17/06/2009 - 15:07

Nỗi khổ... luyện thi cấp tốc

Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong vòng 2 tuần qua, hàng ngàn học sinh từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lần lượt đổ về trung tâm TP Cần Thơ luyện thi đại học. Lần đầu xa nhà, họ không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm khi bước vào môi trường sống mới, với không ít những khó khăn “củi quế gạo châu” ở chốn thị thành...

Lúc 12 giờ trưa ngày 5-6-2009, Trung tâm luyện thi Bùi Đức Thắng vẫn đông người đến ghi danh. Ảnh: LÊ NGỌC 

Bến xe khách Cần Thơ (góc đường Hùng Vương-Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều) đông hẳn lên khi những chuyến xe khách cập bến. Nhiều học sinh tay xách, nách mang hành lý, nháo nhác nhìn quanh tìm xe; các bác tài xe ôm thì la hét, lôi kéo, giành giật nhau từng học sinh. Nhưng ngay sau đó, tình hình cũng vãn hồi, các bạn học sinh đã chọn cho mình được bác tài đưa đến trung tâm luyện thi. Tuy nhiên, ngay khi vừa đến nơi, các học sinh đã tỏ ra bức xúc vì bị các bác tài xe ôm “chặt đẹp”. Bạn Nguyễn Thành Tâm (quê ở tỉnh Kiên Giang) nói: “Em bị ông xe ôm lừa gạt, nói từ bến xe khách Cần Thơ đường Hùng Vương đến Trung tâm luyện thi đại học Bùi Đức Thắng khoảng 20 cây số nên lấy giá 20.000 đồng. Ai ngờ, em mới lên xe ngồi có mấy phút là đã tới nơi!”. Cũng với đoạn đường tương tự, bạn Huỳnh Văn Tánh (quê ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) cũng bị các bác tài xe ôm hét giá 15.000 đồng.

Đến các trung tâm luyện thi, học sinh lại phải chịu cảnh chen lấn nhau để ghi danh. Phụ huynh người ngồi trên xe, người ngồi dưới đất giữ đồ. Dưới cái nắng chói chang 12 giờ trưa, tại Trung tâm luyện thi đại học Bùi Đức Thắng vẫn còn rất nhiều học sinh đến ghi danh. Ông Nguyễn Văn Khánh (một phụ huynh quê ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) nói: “Bụng đói mà tôi vẫn không dám đi đâu vì con trai tôi vẫn chưa đăng ký được”.

Sau khi ghi danh, các học sinh lại tất bật tìm nhà trọ. Một số trung tâm luyện thi có phòng trọ cho thí sinh đến luyện thi nhưng cũng không đáp ứng đủ số lượng. Chị Tiết Hồng Phượng, đại diện Trung tâm luyện thi đại học Bùi Đức Thắng, cơ sở đặt tại số 116 đường 3 Tháng 2, cho biết: “Hiện nay, Trung tâm có khoảng 700 đến 800 thí sinh đăng ký luyện thi. Trong khi đó, Trung tâm chỉ có 10 phòng trọ cho khoảng 40 nam sinh ở với giá 250.000 đồng/người/tháng”. Trung tâm luyện thi Minh Đức có 3 cơ sở (2 cơ sở tại đường Mậu Thân và 1 cơ sở tại đường 3 Tháng 2), đến nay, đã tiếp nhận trên 300 thí sinh đăng ký luyện thi cấp tốc. Phòng trọ do Trung tâm hỗ trợ có giá 200.000 đồng/người/tháng, nhưng chỗ ở ít nên không đáp ứng hết nhu cầu của học viên. Bên cạnh đó, một số cơ sở luyện thi không có chỗ trọ nên lượng học viên khá lớn còn lại sẽ phải tìm đến các điểm cho thuê nhà trọ. Nắm bắt được nhu cầu này, từ khoảng tháng 5-2009, hầu hết các chủ nhà trọ (chủ yếu các nhà trọ ở gần nơi luyện thi) đã gấp rút chuẩn bị cho một mùa kinh doanh mới, đẩy giá nhà trọ lên mức cao ngất ngưởng.

