12/07/2013 - 09:09

GIÁ PHÂN BÓN GIẢM

Nông dân vẫn chưa được hưởng lợi

Nông dân chọn mua phân bón tại cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng.

Sau một thời gian tăng lên ở mức cao, giá nhiều loại phân bón đang giảm nhẹ trở lại. Nguồn cung dồi dào, sức mua đang giảm, nhiều khả năng giá phân bón còn tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng nông dân chưa được hưởng lợi vì đã vào cuối vụ sản xuất, thị trường không còn “nóng” nữa…

Giá giảm, nhưng vẫn ở mức cao

So với cách nay hơn 1 tuần, giá hầu hết các loại phân bón như: DAP, Urê, NPK và Kali… đã giảm từ 10.000-25.000 đồng/bao 50kg. Dù vậy, giá bán các loại phân bón đến tay người tiêu dùng vẫn còn khá cao. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, phân Urê Phú Mỹ được bán với giá 510.000-515.000 đồng/bao 50kg (tiền mặt), Urê Ninh Bình: 490.000-500.000 đồng/bao, Urê Cà Mau (Đạm Cà Mau):  470.000-480.000 đồng/bao. Nhiều loại phân Urê nhập khẩu từ Trung Quốc đang ở mức 480.000-500.000 đồng/bao (tiền mặt). Phân DAP Philippines tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp giá từ 758.000-760.000 đồng/bao (tiền mặt); DAP Trung Quốc (loại hạt xanh): 700.000-710.000 đồng/bao; phân NPK 20-20-15 Đầu Trâu của Nhà Máy Bình Điền loại cấp cao khoảng 750.000-755.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu Trâu loại thường: 720.000 đồng/bao (tiền mặt)… Nếu nông dân mua đến cuối vụ mới trả, nhiều cửa hàng kê giá lên thêm khoảng 40.000 đồng/bao đối với phân Urê và 50.000 đồng/bao đối với các loại phân DAP và NPK.

Mặc dù giá phân bón giảm, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa vui vì mức giảm chưa đáng kể. Hơn nữa, giá giảm vào thời điểm gần cuối vụ sản xuất nên nông dân không được hưởng lợi nhiều. Lúa thu đông 2013 đã bón 2-3 đợt phân, chỉ bổ sung thêm 1-2 đợt nữa là kết thúc mùa vụ. Theo nhiều nông dân ở TP Cần Thơ, do phải mua phân bón giá cao ở đầu vụ, hiện nay giá có giảm nhưng vẫn cao nên giá thành sản xuất vụ lúa thu đông 2013 vẫn cao như vụ hè thu (khoảng trên dưới 2,5 triệu đồng/công). Trong khi giá lúa gạo và nhiều loại nông sản bấp bênh, nông dân lo ngại cho đầu ra của vụ lúa thu đông.

Ông Lê Hữu Hậu, ngụ phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Đầu vụ sản xuất lúa thu đông, tôi mua phân Urê nợ của cửa hàng, giá 550.000 đồng/bao, còn DAP 800.000 đồng/bao. Giá phân bón giảm chỉ 10.000-20.000 đồng/bao, 30 công lúa của tôi đã bón phân được 3 đợt, chỉ còn bón lót thêm một đợt nữa với số lượng không đáng kể. Nếu giá giảm ngay đầu vụ thì nông dân mới có lợi”.

Khả năng giá còn giảm?

Theo nhiều chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại TP Cần Thơ, giá phân bón giảm do nhu cầu thị trường tại ĐBSCL giảm, trong khi nguồn cung đang dồi dào và có sự cạnh tranh gay gắt về giá của nhiều nhãn hàng phân bón trên thị trường. Ngoài ra, giá phân bón trong nước còn được hỗ trợ giảm giá bởi nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu dư thừa. Tuy nhiên, mức giảm trong nước còn chậm, do trước đó nhiều cửa hàng kinh doanh đã nhập hàng với giá cao, nên cố “kiềm giá” tránh lỗ. Dự đoán, tới đây giá nhiều loại phân bón còn tiếp tục giảm.

Ông Nguyễn Phú Quốc, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Phú Quốc ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho rằng: “Các tháng tới đây, giá nhiều loại phân bón trong nước sẽ giảm, do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ giảm mạnh khi ĐBSCL đã vào cuối vụ sản xuất lúa thu đông và bước vào mùa nước lũ 2013. Khoảng cuối tháng 8 và bước sang đầu tháng 9, sức tiêu thụ phân bón tăng trở lại, giá phân bón mới có khả năng phục hồi”. Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, giá nhiều loại phân bón giảm, do cầu thị trường giảm và diện tích gieo sạ vụ thu đông cũng giảm so với vụ thu đông năm trước.

Giá phân bón trong nước tăng, giảm theo giá thế giới và còn chịu sự chi phối rất lớn từ các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón trong nước. Các loại phân bón sản xuất trong nước có thể đảm bảo nhu cầu nội địa, 4 nhà máy sản xuất phân Urê trong nước, gồm: Đạm Phú Mỹ, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và Đạm Cà Mau có thể đạt tổng công suất trên 2,3 triệu tấn/năm, đảm bảo nguồn cung nội địa, thậm chí dư để xuất khẩu. Thế nhưng, các vụ sản xuất lúa gần đây, giá các loại Urê trong nước thường xuyên bất ổn, tăng khi bước vào vụ sản xuất và giảm vào cuối vụ. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu phân bón trong nước đều kinh doanh theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” nên giá phân bón rất dễ bị đẩy lên cao một cách bất hợp lý khi đến tay người tiêu dùng do phải qua nhiều tầng nấc trung gian. Doanh nghiệp cho rằng họ bán với giá hợp lý, giá đến tay người tiêu dùng cao là do các cửa hàng bán lẻ nâng giá lên. Các cửa hàng bán lẻ lại viện dẫn lý do là cửa hàng không được mua hàng trực tiếp từ công ty, phải thông qua các đại lý cấp 1, cấp 2 của công ty nên giá bị đẩy lên cao. Rõ ràng thị trường phân bón trong nước đang tồn tại những bất cập trong khâu phân phối, lưu thông. Vấn đề này cần sự nhập cuộc của các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả để nông dân an tâm sản xuất.

Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết