08/01/2013 - 21:19

Chống ngập cho các thành phố ở vùng ĐBSCL

Nước đã đến chân…

Đường Quang Trung, quận Ninh Kiều ngập sâu sau một cơn mưa. Ảnh: THU HOÀI 

Hiện nay, nhiều thành phố vùng ĐBSCL như ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Mỹ Tho, Long Xuyên... bị ngập úng vào mùa mưa lũ, triều cường. Tình trạng ngập úng xảy ra ngày càng gia tăng và trên diện rộng. Giải pháp chống ngập căn cơ ban đầu đã có, nhưng việc thực hiện vẫn đang chờ...

Không mưa: Đô thị cũng ngập

Hệ thống đô thị vùng ĐBSCL được định hướng phát triển thành mạng lưới đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, dịch vụ; tạo mạng lưới liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ, khu vực biển Đông, biển Tây, khu vực biên giới thông qua hệ thống giao thông thuận lợi. Đến năm 2020, diện tích đất xây dựng đô thị của vùng khoảng 110.000 ha, dân số khoảng 7,2 triệu người và tầm nhìn đến năm 2050, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 330.000 ha, dân số 21 triệu người. Tuy nhiên, các đô thị ở vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt vào mùa mưa lũ, triều cường…

Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, hằng năm, vào mùa mưa, từ tháng 9 đến tháng 11 nhiều thành phố vùng ĐBSCL bị ngập úng, như ở Cần Thơ ngập triều cường với độ sâu ngập phổ biến từ 0,3-1,5 m và thời gian ngập 2 - 6 tháng. Các khu vực ngập sâu là Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, vùng ngập triều cường kết hợp với  mưa là khu vực nội ô TP Cần Thơ. Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, năm 2000, Cần Thơ chỉ có một vài vùng ven bị ngập dưới 30 cm, nhưng đến mùa mưa lũ năm 2008 đã có hơn 80% diện tích thành phố bị ngập, nhiều khu vực ngập sâu 0,5 m. Năm 2010, TP Cần Thơ có 41/81 tuyến đường tại trung tâm TP bị ngập lụt do triều cường, trên 10 tuyến đường ngập nước mưa, nơi ngập sâu trên 30 cm và tình trạng này tiếp tục nghiêm trọng hơn vào năm 2011 và 2012 khi có những khu vực như bến Ninh Kiều, Trung tâm Thương mại Cái Khế ngập sâu gần 1m…

Tại TP Cà Mau, ngập úng xảy ra trên một số tuyến đường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Trường, Lê Lai, Hùng Vương ngập 5-10cm khi không mưa và 25-35cm khi mưa lớn, thậm chí ngập sâu 35-40 cm với những trận mưa lớn kéo dài. Tình trạng ngập úng cũng xảy ra ở TP Vĩnh Long với gần như toàn bộ các phường trung tâm của thành phố này đều bị ngập 10-40cm. Ngoài 3 thành phố nói trên, trong thời điểm những tháng cuối năm 2011 và 2012, nước lũ kết hợp triều cường và mưa đã gây ngập úng nghiêm trọng cho nhiều thành phố khác ở vùng ĐBSCL như Long Xuyên, Cao Lãnh, Mỹ Tho, Bạc Liêu gây khó khăn cho giao thông đi lại, sinh hoạt, mua bán của người dân…

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cho rằng: "Có 5 nguyên nhân chủ yếu gây ngập úng các thành phố ở vùng ĐBSCL trong đó có tác động của con người". Kết quả khảo sát cho thấy ngập lụt các đô thị do lũ thượng nguồn sông Mekong kết hợp triều cường gây ngập sâu trên diện rộng đều trùng thời điểm lũ trên sông đạt đỉnh lũ và triều cường lớn nhất; ngập do mưa cường suất lớn, kéo dài, như kết quả điều tra ngập khu vực nội đô TP Cần Thơ (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng) năm 2010 có 93 điểm ngập trong đó ngập do mưa chiếm 20%, ngập do mưa, triều cường chiếm 49% và mưa, triều cường cộng với lũ chiếm 31%; ngập do thiếu hệ thống tiêu thoát nước, trong đó hệ thống tiêu thoát nước các thành phố do hầu hết được xây dựng trên nền các đô thị cũ nên chưa hoàn chỉnh và còn nhiều hạn chế; hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh; quá trình xây dựng đô thị, cải tạo đô thị. Trong đó, quá trình đô thị hóa đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực, san lấp làm giảm các khu trữ nước tự nhiên. Ở nội thành, phần lớn bề mặt đất bị bê tông hóa, nhựa hóa, xây dựng nhà, do vậy, khi mưa xuống, hầu như toàn bộ lượng nước mưa đều tập trung thành dòng chảy mặt, không thể thấm xuống đất hoặc trữ lại để giảm bớt lượng dòng chảy tập trung. Thêm vào đó, khả năng tiêu thoát hạn chế của hệ thống tiêu thoát nước nên hiện tượng ngập úng dễ dàng xảy ra.