Bạn Tr.Th.Ng.D. (quê ở tỉnh Kiên Giang) thuê phòng trọ ở hẻm 76, đường 3 Tháng 2, diện tích căn phòng khoảng 10m2, có gác lửng nhưng có đến 6 thành viên đang ở và chuẩn bị đón thêm một thành viên mới. Ng.D. cho biết: “Phòng chật nhưng phải chịu, vì em không muốn mất thời gian dời đi chỗ khác. Hơn nữa, tụi em chỉ luyện thi có một tháng nên phải ráng chịu”. Đặc biệt ở nhà trọ này, người đến sau đóng tiền cao hơn người đến trước. Ng.D. là người đến trước, trả tiền phòng trọ 300.000 đồng/tháng, nhưng bạn Tr.Th.S. (quê ở tỉnh Bạc Liêu) đến sau, đóng đến 400.000 đồng/tháng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong mùa luyện thi, một phòng trọ diện tích từ 10-16 m2 có giá từ 1 - 2 triệu đồng/tháng. Cá biệt có phòng trọ lên đến 3-3,5 triệu đồng/tháng, tùy vị trí xa hay gần các trung tâm luyện thi. Ngoài ra, người trọ phải đóng tiền điện 3.000 đồng/kwh, tiền nước 5.000 đồng/m3.

Tại một phòng trọ ở hẻm 95, đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, căn phòng diện tích khoảng 10m2 có đến 5 người trọ, có bốn giường tầng nhưng trong số đó đã có 2 chiếc bị hỏng. Không đủ giường ngủ, các bạn phải trải chiếu ngủ dưới nền phòng ẩm thấp, mồ hôi nhễ nhại. Với căn phòng như thế, các bạn cũng phải trả 1.300.000 đồng/tháng, “trong khi các phòng dành cho những anh chị sinh viên thì bà chủ chỉ lấy 450.000đồng/phòng/tháng”- bạn B.V.T. một học sinh mới đến luyện thi nói. Ở khu trọ này, một dãy trên dưới 10 phòng trọ mà chỉ có một nhà vệ sinh và một nhà tắm còn sử dụng được. Không chỉ vậy, khu nhà trọ của các bạn nằm gần con rạch có dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, nhất là vào mỗi buổi trưa. Một bạn cười buồn phân trần: “Nếu mướn những phòng trọ gần trung tâm luyện thi, sạch sẽ, thoáng mát thì tụi em không đủ khả năng. Sau hai tiếng đồng hồ cuốc bộ nhưng không tìm được phòng trọ hợp túi tiền, tụi em đành mướn đại chỗ này”.

Hầu hết học sinh từ nơi khác đến TP Cần Thơ luyện thi đều không có phương tiện riêng để đi lại. Không chịu nổi giá đắt đỏ của phòng trọ nên nhiều bạn tìm đến những nhà trọ xa nơi luyện thi. Bạn Mai Thị Hạnh Quyên (quê ở xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) nói: “Ở đây, xe cộ đông quá trời! Mỗi bữa đến lớp luyện thi, em phải lội bộ hơn 1 km”.

Nhiều bạn đi luyện thi trong hoàn cảnh rất khó khăn. Bạn Nguyễn Hồng Chi (quê ở xã Giao Hòa II, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) thố lộ: “Gia đình em rất thiếu thốn. Ngày em đi luyện thi, ba em phải mượn thêm tiền của cô, chú đưa cho em. Thương ba mẹ, em tự nhủ với lòng phải tiết kiệm chi tiêu và quyết tâm thi đậu đại học. Thế nhưng, những ngày này, hầu hết các quán cơm ở gần các trung tâm luyện thi đều tăng giá từ 10-20% so với ngày thường nên các bạn càng khó khăn hơn. Bạn Nguyễn Thị Yến Nhi (quê ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) bộc bạch: “Nghe mấy anh chị sinh viên nói “ăn cơm chan canh đại dương” mà em không hiểu gì hết. Giờ thì em đã hiểu. Em ăn cơm 1 dĩa 12.000 đồng, nhưng ăn không biết ngon, nuốt không vô vì cơm quá khô, canh thì lõng bõng nước”.

Rời quê nhà đến thành phố luyện thi, các sĩ tử đã gặp không ít khó khăn, tốn kém rất nhiều tiền bạc. Trong khi hiện nay ngành giáo dục không khuyến khích luyện thi cấp tốc, vì đề thi đại học cũng đã dần sát với nội dung chương trình học ở phổ thông, học sinh chỉ cần tiếp thu tốt ở trường lớp là đã có cơ may đậu đại học. Nhiều học sinh quá lo lắng, khăn gói đi luyện thi cấp tốc, nhưng liệu trong vòng thời gian một tháng luyện thi, cùng với những thực trạng nói trên, các bạn học sinh có chắc rằng mình sẽ đậu đại học hay là chỉ học “cầu may”!?

LÊ NGỌC – MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết