Truyện ngắn: Lương Minh Hinh
Lễ đầy tuổi tôi của Công.
Bà nội Ba Dậu từ nội đồng ra phố phường với cháu con. Bà lo mười hai phần lễ cúng mụ và chung tay lo cái mâm đồ để cháu bốc coi hậu vận. Thời mở cửa, đồ bốc cũng mở, đồ vật xếp đầy mâm. Sau các tiết lễ tạ ơn mụ thiêng liêng, lễ kính xin phước lộc sức khỏe, là phút giây bốc đồ hồi hộp. Thằng Công bên mâm đồ bốc quơ quơ tay lướt thứ này thứ kia. Rồi! Công cầm cái hột gà đưa cao lên cười toe miệng. Máy ảnh chớp, máy quay phim sè sè. Tiếng vỗ tay bốp rốp của nội Ba Dậu. Món đồ bốc chưa thấy xưa nay.
Con trai con dâu thầm hỏi sao bà bỏ tới hai cái hột gà? Bốc hột gà là sao? Nó sẽ cất vang lời góp nhắc nhở công chuyện làm ăn người đời? Nó giỏi chăn nuôi trồng trọt? Nó
Bà nội ứa nước mắt:
- Ông về mà coi cháu đích tôn nè! Ông à, từ nay tôi ở đây với cháu nha.
Hai mươi mốt ngày sau thôi nôi Công.
Nửa đêm tiếng gà mẹ cục cục làm Văn Sóng thức giấc. Anh nghĩ mình mớ. Gần sáng lại nghe cục cục. Ở khu tập thể văn hóa của phố phường này không nhà nào chăn nuôi, sao có tiếng gà? Cục! Cục! Ôi! Gà ở ngay trong nhà Văn Sóng. Phòng mẹ sáng đèn. Bà Ba đang chu mỏ cục cục. Cái cơi trầu cổ sơn mài khảm xà cừ bị biến thành cái ổ gà ấp. Ngọn đèn "tiết kiệm điện" làm nóng sưởi cho hai con gà lông khô bồng lên. Bà Ba Dậu làm tiếng gà mẹ thật khéo. Bà rành cái vụ gà ấp khi gà con sắp nở gà mẹ cục cục. Tiếng gọi khuyến khích gà con mổ, đạp bung vỏ trứng, quan trọng hơn là cho gà con tiếng mẹ để khi sống giữa nhiều bầy đàn khác, gà con vẫn nhận ra giọng gà mẹ mà theo không lạc.
Hai cái hột gà bữa thôi nôi Công được bà lo ấp nở. Suốt đêm qua nội thức gọi gà con ra đời. Nội cười. Một cặp trống mái đó! Một cặp? Còn trứng nước mà. Thì trứng nước mới chỉ cho mà hay. Nhà này ông Văn Sóng phục tài bà Ba Dậu sống cùng muông thú ngư thủy. Gia súc gia cầm không nói, ba con vật hoang dã Ba Dậu dụ chúng sáp lại bầu bạn. Ba Dậu coi trứng tài. Cầm hột gà hột vịt là biết nở ra con trống con mái. Nghe nói còn ngờ, mần cho tin. Đánh dấu, lo ấp con vật nở ra nuôi lớn rõ trống mái như đã chỉ. Siêu! Chồng phục vợ siêu, vợ bảo tại yêu, bởi yêu, do yêu.
Yêu! Yêu người hay yêu con gà con vịt?
Hỏi cắc cớ. Đáp yêu chồng, nghe lãng xẹt; đáp yêu cầm thú, nghe vô duyên. Ở đời, vịt nhà không ấp trứng làm mẹ vịt đã đành, làm mẹ gà mới là điều.
***
Mấy chục năm trước Văn Nước, Ba Dậu cùng xuồng ghe câu lưới. Đúng là dân săn bắt, muốn nhau còn rủ tìm thầy bói. Ông thầy quơ dĩa qua lại nghe đủ hai lần tiền ném dĩa, cầm lên ngửi tiền tanh cá tép, bỏ ngay vào túi và la: "Cặp này. Nghe xong biến liền, lanh hên chậm xui, nghe rõ ta báo trước rồi đó. Nghe quẻ nè:
Tối ngày chân duỗi chân co.
Gác chèo, dập nước, duỗi, co, lắc, nhồi
"
Hai kẻ cầu duyên mạnh ai nấy chạy ra bến nhảy lên ghe của mình chạy về hàng cây nằm nước nội đồng. Cả vùng này hai người giống nhau ngồi ra chèo chân nhanh vun vút, chỉ họ mới đua ngang ngửa được nhau thôi. Cuộc chạy mấy chục cây số đường nước bất phân thắng bại, ghe hai người chúi vào lùm cây nằm nước họ thướng trú ngụ. Văn Nước há miệng thở ra lời phập phù:
- Đúng là chân duỗi chân co. May mà tới đích cùng, không ai bị xui hơn. Đẹp đôi.
Ba Dậu nhanh tay gác chèo, phủi sạch ván ghe, bảo:
- Mới qua vế ngắn câu ca có vài việc. Vế sau câu ca còn gấp hai số việc tưng bừng nữa. Nào làm tới, đẹp đôi lẹ.
Chàng Nước đỏ bừng mặt.
Một cặp nhân duyên. Họ có mặt ở hầu khắp đồng đất châu thổ này. Rồi Văn Nước quay ngược mũi ghe. Vợ hỏi về đầu nguồn? Mình tính nguồn cội mà em. Mấy ngày đường ngược tới vùng năn nác ập uôm tiếng ếch, chíp chiu tiếng chim; Ba Dậu liền lẹ tay gác chèo. Nàng tới lui thăm dò tìm được mạch nước trong mát, liền cắm cái cọc neo, thổi bếp un nấu cơm. Văn Nước đi tới cánh rừng kề đồng cỏ trở lại. Cái bếp un mũi xuồng của chàng cũng hồng rực, mùi thịt gà nướng thơm phưng phức.
Chỗ mới cắm cọc neo ghe!
Nàng cụng li với chàng. Thịt gà rừng nướng số dách. Rượu bến cắm cọc làm ngân lên lời ca lại câu quẻ bói ngày nào. Rượu vơi, mấy vỏ chai rượu nằm sàn ghe. Hai chủ nhân gục be ghe ngủ với đất tân khai khẩn. Mặt trời chóa lóa đồng nước họ mới mở mắt.
Trời đất cho Văn Nước được mối làm lành. Chàng lội rừng kiếm ra cái ổ trứng gà rừng. Nàng mừng lắm, nàng ủ ấp nở được mấy con gà con. Bầy gà có cả trống mái. Chàng vui, có tiếng đánh thức khuya rồi. Không, còn phải chăm nuôi chờ đợi nửa năm trời. Khi con gà trống tập tọe gáy
tay nuôi gà nóng bụng làm sao. Đêm đầu tiên gà cất tiếng gáy báo canh, Ba Dậu nhào qua, xuồng lật, hất cả hai xuống nước. Tiếng gà rước thằng nhỏ về ngay cái đêm đầu tóc mình mẩy ướt nhẹp đó. Con được đặt tên Hai Sóng. Vợ chồng vui mừng, cự lộn dành công sinh con đẻ cái.
- Nó nằm trong bụng ai?
- Nó là con trai, giống ai?
- Ai nuôi nó từ không tới có?
- Ai với ai cho thằng nhỏ có chỗ sinh trưởng đó?
Bầy gà rừng đông đúc lớp ở với chủ, lớp ra ở rừng, chúng gáy còn thiêng hơn cái lời quẻ bói nhắc. Hai người mần ăn xa gần, thức ngủ chi cũng nghe tiếng gà gắn kết hạnh phúc ngọt ngào sao
Từ có thằng Sóng, sự chăn nuôi vượng lên. Những vuông hầm tôm cá chen vây đan càng. Những bầy gà bầy vịt đông đúc thêm. Văn Nước cười ha ha: "Đã! Đầu nguồn nước nổi vầy sống đã!". Ai ngờ Văn Nước lại ra đi khi chưa được lục tuần tuổi. Ba Dậu đặt chồng nghỉ giấc thiên thu ngay chân chỗ cắm cái cọc neo ghe lần đầu tiên tới đây. Góa phụ nhất quyết không di dời đất này. Bà ở giữ đàn gà giữ tiếng gà gáy khuya cùng linh ông. Bà theo tiếng gà, cấy gặt, câu lưới, ăn ong, đốt than lấy tiền cho Hai Sóng ra chợ học hành, gầy dựng gia đình.
Vợ chồng Hai Sóng năn nỉ, mẹ cũng không ra phố phường ở. Nhưng tới kỳ thôi nôi cháu Công, nó bốc cái hột gà "dinh" bà ở phố cùng con cháu liền. Ở phố tháng bà về đầu nguồn một lần với ông. Giỗ ông bà cúng ở đầu nguồn.
***
Chuẩn bị lễ sinh nhật mười ba tuổi.
Công trổ tài học hành vi tính. Công in phóng những bức hình chụp ngày lễ thôi nôi.
- Bà coi này, hơn mười năm trước bà trẻ đẹp quá trời.
- Con vi tính nịnh bà mới được vầy. Bà chịu nhất hình con bốc cái hột gà.
- Con biết rồi. Tại bà yêu gà vịt chim cá cua ốc giang đồng. Bà ưa cái ảnh con cầm trứng. Con biết bà ấp gà con làm gì rồi.
- Cái thằng, gà nở thì nuôi, ai chẳng biết.
- Hì hì
Cháu còn biết hơn thế kia. Nhà mình ở đầu nguồn vẫn có nhiều gà. Gà bà thả, bà cho ăn lúa ngâm muối. Cái miếng mặn giữ gà.
- Con có biết ông bà ta từ xưa có tục lệ cúng kiếng lễ vật gà thì phải là gà nhà? Nếu mua chợ thì mua sớm, về nuôi thả đất nhà cho ăn một vài ngày thành gà nhà. Cặp gà này nuôi ít bữa cứng cáp bà cháu đem về quê thả, sau này nó lớn, o ó o cục tác ông nghe.
- Con thấy bà nội lo cúng ông nội vất vả à.
- Con. Cúng kiếng mà nói vất vả.
- Dạ bà nội! Bà cúng cơm đúng ngày ông nội ra đi theo lịch dưới(1) vẫn chưa hẳn trúng cảnh ông nội về cõi thiên thu. Con nghe cha con nhắc ngày đó con nước đổ giựt, nội té đầu đập be ghe. Bà nội à! Cái tiết nước nổi không trùng giờ trùng ngày hằng năm, không hẳn theo bài tính âm lịch đâu. Năm nay, con cùng bà nội bày mâm cơm cúng ông đúng ngày đúng giờ nước đổ nha bà.
- Làm sao lo được vậy?
- Dạ! Có lịch dự báo thời tiết, dự báo thủy văn từ đầu nguồn Mê Công tới cửa Cửu Long. Con coi rồi tính ra lúc nước đổ ở khu nhà nội.
Bà nội rưng rưng, cúng giỗ lối đó dậy linh đường nước.
Cháu chạy ghe máy đưa bà nội về đầu nguồn thắp nhang ông nội. Kim tĩnh xây bia đá bát nhang đặt cao trên nước nổi mênh mông. Bà bày lễ chậm chậm, đốt nhang xá. Ba cây nhang cháy phân nửa mà bài khấn vẫn còn dài dài
Sau những lời nhắc nhớ những con gà, bà cắm nhang. Công chỉ chờ có vậy là mở laptop. Tiếng gà! Tiếng gà con líp nhíp. Tiếng gà mẹ gọi cục cục. Tiếng gà trống ò ó o, te te te. Thằng nhỏ ngày đầy tuổi tôi lựa cái hột gà, cháu đích tôn. Bây giờ ra cái màn hình laptop lung linh hình ảnh những gà là gà, đủ các loại gà của trời đất. Gà tàu, gà xiêm, gà tre, gà ác
Ai da! Gà công nghiệp chăn nuôi hiện đại. Chăn nuôi vầy thì không cực, không phải lo âu tính nước nổi nước sát à.
Nước đổ ào ạt.
Sóng duềnh lên vỗ kim tĩnh, nâng ghe máy.
Nước tung hoa sóng ào ạt.
Trầm nhang ngào ngạt. Khói trầm vương vương trước màn hình laptop. Bao nhiêu là gà vỗ cánh vươn cổ gáy vang vang.
TP Cần Thơ 14-10-2015
...................
(1) Lịch dưới Âm lịch.