KTS Trần Văn An, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch TP Cần Thơ cho rằng, ngập úng tại khu vực trung tâm TP Cần Thơ bắt nguồn từ việc cốt cao độ xây dựng của thành phố còn quá thấp. Từ đó dẫn tới việc tiêu thoát nước kém và chỉ cần mưa kéo dài khoảng 2-3 tiếng đồng hồ là hàng loạt tuyến đường nội ô ngay lập tức bị ngập sâu 20- 30cm, thậm chí có nơi ngập 50cm. Do vậy, các giải pháp chống ngập cho đô thị cần áp dụng cả công trình và phi công trình.

Chống ngập: "cứng" và "mềm"

Với TP Cần Thơ, ông Nguyễn Xuân Hiền – Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng: "Chống ngập cho TP Cần Thơ phải nằm trong tổng thể quy hoạch phòng chống lũ của ĐBSCL. Và chỉ chống ngập triệt để cho các đô thị lớn tập trung, các khu dân cư phân bố riêng lẻ và KCN tập trung phải được nâng cao độ nền". Các giải pháp công trình thủy lợi là cống, đê ngăn triều, nạo vét kênh. Còn đối với tiêu thoát nước mưa, khả năng chuyển tải nước của hệ thống cống thoát nước đô thị sẽ quyết định tình trạng tiêu thoát nội thị. Vì vậy, đầu tư xây dựng các trạm bơm tiêu nước tập trung hỗ trợ khi có mưa lớn trùng với thời gian lũ, triều cường là rất cần thiết đồng thời với việc nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa đô thị... Giải pháp phi công trình như lưu giữ, trì hoãn, vùng đệm và đất ngập nước. Trong thực hiện quy hoạch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa xây dựng và thủy lợi, giao thông để công trình phát huy hiệu quả cao. Trên cơ sở quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, ngành xây dựng cần tiến hành quy hoạch cao trình san nền, nâng cấp, xây mới mạng lưới tiêu thoát nước mưa, nước thải đô thị tạo thành thể thống nhất. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, hệ thống đô thị vùng ĐBSCL được định hướng phát triển thành mạng lưới đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp, các trung thương mại, dịch vụ. Vào mùa lũ hằng năm, ngoài các đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh thường xuyên ảnh hưởng bởi ngập lũ, sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên có nguy cơ bị ngập trên 1m, trong đó nghiêm trọng nhất là 2 thành phố Cần Thơ và Vĩnh Long.

KTS Trần Văn An, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch TP Cần Thơ đề xuất, để chống ngập hiệu quả thì cần phải nâng cốt cao độ xây dựng lên là giải quyết được vấn đề. "Như đường Ngô Hữu Hạnh – nằm ngay trung tâm thành phố, trước đây ngập rất nặng, nhưng từ khi nâng cấp lên thì không xảy ra ngập. Còn làm đê và cống ngăn triều, lũ thì chỉ nên thực hiện ở các vùng nông thôn, ngoại thành. Chứ khu vực đô thị giải pháp tốt nhất vẫn là nâng cốt cao độ xây dựng" – KTS An nói.

Trước diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu và tình hình nước biển dâng thì về mục tiêu lâu dài, thành phố Vĩnh Long sẽ cùng với 5  địa phương khác là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Cà Mau được trung ương đầu tư dự án chống ngập. Dự án này do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đã đề xuất áp dụng tổng hợp các biện pháp công trình và phi công trình, kết hợp xây dựng, cải tạo cống, van, đê bao ngăn triều, nạo vét kênh tiêu, các khu trữ nước, xây dựng quy trình quản lý vận hành hợp lý,… Theo phương án được chọn thì toàn bộ vùng trung tâm TP Cần Thơ được bao thành ô riêng biệt với hệ thống đê và cống ngăn triều cường, lũ và hệ thống bơm tiêu thoát nước. Tuy nhiên, hiện dự án này với số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng và đang chờ kinh phí hỗ trợ từ Trung ương.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết