26/05/2008 - 21:46

TP Cần Thơ

Nỗ lực tăng tốc xây dựng cơ bản

Quận Ninh Kiều chưa có khu tái định cư để di dời dân, nên công trình cầu Hưng Lợi chưa có mặt bằng để tiếp đất.

TP Cần Thơ đang phải “chạy nước rút” thực hiện xây dựng cơ bản (XDCB) để hội đủ các tiêu chí về kết cấu hạ tầng của đô thị loại I. Thế nhưng, khối lượng XDCB trong 4 tháng đầu năm 2008 ở TP Cần Thơ chỉ mới đạt 20,4% kế hoạch năm. Vì vậy, mới đây, thành phố đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng tốc tiến độ thực hiện trên các công trình...

BỨC XÚC TRONG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Trong chuyến đi kiểm tra tình hình XDCB của huyện Phong Điền mới đây, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhắc nhở: “Thời gian qua, các cơ quan thông tin đại chúng, các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố đã nhiều lần phản ánh về chuyện chậm xây dựng 7 cây cầu trên tỉnh lộ 923 (đoạn Cái Răng-Phong Điền). Thế nhưng, hiện nay tại công trường xây dựng 7 cây cầu nói trên vẫn chưa có bóng dáng của một công nhân. Nếu thi công kiểu này đến khi làm cầu xong thì phần đường đã hư hỏng”.

Trong suốt 4 năm qua, huyện Phong Điền luôn làm tốt nhiệm vụ XDCB, giao thông nông thôn. Riêng 4 tháng đầu năm 2008, huyện thực hiện đạt hơn 31% trên tổng nguồn vốn đã được phân bổ; cao hơn khối lượng XDCB bình quân của toàn thành phố. Theo đồng chí Lê Bá Phước, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, công tác XDCB ở Phong Điền đang gặp nhiều khó khăn bức xúc. Hầu hết các công trình XDCB trọng điểm của huyện đều tập trung ở thị trấn Phong Điền-trung tâm hành chính, thương mại của huyện đang gặp nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Trong 4 năm qua, khung giá đất nông nghiệp tại thị trấn Phong Điền vẫn “cố thủ” ở mức 84.000 đồng/m2, bằng với giá đất ở xã Nhơn Ái, nên nhiều hộ dân chưa đồng thuận khi áp giá này để đền bù tiền đất. Đối với dự án Trung tâm thương mại huyện Phong Điền đã cơ bản hoàn tất việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng chưa hoàn tất các khâu thủ tục phê duyệt giá, mở rộng qui mô từ 22 ha lên 28 ha, để đưa ra bán đấu giá. Do đó, huyện Phong Điền chưa thực hiện được kế hoạch sử dụng 414 lô nền tại trung tâm thương mại này để bố trí tái định cư tại chỗ cho các công trình XDCB khác. Ngoài những khó khăn đã nêu, các công trình xây dựng 7 cây cầu trên đường 923 (đoạn Cái Răng -Phong Điền) do Sở Giao thông Công chính làm chủ đầu tư thực hiện với tiến độ chậm đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của huyện Phong Điền.

Tương tự như Phong Điền, huyện Thốt Nốt cũng gặp khó về xác định giá đất. Đồng chí Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện phản ánh, huyện phải mất quá nhiều thời gian chờ Hội đồng thẩm định giá của thành phố xác định giá khởi điểm quỹ nhà, đất của địa phương để đưa ra bán đấu giá. Có trường hợp địa phương đề xuất bán đấu giá một tài sản (thuyền văn hóa của huyện), với giá khởi điểm 18 triệu đồng, nhưng chờ được Hội đồng thẩm định giá của thành phố phê duyệt, tài sản trên đã bị hư hỏng nặng nên chỉ có một người đồng ý mua với giá 8 triệu đồng. Từ thực trạng trên, lãnh đạo huyện Thốt Nốt đề nghị UBND thành phố nên phân cấp cho các quận, huyện được phép lập hội đồng thẩm định giá đối với các tài sản có giá trị nhỏ để sớm đưa ra bán đấu giá.

