03/11/2018 - 16:04

Nỗ lực giải ngân nguồn vốn đầu tư 

Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã chủ động nhiều giải pháp để giải ngân vốn đầu tư, thực hiện tốt chủ trương tái đầu tư công; tăng cường quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển đúng nguyên tắc, đúng quy định; chống thất thoát, chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thành phố còn nhiều gặp khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra công trình Hồ Bún Xáng (Dự án sử dụng vốn ODA). Ảnh: Minh Huyền

Còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016 của Quốc hội về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Kế hoạch vốn đầu tư công 5 năm trên 27.620 tỉ đồng, trong đó: vốn ODA trên 6.609 tỉ đồng, vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu gần 1.837 tỉ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ hơn 1.356 tỉ đồng, các nguồn vốn cân đối ngân sách trên 14.491 tỉ đồng. Vốn đầu tư phát triển thuộc các nguồn vốn nhà nước được bố trí để đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư và phát huy hiệu quả các công trình trọng điểm mang tính chất vùng, quốc gia trên địa bàn;… xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, là động lực phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ của vùng ĐBSCL.

Trong giai đoạn 2016-2018, tổng kế hoạch vốn Trung ương đã giao vốn đầu tư công cho Cần Thơ hơn 11.538,2 tỉ đồng. Ngoài nguồn vốn đầu tư công hằng năm được Trung ương giao, TP Cần Thơ đã huy động thêm các nguồn lực khác, như: nguồn kết dư ngân sách, thu vượt tiền sử dụng đất- xổ số kiến thiết… để đầu tư các công trình, dự án quan trọng thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách nhà nước, với số vốn khoảng hơn 2.641,5 tỉ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư công, đến nay, thành phố đã hoàn thành và đưa vào một số công trình quan trọng, phục vụ người dân Cần Thơ và các tỉnh lân cận, như: Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, Trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, huyện Phong Điền được công nhận huyện Nông thôn mới, Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long- Tiểu dự án thành phố Cần Thơ (dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2018). Thành phố cũng đã khởi công xây dựng Bệnh viện Ung bướu quy mô 500 giường, Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.

Riêng năm 2018, kế hoạch vốn bố trí cho thành phố khoảng 5.980 tỉ đồng; theo báo cáo của UBND thành phố, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đến ngày 25-10-2018 mới đạt 2.729/5.980 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 45,6%. Trong đó, giá trị giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt 75,3%; cân đối ngân sách địa phương đạt 74,4%; tiền sử dụng đất đạt 68%; xổ số kiến thiết đạt 54,8%; vốn ODA đạt 24,5%. Cấp thành phố giải ngân đạt 38,9%; các quận, huyện giải ngân đạt 66,8% kế hoạch vốn.

Dự án Hồ Bún Xáng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công (dự án vốn ODA). Ảnh: Minh Huyền

Theo nhận định của lãnh đạo thành phố, thực tế thời gian qua, khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư công vẫn còn hạn hẹp, chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu đầu tư các công trình. Do thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương, nên không được hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương để đối ứng cho các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đang là áp lực lớn trong cân đối ngân sách thành phố. Việc vận động xã hội hóa, kêu gọi đầu tư theo các hình thức đối tác công tư còn khó khăn; việc tạo vốn đầu tư từ quỹ đất chuyển biến chậm. Đồng thời tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, sạt lở phức tạp… đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, khi có khó khăn vướng mắc chưa kịp thời đề xuất phương án gỡ khó dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, dự án phải rà soát, điều chỉnh mới tiếp tục triển khai. 

Cần gỡ vướng

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết, trong 3 năm gần đây, tỷ trọng các nguồn vốn đầu tư trong cơ cấu vốn đầu tư cho chuyển biến tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư công, đúng theo định hướng của Đề án tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái đầu tư công. Giai đoạn 2010-2015, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước chiếm 41,06%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước (trong nước) chiếm 56,04%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 2,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Giai đoạn 2016-2018, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 36,1% (giảm 4,96%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước (trong nước) chiếm 61,3% (tăng 5,26%); khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 2,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn hẹp, hỗ trợ từ Trung ương có hạn, việc đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư. Chi phí đầu tư hạ tầng khá cao, thành phố chưa có sẵn các khu tái định cư phục vụ triển khai các dự án trong và ngoài ngân sách. Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khó khăn, do giá bồi thường và chính sách hỗ trợ, phương án tái định cư đi kèm chưa được người dân đồng thuận cao…

Để giải quyết khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, thành phố cũng đề ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục quan tâm, sớm định giá đất cụ thể để thông báo cho các nhà đầu tư, các hộ dân có liên quan, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp công trình có vốn nhưng không thể giải ngân do vướng thủ tục, vướng trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện thu hồi, điều chuyển kế hoạch vốn đã bố trí đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn theo quy định…

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tháng 8-2018, thành phố đã công bố 54 dự án mời gọi đầu tư, tổng vốn gần 124.000 tỉ đồng; trong đó có 10 dự án mời gọi đầu tư theo hình thức công tư (PPP), số vốn hơn 11.010 tỉ đồng và đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo và yêu cầu các sở, ngành và các địa phương phối hợp để hỗ trợ nhà đầu tư đã đăng ký hoàn tất các thủ tục đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi các thủ tục đã hoàn tất, nhà đầu tư đã sẵn sàng. Cùng đó, Nghị định 103/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ cũng xác định Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất cấp vùng của ĐBSCL sẽ tạo thêm động lực cho thành phố phát triển.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết