23/03/2011 - 21:15

Nông dân Trung Quốc lên Internet bán rau cải

Ảnh: photographersdirect.com

Mấy năm trước, Wang Yulan và chồng cô thường lái xe 3 bánh đến một chợ trời gần Thủ đô Bắc Kinh để bán bông cải xanh, tiêu, cà tím và cà chua được trồng trên miếng đất nhỏ của họ. Nhưng hiện nay, nhờ có web, gia đình nông dân này thậm chí không phải rời khỏi phòng khách.

Cách đây hai năm, họ đã mua một chiếc máy tính và tham gia cùng nhóm nông dân Trung Quốc bán sản phẩm trực tuyến. Internet giúp họ dễ dàng tiếp cận khách hàng và gia tăng mức thu nhập nhỏ nhoi của họ. Wang, 55 tuổi, cho biết một thị trường rộng lớn được mở ra khi bà ngồi sử dụng máy tính. Bà thường đăng nhập vào trang web buôn bán nông sản aptc.cn với sự giúp đỡ của đứa cháu gái. Cũng theo bà, Internet mang đến rất nhiều thuận tiện, trước tiên khách hàng sẽ đặt hàng, nông dân chỉ việc chuẩn bị hàng hóa, và khách hàng sẽ cho xe tải đến nơi để chở hàng. Kể từ khi Wang và chồng bà là Liu Shujin, 66 tuổi, bắt đầu bán rau cải trên mạng, thu nhập của họ đã tăng hơn gấp đôi lên khoảng 3.000-4.500 USD (60-90 triệu đồng)/năm và cuộc sống trở nên khấm khá hơn nhiều. Wang, người bị suy nhược đầu gối trong 30 năm qua, cho biết thêm vợ chồng bà hiện đã nghỉ ra ngoài bán rau cải và chỉ ngồi ở nhà.

Hoàn cảnh của hàng triệu nông dân Trung Quốc, có mức thu nhập thấp hơn rất nhiều so với người dân thành thị, đã rất được chú trọng trong chương trình nghị sự của kỳ họp quốc hội hàng năm của Trung Quốc vừa kết thúc hồi đầu tuần trước. Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lo ngại về khoảng cách giàu nghèo gia tăng có nguy cơ gây bất ổn xã hội, đã cam kết thúc đẩy phát triển ở khu vực nông thôn và cải thiện thu nhập của nông dân. Theo các thống kê chính thức, thu nhập nông thôn trung bình đạt 900 USD (khoảng 18 triệu đồng)/người/năm trong năm 2010, thấp hơn rất nhiều so với mức thu nhập đô thị là 3.045 USD (khoảng 61 triệu đồng)/người/năm. Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói với hãng tin AFP rằng chính phủ sẽ bắt đầu tập trung tăng thu nhập cơ bản cho người thu nhập thấp ở cả thành thị và nông thôn.

Hồi năm 2006, công ty nhà nước China Mobile đã tung ra Nongxintong, hay Dịch vụ thông tin của nông dân, cung cấp giá cả thị trường kịp thời, dự báo thời tiết và chính sách của chính phủ qua tin nhắn di động, đường dây nóng điện thoại và web. Dịch vụ cũng cho phép nông dân, như Yang He ở tỉnh An Huy, quảng cáo sản phẩm của mình trên Internet. Yang, làm nghề trồng hoa, cho biết dịch vụ này rất rẻ, chỉ vài nhân dân tệ/tháng, người nông dân chỉ việc gởi một tin nhắn cho trang web China Mobile ở An Huy, và sau đó tin nhắn của họ sẽ được đăng trên bảng tin rao vặt về nguồn cung và nhu cầu. Nếu ai đó đọc được tin nhắn này, họ sẽ liên hệ với người nông dân. Liu Jing, quản lý dự án Nongxintong, cho hay dịch vụ rẻ và tiện dụng này, chỉ tốn của nông dân 2 nhân dân tệ (khoảng 6.000 đồng)/tháng, đã thu hút được 3 triệu thuê bao chỉ riêng ở thành phố Trùng Khánh.

Hồi tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và China Mobile để hợp tác phát triển hạ tầng thông tin cho thương mại nông thôn. Theo các nhà phân tích, trong khi nông dân nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm, công nghệ điện thoại di động và Internet có thể giúp họ rất nhiều trong việc tiếp cận thị trường, nơi mà sản phẩm của họ có nhu cầu cao. Ren Xianfang, nhà phân tích của IHS Global Insight, nhận định nếu chính phủ cung cấp thông tin nhiều hơn, thị trường sẽ hoạt động hiệu quả hơn và có thể giúp giảm áp lực lạm phát. Không có những thông tin này, người nông dân sẽ không biết nơi để cung cấp sản phẩm của họ. Wang cho biết, trước đây, việc bán rau cải rất khó khăn. Nếu không thể bán hết, rau cải sẽ bị thối và phải bỏ đi một cách lãng phí. Từ khi có Internet, mọi chuyện đã tốt hơn rất nhiều.

Khôi Minh (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết