08/06/2013 - 08:21

NSA lại gây “chấn động” giới thông tin trực tuyến Mỹ

Hôm 6-6, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) lại bị dội "gáo nước lạnh" khi hãng tin Anh Guardian và tờ Bưu điện Washington của Mỹ phanh phui những bằng chứng cho thấy NSA đã trực tiếp "móc nối" với Facebook, Google cùng 7 "ông lớn" khác trong lãnh vực Internet để thu thập dữ liệu khách hàng của các hãng này.

NSA và PRISM

Theo Guardian và Bưu điện Washington, trong tay họ đang có bản trình chiếu PowerPoint bí mật dài 41 trang về một chương trình có tên PRISM do NSA điều hành và phối hợp cùng 9 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu của Mỹ. PRISM được cho là công cụ để NSA thu thập gần như không giới hạn lượng thông tin khách hàng của các hãng công nghệ trên, từ nội dung email, hình ảnh, tài liệu, các đoạn chat cũng như cả tài khoản trên mạng xã hội, mà không cần hỏi ý kiến các nhà cung cấp hay phải trình yêu cầu của tòa án.

Tiết lộ của Guardian và Bưu điện Washington cho thấy PRISM khởi đầu từ năm 2007 với tập đoàn Microsoft, tiếp theo là Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, Youtube, Skype và AOL. Cuối cùng, Apple "gia nhập" vào danh sách trên hồi tháng 10-2012.

 Một trang trình chiếu về chương trình PRISM của NSA mà Guardian có được.  Ảnh: Guardian

Vụ việc trên được phanh phui chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi một báo cáo khác cũng của Guardian chỉ ra rằng Chính phủ Mỹ, cụ thể là NSA đã theo yêu cầu tòa án tiến hành thu thập thông tin từ hàng triệu cuộc điện thoại của công ty viễn thông Verizon trong suốt 7 năm. Tuy nhiên, không giống như trường hợp Verizon bị ép buộc cung cấp thông tin, chương trình PRISM dường như cho phép NSA "tự do" lục soát mạng lưới và tiếp cận nội dung của các tài khoản trực tuyến của các gã khổng lồ Internet vào bất cứ thời điểm nào.

Báo Bưu điện Washington cho rằng PRISM được tạo nên từ chương trình bí mật vốn theo dõi các thông tin viễn thông dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush sau đó được duy trì sang thời Tổng thống Obama. Và do 9 hãng Internet kể trên chứa lượng dữ liệu liên lạc trực tuyến khổng lồ trên toàn cầu, PRISM nhắm vào mục đích gián điệp tình báo nước ngoài và những nghi can khủng bố.

Theo Guardian, trong tất cả các công cụ được tình báo Mỹ triển khai, PRISM là một chương trình được trích dẫn "thường xuyên nhất" trong những báo cáo cho Tổng thống Obama vào mỗi buổi sáng và là nguồn "dữ liệu tình báo lớn nhất" của NSA. Mỗi tháng có khoảng 2.000 báo cáo dựa trên PRISM được phát hành và hiện có tổng cộng hơn 77.000 báo cáo được trích dẫn trong chương trình PRISM, theo NSA.

Tuy nhiên, do quy mô của PRISM quá lớn nên không tránh khỏi việc bị người dân Mỹ chỉ trích là theo dõi họ, xâm phạm quyền tự do công dân. NSA bị cho đã nhúng sâu vào cơ chế của các công ty Mỹ với hàng trăm triệu tài khoản là công dân xứ cờ hoa.

Trước những thông tin trên, nhiều thành viên cấp cao thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã lên tiếng bảo vệ chương trình giám sát PRISM. Giám đốc Tình báo Quốc gia James R. Clapper cho rằng PRISM là một phần thông tin tình báo nước ngoài quan trọng nhất được sử dụng để bảo vệ quốc gia từ hàng loạt mối đe dọa khủng bố rộng lớn.

Đồng loạt phủ nhận

Ngay sau khi thông tin trên được phanh phui, các công ty có liên quan đã đồng loạt lên tiếng phủ nhận việc cung cấp dữ liệu khách hàng cho NSA theo cách "tiếp cận trực tiếp" thuộc chương trình thu thập thông dữ liệu PRISM.

Trong một tuyên bố, Google nhấn mạnh: "Mọi người cáo buộc chúng tôi mở cửa hậu cho chính phủ tiếp cận máy chủ và thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, nhưng Google không hề hành động như thế".

Trong khi đó, Microsoft khẳng định họ không dính líu gì đến hoạt động thu thập dữ liệu của chính phủ, nhưng "có thể chỉ tuân theo những yêu cầu về một số tài khoản hay cá nhân cụ thể". Apple và Facebook cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết