01/09/2022 - 22:07

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách năng suất lúa gạo, giảm tác động tới môi trường tại châu Á 

MỸ THANH

Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) vừa tổ chức hội nghị tổng kết Dự án "Thu hẹp khoảng cách năng suất lúa gạo tại châu Á và giảm tác động tới môi trường" (CORIGAP). CORIGAP khởi động từ năm 2013, là sáng kiến của IRRI với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) được triển khai ở 6 quốc gia đối tác: Việt Nam, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, dự án cơ bản đạt được mục tiêu cải thiện an ninh lương thực, thúc đẩy bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo thông qua nâng cao năng suất và tính bền vững của hệ thống sản xuất lúa nước.

Mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP trong khuôn khổ dự án CORIGAP triển khai tại TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Ông Grant Singleton, Ðiều phối viên CORIGAP (2012-2019), nhà khoa học chính của IRRI, đánh giá: Thành công lớn của CORIGAP là đạt được những kết quả cũng như tác động mạnh mẽ đến việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững trong sản xuất lúa tưới tại 6 quốc gia dù có sự khác biệt về chính trị - văn hóa và những ưu tiên khác nhau đối với các hộ nông dân nhỏ ở mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, nông dân đã giảm sử dụng thuốc trừ sâu, tỷ lệ giống, phân bón và lượng nước tưới tiêu nên giảm đáng kể chi phí đầu vào. Dự án cũng giúp nông dân giảm được thất thoát sau thu hoạch và phát thải khí nhà kính.

Theo IRRI, trong giai đoạn đầu tiên (2013-2016), CORIGAP đã phát triển được khung hợp tác bền vững với các đối tác và các chương trình quốc gia hoặc khu vực về thực hành quản lý tốt nhất đối với lúa gạo vì lợi ích của 1.362 nhóm nông dân, trên diện tích 250.000ha. Giai đoạn thứ hai (2017-2021) tập trung xây dựng năng lực cho các đối tác tại 6 quốc gia. Qua đó, cùng các đối tác hợp lực nhằm tăng năng suất và thu nhập bền vững cho 500 nông hộ vào năm 2020. Kết quả, hơn 780.000 nông dân đã tiếp cận được dự án, năng suất tăng hơn 10%; mức tăng thu nhập trung bình dao động từ 15-30% do năng suất tăng và chi phí đầu vào giảm. Trong giai đoạn 3 (2021-2022), các hoạt động dự án giúp các đối tác tiếp tục mở rộng đầu ra của CORIGAP; nhân rộng các thực hành quản lý tốt về sản xuất, cơ giới hóa và khâu sau thu hoạch cho lúa gạo.

Bên cạnh đó, CORIGAP cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác đẩy mạnh các chương trình quản lý thực hành tốt nhất cho lúa gạo ở tầm quốc gia hoặc khu vực. Ðó là các Chương trình "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải 5 giảm" tại Việt Nam; Sáng kiến Giảm chi phí tại Thái Lan; Quản lý cây trồng tích hợp tại Indonesia và Công nghệ ba điều khiển (3CT) tại Trung Quốc.

Là một trong những địa phương ở khu vực ÐBSCL hưởng lợi từ dự án, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: Giai đoạn 2019-2022, TP Cần Thơ tập huấn cho 3.000 nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, trong đó có 1.488 nông dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, chiếm tỷ lệ 49,6%. Bên cạnh đó, thành phố đã hình thành mô hình "Cánh đồng lớn" áp dụng quy trình "1 phải 5 giảm", với quy mô gần 32.000ha. Từ thực tế triển khai tại TP Cần Thơ, những kỹ thuật tiên tiến nói trên có thể nhân rộng và thực hành tốt ở các tỉnh khác của ÐBSCL. Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông thông qua các mô hình trình diễn, tập huấn; thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân như IPM, VietGAP, Global GAP…

Theo IRRI, những thay đổi trong thực tiễn sản xuất cũng như những kết quả CORIGAP mang lại cho thấy, hệ thống lúa gạo trong các vựa ngũ cốc lớn của châu Á có thể được tăng cường cùng với sự gia tăng đồng thời trong sản xuất bền vững với môi trường. Những bài học kinh nghiệm, các ý kiến thảo luận tại hội nghị này sẽ được tổng hợp để hoàn thiện thành các hướng dẫn cụ thể cho từng quốc gia. Kết thúc chặng đường 10 năm thực hiện dự án CORIGAP, IRRI còn ra mắt cuốn sách chương trình IRRI - Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT), một thông báo về cuốn sách của CORIGAP "Thu hẹp khoảng cách năng suất lúa tại châu Á: Ðổi mới, quy mô và chính sách" và ra mắt bộ tổng hợp kho lưu trữ kỹ thuật số CORIGAP, bảng điều khiển và các sản phẩm tri thức thu được từ dự án.

Tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả đạt được, bà Phạm Thị Minh Hiếu,  cho biết: Thành phố tiếp tục nhân rộng các mô hình thành công của "1 phải 5 giảm", Tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP) thông qua các dự án hiện tại (GIZ, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp). Ðồng thời, duy trì các mô hình cơ giới hóa, gieo sạ chính xác để giảm vật tư đầu vào, gia tăng hiệu quả sản xuất lúa, công nghệ và mô hình xử lý rơm rạ bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn cuối của dự án cần thúc đẩy hơn nữa việc học tập xuyên quốc gia về các lĩnh vực quan tâm chung, chẳng hạn như phát triển Thực hành nông nghiệp tốt cho lúa (RiceGAP) và SRP để canh tác lúa bền vững.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh: "Canh tác lúa tại ÐBSCL hiện nay bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu và đòi hỏi chúng ta phải thích ứng. Sản xuất lúa gạo phải tăng năng suất, tăng lợi nhuận, đảm bảo sinh kế cho nông dân nhưng cũng phải phát triển theo hướng bền vững. Và Chính phủ Việt Nam cũng đã có cam kết mạnh mẽ trong việc giảm khí phát thải nhà kính. Ðiều đó cho thấy, thách thức đặt ra cho ngành hàng lúa gạo là rất lớn. Trong bối cảnh này, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, chuyên gia tư vấn... của nhiều tổ chức trong nước, quốc tế, trong đó có IRRI. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sau khi dự án CORIGAP kết thúc, IRRI tiếp tục có những dự án tiếp theo để hỗ trợ ngành Nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng vượt thách thức, từ đó đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và góp phần bảo vệ an ninh lương thực quốc tế".

Chia sẻ bài viết