Còn các quận nội thành thì sao? Năm nay, từ các nguồn vốn, quận Ninh Kiều đã được bố trí hơn 170 tỉ đồng để XDCB. Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, khối lượng XDCB ở địa bàn quận Ninh Kiều chỉ mới thực hiện được hơn 16 tỉ đồng, bằng 8,9% kế hoạch năm. Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mới đây, đồng chí Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong XDCB ở quận Ninh Kiều hiện nay là thiếu chỗ để bố trí tái định cư cho những hộ bị giải tỏa. Mặt khác, ở Ninh Kiều còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận với giá bồi thường hiện hành, làm kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng”. Đồng chí Nguyễn Thanh Vững, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết thêm, quận đang cần ngay khoảng 1.200 nền tái định cư để bố trí chỗ ở mới cho các hộ bị ảnh hưởng bởi các dự án do Trung ương, thành phố và quận đầu tư trên địa bàn. Tuy nhiên, do quận Ninh Kiều chưa có nền tái định cư nên khoảng 70% trong tổng số 110 hộ bị giải tỏa xây dựng đường dẫn và cầu Hưng Lợi tuy đã nhận tiền bồi thường cách nay gần một năm nhưng vẫn chưa được nhận nền tái định cư. Một số hộ bị giải tỏa xây dựng siêu thị Metro Hưng Lợi đã bàn giao mặt bằng và đang phải thuê nhà tạm cư hơn 3 năm qua do đến nay vẫn chưa được nhận nền tái định cư...

THÁO GỠ CÁCH NÀO?

Khi làm việc với các địa phương về tình hình XDCB, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, ngoài những khó khăn khách quan do biến động về giá cả vật liệu xây dựng... thì chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn TP Cần Thơ chưa cập nhật kịp thời so với các tỉnh lận cận làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những hộ bị thu hồi đất đai, nhà ở... Hiện nay, Quyết định số 53/2005/QĐ-UB của UBND TP Cần Thơ ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Cần Thơ đang còn hiệu lực, nhưng giá đất đã lạc hậu. Do đó, những hộ cùng bị thu hồi đất để xây dựng các cầu trên quốc lộ 1A (đoạn Cần Thơ-Cà Mau) nhưng đơn giá bồi hoàn tiền đất để xây dựng cầu Cái Răng chỉ bằng khoảng 1/3 so với giá bồi thường tiền đất xây dựng cầu Phụng Hiệp (trung tâm thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). UBND TP Cần Thơ đã thấy những bất hợp lý nói trên và yêu cầu Sở Tài chính dự thảo khung giá mới trình UBND thành phố xem xét điều chỉnh trong tháng 5-2008.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho các công trình XDCB, UBND thành phố vừa có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong việc xây dựng các khu tái định cư. Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, UBND thành phố còn khuyến khích các quận, huyện vay vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước hoặc huy động các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng các khu tái định cư theo hình thức: đầu tư- khai thác- chuyển giao hoặc đầu tư- chuyển giao.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng có chủ trương cho phép quận Ninh Kiều được giữ lại 50% và các địa phương khác là 80% nguồn thu từ việc khai thác quỹ nhà, đất trên địa bàn để bổ sung vào nguồn vốn XDCB của quận. Đồng chí Trần Thanh Mẫn nói: “Chủ trương này nhằm giúp địa phương có điều kiện xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn đảm bảo theo kế hoạch. Do đó, các địa phương phải quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn quỹ nhà, đất hiện có kết hợp với việc tạo ra quỹ nhà, đất mới”.

Bên cạnh đó, để “tăng tốc” tiến độ, UBND TP đã chỉ đạo các ngành hữu quan, các địa phương tập trung tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực XDCB. Nhanh chóng kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác XDCB tại các quận, huyện; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương nhằm xử lý kịp thời những khó khăn mới phát sinh. Kiểm tra, rà soát và giải quyết thanh, quyết toán các công trình, dự án đã xây dựng xong...

Bài, ảnh: NHẬT CHÁNH

Chia sẻ bài viết