24/08/2017 - 21:02

Nụ cười anh Chuối

Người đàn ông tật nguyền suốt hơn 10 năm qua vẫn rong ruổi khắp phố phường Cần Thơ để bán vé số. Ế ẩm, nắng mưa, bệnh tật… nhưng lúc nào anh vẫn cười tươi trên gương mặt tật nguyền nhưng lành lặn lạc quan. Đó còn là nụ cười của sự thảo hiền, của nghĩa trọng tình thâm.

 Mẹ con anh Chuối. Ảnh: DUY KHÔI

Anh là Nguyễn Văn Sang, 47 tuổi, ngụ khu vực Thạnh Hòa, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Nhưng mọi người quen gọi anh là anh Chuối.

Dì Nguyễn Thị Thông (dì Hai Thông)- mẹ anh, kể, hồi xưa anh Chuối bụ bẫm, mập tròn “như trái chuối” nên biệt danh có từ đó. Nhưng rồi từ năm 6 tuổi, anh Chuối bị sốt bại liệt, động kinh nên tới giờ này đã gần nửa đời người, anh sống với gương mặt nghiêng về một bên, phát âm rất khó, tay chân co quắp, yếu ớt.

Anh Chuối là anh lớn, sau anh còn có 2 hai em gái, người đổ vỡ hôn nhân, người có gia đình riêng nhưng đều nghèo, sống cảnh làm thuê vác mướn nên không thể giúp gì cho mẹ. Hơn chục năm trước, thấy mẹ già phải một mình thức sớm nấu bún bán cực khổ, nhà thiếu trước hụt sau, anh Chuối xin mẹ đi bán vé số.

Vậy rồi hình dáng anh vẫn khó nhọc rảo quanh các cung đường, con hẻm của thành phố để bán sự rủi may cho bao người. 5 giờ sáng hành trình ấy bắt đầu, khi trời sập tối anh mới về tới nhà, bán được 100 tờ vé số. Số tiền lời anh dành chút đỉnh mua quà bánh cho đứa cháu con cô em Út, còn bao nhiêu đưa hết cho mẹ.

Khi tấm ảnh của bài viết này đăng lên, chắc hẳn nhiều người sẽ nhận ra anh và đồng ý rằng, anh là người có đầy lòng tự trọng. Mỗi buổi sáng trước khi đi bán, anh tự mình cạo râu nhẵn nhụi, quần áo dù cũ rách nhưng chỉnh tề, sạch sẽ. Anh chẳng bao giờ lấy ngoại hình không lành lặn mà nài ép hay xin người khác rủ lòng thương. Nói ra một tiếng đã rất khó khăn, nhưng ai mua vé số, dù ít hay nhiều, anh vẫn cố nói cho được hai tiếng: “Cám ơn!”.

Thế nên, với nhiều người, anh Chuối không chỉ là người bán vé số mà còn là người quen, là câu chuyện mà họ hay kể với nhau về chữ hiếu. Cô Nguyễn Thị Nga, khách quen của anh Chuối, nói: “Chuối dễ thương lắm, thương mẹ nữa. Đâu phải ai cũng được vậy”.

Hai tháng nay dì Hai Thông bị bệnh nặng, giờ xuất viện về mà người vẫn yếu ớt, nằm li bì chẳng thể bán buôn. Đó là thời gian lối xóm thấy anh Chuối buồn, chẳng còn cười rộn như trước. Xin kể lại đoạn đối thoại giữa tôi và anh: “Anh ước mơ nhất là điều gì?”- “Mẹ khỏe!”; “Anh sợ nhất điều gì?”- “Mẹ chết!”; “Anh có nói với mẹ anh thương mẹ không?”- anh lắc đầu rồi chỉ vào ngực trái “Để đây!”.

Và dường như chưa thể nói hết những gì anh nghĩ, anh Chuối lấy cuốn sổ của tôi mà viết dòng này, rõ đẹp và rạch ròi như tấm lòng anh vậy: “Mẹ là nhất ở trên đời!”.

Dì Hai Thông kể, đi bán về là anh cầm tay mẹ bóp bóp, xoa xoa, dì hiểu ý anh muốn hỏi thăm mẹ. Dì chỉ cần nói: “Bữa nay mẹ khỏe, Chuối bán được hôn?” là anh cười tươi như quên hết mọi muộn phiền. Dì Hai chỉ vào ngôi nhà đơn sơ nhưng đủ che mưa nắng nói, phần lớn là do tiền anh Chuối bán vé số cất nên, phần còn lại do con gái thứ ba đóng góp.

Câu chuyện mà tôi kể còn có tấm lòng của người mẹ. Dì Hai Thông chưa bao giờ mặc cảm vì con mà luôn tự hào vì anh Chuối luôn thảo hiếu với mẹ. Với dì, anh Chuối luôn lành lặn và đẹp đẽ như bao người trên đời này. Bệnh tật, tuổi già bủa vây, dì sợ nói ra anh Chuối sẽ buồn nên vẫn cố gượng làm vui.

Giọng nói của anh Chuối khó nghe nhưng anh nói tiếng nào, thậm chí chỉ mới chuẩn bị nói, dì Hai đã hiểu và nói giùm liền. Mới hay, đâu ai hiểu con bằng tấm lòng người mẹ.

Giữa xô bồ cuộc sống, câu chuyện của anh Chuối nhỏ thôi nhưng thật ấm lòng về cách sống, sự lương thiện và nghị lực của một con người. Mẹ xoa đầu con trai tóc đã lún phún muối tiêu, con trai xoa bóp bàn tay hằn những nhọc nhằn của mẹ, mẹ con cười tươi như đời này chưa từng khó nhọc, là hình ảnh nhân văn và ấm áp.

Lại nghĩ về nụ cười anh Chuối, anh không đi xin tình thương của người đời mà khiến nhiều người phải nhìn lại cách sống, cách yêu thương của mình.

Nụ cười anh Chuối đẹp biết bao!l

ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết