 |
Chị Nguyễn Thị Thúy Linh. |
Trước đây, mỗi khi nhắc đến chị Nguyễn Thị Thúy Linh, ở khu vực Lân Thạnh I, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, bà con lối xóm rất ngán ngại cho hoàn cảnh nghèo khó của gia đình chị. Thế nhưng, từ hai bàn tay trắng, bằng ý chí và sự cần cù lao động, vợ chồng chị Linh đã tự tìm được hướng đi vượt qua khó nghèo, vươn lên khá giả.
Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo khó, khởi nghiệp ra riêng, vợ chồng chị Thúy Linh chẳng có gì quí giá ngoài hai bàn tay trắng! Thương cho đôi vợ chồng trẻ có chí làm ăn nhưng gặp cảnh éo le, một người bà con cho vợ chồng chị mượn phần đất chưa đầy 20m2 cất nhà ở. Không đất sản xuất, không nghề nghiệp, vợ chồng chị cắt cỏ, xịt thuốc, cắt lúa mướn để mưu sinh. Chị Thúy Linh nhớ lại: “Vào mùa lúa chín, vợ chồng tôi quảy giỏ đệm đi cắt lúa mướn hết nơi này đến nơi khác. Làm đến nổi bàn tay bị lá lúa ăn mòn, lở loét mà đâu dám nghỉ xả hơi. Hết mùa lúa thì quay sang xịt thuốc trừ sâu, bón phân, cắt cỏ mướn nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Có năm, tựu trường cả tháng rồi mà vợ chồng vẫn chưa có tiền mua sách giáo khoa, quần áo mới cho con đi học”.
Cuộc sống của vợ chồng chị Linh tưởng chừng gắn liền với nghiệp làm thuê, nhưng bằng ý chí không cam chịu số phận, anh chị đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Vốn thạo việc cắt cỏ, xịt thuốc, cưa cây, vợ chồng chị Thúy Linh cũng thường xuyên gặp phải sự cố hư hỏng máy móc. Khi máy bị hư, vợ chồng chị phải cặm cụi lần mò sửa chữa những chỗ hư hỏng để hoàn thành công việc đúng thời gian. Cũng từ đó đã giúp cho vợ chồng chị Thúy Linh có được nghề sửa chữa máy cưa, bình xịt thuốc, máy cắt cỏ. “Trăm nghe không bằng quen tay, vợ chồng tôi cũng như thế. Cũng nhờ nghề làm thuê, tự mày mò sửa chữa máy móc riết rồi vợ chồng tôi có nghề sửa máy lúc nào không hay”- chị Thúy Linh bộc bạch.
Biết vợ chồng chị Thúy Linh thạo việc sửa chữa máy cắt cỏ, máy cưa, máy xịt thuốc, bà con chòm xóm mỗi khi máy móc bị trục trặc liền tìm đến nhờ chị giúp đỡ. Năm 2006, vợ chồng chị Thúy Linh mở cơ sở sửa chữa máy nông ngư cơ tại nhà để kiếm sống qua ngày. Chị Thúy Linh nhớ lại: “Gọi là cơ sở sửa chữa cho “oai”, chứ thực chất chỉ là căn chòi tạm bợ, dụng cụ đồ nghề thiếu thốn đủ thứ, có lúc phải chạy qua nhà hàng xóm mượn tuốc-nơ-vít, kiềm cho vừa ni với bù- loong, con tán”.
Mấy năm qua, nhờ phong trào cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp phát triển nên nhu cầu sử dụng các loại máy nông cụ trong nông dân cũng gia tăng. Nhạy bén nắm bắt tình hình, giữa năm 2007, vợ chồng chị Thúy Linh làm thêm nghề mua bán máy nông cụ đã qua sử dụng. Buổi ban đầu vợ chồng chị đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn kinh doanh. Cuối năm 2007, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trung Kiên bảo lãnh cho chị Thúy Linh vay 5 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Thốt Nốt. Từ nguồn vốn này, cùng với số tiền dành dụm lâu nay, vợ chồng chị Thúy Linh đã mở rộng kinh doanh. Nhờ cần cù, chịu khó, tính tình dễ mến, làm ăn uy tín, khách hàng tìm đến cơ sở của vợ chồng Thúy Linh ngày càng đông. Chị Thúy Linh cho biết: “Làm nghề này chủ yếu mình lấy công làm lời. Tuy vất vả nhưng cho thu nhập ổn định. Cũng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của Hội Phụ nữ địa phương mà gia đình tôi không chỉ mua đất cất được căn nhà kiên cố mà còn có điều kiện lo cho 2 đứa con ăn học”. Đến nay, ngoài cơ sở tại nhà, vợ chồng chị còn mở thêm cơ sở mua bán máy nông ngư cơ đã qua sử dụng ở quốc lộ 91 (khu vực Lân Thạnh I, phường Trung Kiên) để tiện cho khách tham quan, mua sắm.
Bà Lê Thị Ngọc Mẫn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trung Kiên, cho biết: “Hội Phụ nữ phường đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao đời sống cho chị em hội viên và đã phát huy hiệu quả. Điển hình như gia đình của chị Nguyễn Thị Thúy Linh. Thành công của chị Thúy Linh đã được Hội Phụ nữ phường đưa vào những điển hình cần nhân rộng. Qua đó tạo sức lan tỏa, khơi dậy ngọn lửa phong trào phụ nữ lập thân, lập nghiệp ở địa phương”.
Bài, ảnh: VÂN LÂM