trừ đi các chi phí, tôi còn lời khoảng 10 triệu đồng. Năm nay, tôi mở rộng diện tích ao nuôi lên 1.000m2 mặt nước, đàn cá phát triển tốt. Theo tính toán, với mức giá bán được 40.000 đồng/kg, tôi sẽ lời khoảng 20 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Tím, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, cho biết: “Những năm gần đây, số hộ nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình nuôi cá thác lác cườm của hộ ông Diệp Văn Út. Vốn là hộ nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nghị lực vượt khó, giờ đây ông đã gầy dựng cho mình một cơ ngơi khá vững chắc. Nhiều năm liền, ông Út là nông dân sản xuất giỏi của xã, huyện và tỉnh. Điều đáng quý ở ông là luôn sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật nuôi, hỗ trợ con giống giúp nhiều nông hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống...”.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết