05/01/2008 - 10:17

Nơi mùa xuân đến sớm

Cùng với làng hoa Sa Đéc ở tỉnh Đồng Tháp, những ngày này đi đến đâu trong làng hoa kiểng Chợ Lách của tỉnh Bến Tre cũng bắt gặp không khí lao động thật nhộn nhịp của các nhà vườn. Từ những nghệ nhân cho đến những người lao động giản đơn, ai nấy đều chăm chút trong từng tác phẩm của mình, với mong muốn góp thêm thật nhiều hương sắc cho mùa xuân.

Chợ Lách được biết đến như một “thánh địa” của nhiều loại cây giống. Xứ sở này còn nổi tiếng xưa nay với làng hoa kiểng Cái Mơn. Làng Cái Mơn cách trung tâm huyện Chợ Lách chừng hơn 10 km, nằm cặp theo tuyến Quốc lộ 57, gồm các xã như: Vĩnh Thành, Tân Thiềng, Long Thới, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung và Vĩnh Hòa.

Theo các vị lão làng nơi đây, các loại hoa kiểng cùng nhiều loài cây giống xuất hiện ở đây đã rất lâu. Theo nhu cầu của thị trường, những sản phẩm hoa kiểng cũng được nhà vườn nơi này cải tiến dần cho phù hợp với thị hiếu khách hàng. Nếu như hơn 30 năm trước Cái Mơn được biết đến với nhiều loài hoa, thì về sau này cây kiểng đã phát triển rất mạnh với đa dạng bonsai, mai vàng, mai chiếu thủy, tắc, cây xanh phục vụ công trình... Nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là các loại kiểng thú. Nhiều nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư vài ha đất để kinh doanh hoa kiểng cho thu nhập khá cao.

  Một vườn cúc mâm xôi ở làng hoa kiểng Cái Mơn.
Theo kỹ sư Lê Văn Đơn, Phó phòng Kinh tế huyện Chợ Lách, trung bình hàng năm hơn 6.000 hộ dân thuộc các xã của làng hoa kiểng Cái Mơn đã sản xuất ra từ 5 - 6 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại (chưa kể các loại kiểng phục vụ công trình). Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, ngày nay nhiều thương lái còn mang hoa kiểng Cái Mơn đến các nước châu Âu, châu Á... để đem về ngoại tệ giá trị cao cho đất nước.

Ông Phan Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành (nơi được xem như trung tâm của làng hoa kiểng Cái Mơn), cho biết: để chuẩn bị cho mùa hoa kiểng Tết Mậu Tý, hơn hai tháng nay 2.700 hộ dân trong xã đã vào giai đoạn “chạy nước rút”. Có nhà vườn lo vô chậu tắc, có nhà thì tập trung cho những giàn cúc mâm xôi xanh mướt, người thì bước vào công đoạn thúc nước cho vườn mai nhà mình kịp sung sức trước khi thay toàn bộ những chiếc lá xanh um bằng những cánh mai vàng rực rỡ...

Nhưng ấn tượng nhất là những vườn kiểng thú được bày biện khá hoành tráng. Tại nhà vườn nghệ nhân Năm Công, ở ấp Phú Long, có đến 10 người lao động tất bật bên những chú voi to đùng đang được hoàn thiện từ những chiếc khung kẽm uốn sẵn. Tại đây, các nghệ nhân còn chuẩn bị cho ra mắt dòng chữ “HTX Hào Quang” cho một khách hàng ở TP Hồ Chí Minh. Mỗi chữ cái có chiều cao gần 4 mét, rộng 2,5 mét, được kết dính lại từ hơn 70 cành cây si.

Anh Nguyễn Quang Trường, ở ấp Vĩnh Bắc, người có thâm niên hơn 10 năm chuyên trồng mai ghép của xã Vĩnh Thành, sau khi hướng dẫn khách tham quan một vòng trong chu vi rộng khoảng 3 công đất với hơn 1.500 gốc mai vàng lớn nhỏ, anh nói vui: “Nhờ trời phú cho vùng đất này quanh năm nước ngọt, nên đa số người dân ở đây sống được từ nghề trồng hoa kiểng và các loại cây giống. Có gia đình mỗi năm thu về hàng tỉ đồng. Nhà cửa khang trang, xóm làng đổi mới cũng nhờ vào nghề này”.

Theo các nhà vườn ở làng hoa kiểng Cái Mơn, năm nay diễn biến thời tiết khá thuận lợi cho hoa kiểng ở đây. Tuy nhiên, do một số mặt hàng trên thị trường có biến động giá, dẫn tới chi phí đầu tư cho hoa kiểng năm nay tăng hơn mọi năm, nhưng không đáng kể. Tất cả đang hướng tới một vụ mùa bội thu.

Nắng chiều nhè nhẹ lan trên từng nhành cây ngọn cỏ ở làng hoa kiểng Cái Mơn, hòa theo nhịp lao động thật hối hả của các nhà vườn, thoang thoảng đâu đó mùi hương của hoa... Xuân Mậu Tý 2008 đang đến thật gần với người dân nơi đây.

Bài, ảnh: BÁ THI

Chia sẻ bài viết