KIỀU CHINH
Trong giai đoạn dậy thì, cùng với sự thay đổi về ngoại hình, tâm sinh lý, nhiều trẻ bắt đầu có những rung động với bạn khác giới. Phụ huynh cần dành thời gian cho con, lắng nghe, chia sẻ, hướng dẫn kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính để con trẻ biết cách chăm sóc, bảo vệ bản thân, xây dựng lối sống đúng đắn, lành mạnh, phù hợp độ tuổi.

Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ thường xuyên phối hợp tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, giới tính, kỹ năng ứng xử...
cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ.
Vào năm học mới có mấy ngày, N - học sinh lớp 8 ở quận Cái Răng, xin mẹ cho chuyển lớp với lý do lớp mới có nhiều bạn dễ thương, học vui hơn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chị Ngọc - mẹ N, phát hiện con gái “cảm nắng” bạn nam trong lớp này. Sự việc bắt đầu từ hè vừa qua, khi N tham gia lớp bồi dưỡng Toán có bạn nam ấy học chung. Tính tình N đổi khác, thường yêu cầu mẹ “đưa sớm, rước trễ” để có thời gian đi uống nước với bạn. N còn tìm cách xuất hiện ở những nơi bạn nam hay đến như rạp chiếu phim, nhà sách, khu trò chơi... để có cơ hội gặp mặt. Không chỉ thế, N còn lấy tiền để dành mua quà tặng bạn; đặt quần áo, mỹ phẩm... chăm chút ngoại hình.
Chị Ngọc kể: “Ban đầu tôi nghĩ chuyện con nít, rung động thoáng qua rồi thôi. Nhưng sau này thấy con có biểu hiện sa đà vào chuyện tình cảm, lơ là việc học nên tôi chấn chỉnh. Tôi không la mắng hay kiểm soát, mà giải thích cho con hiểu lứa tuổi này quan trọng nhất vẫn là việc học, hãy giữ mối quan hệ bạn bè trong sáng. Ðồng thời, tôi cảnh báo những nguy cơ của việc yêu sớm, đặt ra những tình huống, phân tích để con ý thức về giá trị bản thân, biết cách bảo vệ mình. Giờ con đã hiểu ra vấn đề, không còn đòi chuyển lớp nữa”.
Gần 2 tháng qua, nhờ sự đồng hành của gia đình, P ở quận Ninh Kiều, lấy lại tinh thần, vào lớp 10. Năm rồi, P và bạn chung lớp có tình cảm với nhau, hẹn cùng thi vào ngôi trường yêu thích. Bạn trai P học giỏi, hát hay nên có nhiều “vệ tinh”. Vì vậy, P tìm cách chăm sóc, lấy lòng bằng cách thường xuyên tặng quà và cả tiền tiêu vặt. Nhà P khá giả, nhưng cha mẹ bận bịu đi làm suốt, ít có thời gian gần gũi con gái nên hay bù đắp bằng vật chất, sẵn sàng chu cấp mà không biết con dùng tiền vào việc gì.
Thấy năm nào P cũng đạt học sinh tiên tiến nên gia đình cũng an tâm. Giữa năm lớp 9, bạn trai chia tay nên P bị sốc. Tới lúc cô chủ nhiệm mời vào nói chuyện thì mẹ P mới tá hỏa khi biết con tâm sự với bạn thân rằng mình từng cắt cổ tay, có ý định tự tử và muốn bỏ nhà đi. P còn bỏ mặc bản thân, ngủ và ăn nhiều, lên cân mất kiểm soát… sinh ra tự ti, mặc cảm. Chưa kể “người mới” của bạn trai P lập nhóm, lên mạng công kích, chọc tức nên P càng thêm chán nản. Ðến nước này, mẹ P sắp xếp lại công việc, cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Mẹ P và cô giáo kết hợp trò chuyện, khéo léo tạo điều kiện để P bộc bạch hết những nỗi niềm, động viên P vượt qua tổn thương, không hành xử bồng bột. Dẫu cả nhà cùng cố gắng nhưng kết quả thi không như mong đợi, P không đậu vào trường đã đăng ký. Thương con, mẹ P tư vấn chọn trường khác phù hợp, cùng P tập thể dục, vui chơi, giúp con lấy lại vóc dáng cũ, có thể chất và tinh thần khỏe mạnh, bắt đầu chặng đường mới.
Không may mắn như P, sau lần vấp ngã đầu đời vào năm lớp 10, hiện giờ V ở quận Cái Răng, rơi vào trầm cảm, phải nghỉ học. Cũng do bận bịu công việc, cha mẹ V khoán chuyện chăm sóc con cho người giúp việc. Trước đây, lấy lý do học nhóm, V thường đưa bạn về nhà hoặc đi từ sáng đến tối, có khi đi qua đêm, ngủ nhà bạn. Bạn trai của V chơi chung nhóm, thường xưng hô với nhau “ông xã, bà xã”. Tới năm học lớp 11, bạn trai đề nghị chia tay, V suy sụp tinh thần. Gia đình tìm nhiều biện pháp can thiệp nhưng đã muộn. Từ cô bé xinh xắn, năng động, giờ V thường nhốt mình trong phòng, không tiếp xúc với ai. Có thời điểm V đòi đi thuê phòng trọ ở, mua máy tính riêng, lên mạng xã hội tham gia rất nhiều nhóm. Gia đình V phải cử người theo sát con ngoài đời thực lẫn thế giới ảo, tránh chuyện không hay. Hơn năm qua, nhờ cha mẹ hết lòng đưa đi điều trị nên V đỡ phần nào, nhưng chưa hòa nhập được…
Ngày nay, dưới tác động của nhiều yếu tố, trẻ có sự phát triển nhanh và sớm về thể chất, tâm sinh lý, không ít trường hợp sa đà vào chuyện yêu đương khi còn ở tuổi vị thành niên. Nhiều phụ huynh lại chủ quan, cho rằng những vấn đề của con trẻ, như tình cảm, bạn bè… là chuyện nhỏ, không để tâm, cho qua. Nhiều trẻ, do thiếu vốn sống, kỹ năng, kiến thức, không có người hướng dẫn, nên khi gặp sự cố đã tự giải quyết theo cách của mình, gây hậu quả đáng tiếc. Do vậy, gia đình hãy quan tâm hơn nữa đến con em trong độ tuổi này, có cách quản lý, giáo dục phù hợp, trang bị kiến thức về giới tính để các con hành động có suy nghĩ hơn, có ý thức xây dựng lối sống đúng đắn.