14/08/2024 - 09:01

Nỗi lo sụt lún đất tràn lan ở ÐBSCL 

Gần đây, hiện tượng sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau và Kiên Giang diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó có những khu vực bị sụt lún nghiêm trọng, chưa thể khắc phục, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Sụt lún nghiêm trọng trước cổng trường, rất nguy hiểm cho học sinh và giáo viên trên địa bàn xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: PHÚ HỮU

Thiệt hại nặng nề

Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, có khoảng 660 vị trí sụt lún đất, với chiều dài hơn 17km, thiệt hại ước tính khoảng 26 tỉ đồng. Bà Hồ Kiều Ngân (57 tuổi, ở ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cho biết khu vực này có hơn 20 điểm sạt lở, sụt lún, có chỗ bị sụt lún sâu 2-3m, tất cả đều xảy ra vào ban đêm nên rất nguy hiểm.

“Tuyến đường này vừa được nâng cấp rộng 3m chưa được 1 năm, thì nay đã bị sụt lún nghiêm trọng. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đến khảo sát nhiều lần nhưng việc khắc phục chưa triệt để. Hiện tại đang vào mùa mưa nên việc đi lại của người dân rất khó khăn, trong khi thương lái đến mua nông sản cũng khó lưu thông được bằng xe 4 bánh, thế là nông dân phải vận chuyển ra ngoài bằng xe 2 bánh, tốn kém công sức và chi phí” - bà Ngân than.

Cùng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Minh Ðức (63 tuổi, ở ấp Bảy Ghe, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) cho biết sụt lún diễn ra nhanh chóng, không ai hay. Ðoạn đường trước nhà ông cũng là lộ đal vừa mới được nâng cấp rộng 3m chưa bao lâu thì xảy ra sụt lún làm hư tràn lan. Thế là gia đình ông bỏ tiền ra thuê xe cuốc múc đất ruộng để lấp vào khoảng đất bị sụt lún nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Còn ở ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, cũng xuất hiện nhiều vị trí sụt lún hàng trăm mét, làm cho việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm.  

Tại tỉnh Kiên Giang, tình trạng sụt lún đất cũng xảy ra trên diện rộng. Ông Nguyễn Văn Trân (50 tuổi, ở ấp Minh Thoại, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) cho biết dọc tuyến đường ÐT965 có hơn 100 điểm sụt lún nặng. Nhiều điểm đất sụt lún hết cả phần đường, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Vào mùa khô thì người dân khó vận chuyển chuối ra ngoài để bán cho thương lái, do đó một số hộ phải vứt bỏ. Hiện đang vào mùa mưa có nước nên bà con dùng xuồng chở chuối ra đường lớn để bán, chấp nhận tốn công sức và chi phí…

Ông Sử Quốc Khởi (59 tuổi, ở ấp An Thoại, xã An Minh Bắc) cho biết tình trạng sụt lún diễn ra nhiều vào khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2024; có thời điểm 1 ngày bị sụt lún hàng chục điểm, người dân sống trong lo sợ. Ðường lộ hư hết, người dân phải mở đường tạm đi lại…

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài

Ông Phạm Thành Ðược, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cho biết thống kê mới nhất toàn xã có đến 280 vị trí sụt lún, tổng chiều dài 7,7km. Tại các điểm sụt lún, UBND xã hợp đồng với các đơn vị sửa chữa, cho phương tiện múc đất ruộng để san lấp, gia cố, tránh bị sụt lún trở lại. Ðến nay, đã khắc phục 25 vị trí, đảm bảo cho xe lưu thông qua lại. Ðồng thời tiếp tục sửa chữa, khắc phục những điểm bị thiệt hại nặng để người dân thuận tiện lưu thông.

Theo ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ngành chức năng huyện thông qua ngân sách, dự toán kinh phí khắc phục những vị trí sụt lún để đấu thầu sửa chữa. Trong đó, ưu tiên những tuyến đường huyết mạch liên xã và những xã đang xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, địa phương vận động người dân hạn chế sản xuất lúa vụ 3 để tránh mất nguồn nước dẫn đến sụt lún. Các ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng đã có văn bản quy định khoảng cách giữa lộ và mé sông để tránh sạt lở, sụt lún. Huyện cũng tìm các giải pháp căn cơ lâu dài hạn chế tình trạng sụt lún…

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng El Nino, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm, trong khi mặn xâm nhập sớm từ đầu năm 2024 và kéo dài, thế nhưng các khu vực này không có nguồn nước ngọt bổ sung vào vùng đệm U Minh Thượng (huyện U Minh Thượng). Nắng nóng dẫn đến bốc hơi mặt nước mạnh; cộng với cao độ đáy một số kênh trong nội vùng khá sâu, do được nạo vét để san lấp mặt bằng, nền nhà, lấy đất làm bờ thi công đường giao thông, xây dựng công trình trên đất nền yếu… từ đó gây sụt lún.

Ông Nguyễn Thum Em, Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, cho biết qua thống kê mới nhất, trên địa bàn huyện có khoảng 500 điểm sụt lún, dài gần 11km, có gần 50 căn nhà bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Huyện đã xây dựng kế hoạch khắc phục thiệt hại đối với các tuyến đường giao thông nông thôn, lập kế hoạch, tổ chức mời thầu để thực hiện gia cố, khắc phục sửa chữa những tuyến lộ giao thông nông thôn bị ảnh hưởng nặng do sụt lún. Tiếp tục vận động các hộ dân có nhà ven kênh, rạch trong vùng đệm U Minh Thượng di dời đến nơi an toàn; kiên quyết di dời đối với các căn nhà rạn nứt, có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao nhằm bảo đảm tài sản và tính mạng cho người dân. Ðối với tuyến đường ÐT965, các sở ngành chức năng cũng đã có phương án khắc phục để sớm ổn định đời sống người dân.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do sụt lún ở huyện U Minh Thượng. UBND tỉnh Kiên Giang cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai khắc phục hậu quả thiên tai; nghiên cứu trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện dự án chống ngập và chống hạn vùng đệm U Minh Thượng. Ðặc biệt là đầu tư hạng mục nâng cấp, mở rộng tuyến kênh đê bao ngoài, xây dựng cống, trạm bơm để điều tiết nước… Ðến nay, Sở đã trình UBND tỉnh các giải pháp khắc phục sụt lún trên địa bàn huyện U Minh Thượng theo hướng căn cơ, lâu dài…

Bạc Liêu khẩn trương triển khai phòng chống sụt lún, sạt lở đê biển

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, vừa chủ trì cuộc họp đột xuất để nghe các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất kiến nghị xử lý tình trạng sạt lở và sụt lún đất trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến tình hình thiên tai trên địa bàn diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường. 

Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn Bạc Liêu đã xảy ra 38 đợt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài hơn 3,6km. Các đợt sạt lở đã làm thiệt hại 126 căn nhà của người dân, gần 300 căn nhà bị ảnh hưởng… Ước tổng thiệt hại hơn 23,5 tỉ đồng. 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, cần có giải những pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn nên đã kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ Bạc Liêu hơn 3.400 tỉ đồng thực hiện tại 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách, phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất… với tổng chiều dài gần 80km. 

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh rà soát các điểm đã và đang có nguy cơ sụt lún, sạt lở để dự toán kinh phí khắc phục, cũng như đề xuất Trung ương hỗ trợ. Các ngành, địa phương sớm xem xét bố trí chỗ ở tại các khu tái định cư để di dời dân từ các khu vực sụt lún, sạt lở và nơi có nguy cơ đến nơi an toàn…

PHÚ HỮU - PHƯỚC BÌNH

Chia sẻ bài viết