Nhằm phát hiện và tôn vinh những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, để đưa vào chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang có 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện.
Sản phẩm tiêu biểu tại Doanh nghiệp tư nhân Ba Của Đậm, khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận.
Những sản phẩm được công nhận là sản phẩm hoàn chỉnh, được sản xuất tại các cơ sở công nghiệp nông thôn và do chính cơ sở đó đăng ký tham gia bình chọn. Sản phẩm không phải là sản phẩm sao chép, việc sản xuất không vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp và các quy định khác liên quan tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn lao động, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, sản phẩm được bình chọn là sản phẩm có khả năng sản xuất hàng loạt, với số lượng lớn, không phải sản phẩm độc bản, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Là 1 trong 15 sản phẩm được công nhận lần này, sản phẩm tôm khô của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (xã Phong Đông), rất vui mừng và vinh dự để mang sản phẩm xa hơn. Bà Lê Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát cho biết, nguyên liệu chính để cho ra sản phẩm chất lượng là tôm thẻ có nguồn nguyên liệu tại địa phương. Với công thức chế biến 100% tôm thẻ tươi giữ lại được trọn vẹn vị ngọt của tôm, màu sắc tự nhiên, không sử dụng phẩm màu, hóa chất bảo quản nên đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người sử dụng.
Với quy mô sản xuất năm 2020 là 6 tấn, doanh thu của sản phẩm 3,6 tỉ đồng, năm 2021 là 9 tấn với doanh thu 5,4 tỉ đồng, dự kiến sau 2 năm liền kề được bình chọn tăng lên 20 tấn. Trong quá trình sản xuất sản phẩm, hộ kinh doanh không làm ô nhiễm môi trường, không thải chất nguy hại ra bên ngoài.
Bà Lê Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, cho biết, hiện tại trên thị trường có rất nhiều nơi để làm tôm khô nếu mình muốn cạnh tranh thị trường, hợp tác xã phải có hướng đi riêng, chủ động riêng sản phẩm tôm khô. Khi khách hàng đã sử dụng một lần sản phẩm tôm khô của HTX thì khách hàng sẽ không bao giờ lựa chọn sản phẩm khác nữa, đó là thế mạnh của HTX hiện nay. HTX tôm khô được công nhận đây là niềm phấn khởi, nhưng đây cũng là thách thức của HTX phải phấn đấu nhiều hơn nữa để trong năm nay HTX sẽ cố gắng đạt được OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh và đưa ra thị trường tôm khô ngày càng vươn xa trong và ngoài nước.
Trong ngành sản xuất gỗ hiện nay, để tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao như hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm của cơ sở. Từ năm 2013 đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Ba Của Đậm, khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận đã đầu tư máy xẻ gỗ. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang hỗ trợ đầu tư máy tiện gỗ CNC-3D nên sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng, sản phẩm làm ra đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng. Nhờ đầu tư hệ thống nhà xưởng máy móc tương đối đồng bộ nên hạn chế tối đa việc phải thải ra môi trường tiếng ồn từ máy tiện gỗ, bụi từ quá trình làm bóng và mùi hôi từ quá trình sơn gỗ.
Vì vậy, môi trường xung quanh nơi sản xuất của doanh nghiệp làm được đảm bảo, không làm ảnh hưởng đến nhân dân địa phương xung quanh. Sản phẩm thiết kế mới, độc đáo, hình thức mẫu mã đẹp, sản phẩm được sản xuất theo công nghệ máy móc hiện đại, công nhân được chuyển giao công nghệ nên sản phẩm đủ chất lượng theo yêu cầu của khách hành luôn lấy chất lượng đi đầu và luôn thay đổi mẫu mã.
Năm 2020, cơ sở đã sản xuất ra 40 bộ sản phẩm với doanh thu 600 triệu đồng; năm 2021 sẽ tăng lên là 50 bộ doanh thu 750 triệu đồng. Ông Phạm Văn Đậm, cửa hàng trang trí nội thất khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận, cho biết, trước đây chỉ làm công đoạn thô sơ. Làm thủ công cho nên sản phẩm mình làm ra không được bắt mắt cho thị trường, theo công nghệ bây giờ đầu tư máy móc hiện đại trạm máy CNC 3D, 4D cho nên sản phẩm làm ra đẹp, mẫu mã đa dạng khách hàng thích hơn so với trước nhiều.
Trước đây, nhân công rất nhiều mới đáp ứng được sản phẩm và thị trường, rồi sau này áp dụng bằng máy. Nếu như trước đây làm ra sản phẩm cái tủ thì phải 5 ngày, giờ làm 3 ngày là xong sản phẩm, mẫu mã lại đẹp hơn chứ không như lúc trước.
Trong năm 2021, huyện Vĩnh Thuận có các nhóm sản phẩm đăng ký như: nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các nhóm sản phẩm khác. Theo ông Trịnh Tài Hiền, Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Thuận, thực hiện Chương trình Khuyến công năm 2021, Phòng Kinh tế hạ tầng tham mưu UBND huyện thành lập các tổ đi khảo sát các xã, thị trấn trên địa bàn để nắm lại các sản phẩm có và không có tiềm năng, sau đó kết hợp khảo sát các sản phẩm OCOP. Qua khảo sát lần này có sự chuẩn bị chu đáo hơn, do đó các sản phẩm cũng tươm tất hơn, đầy đủ, chất lượng cao hơn các năm trước. Sau khi được công nhận Phòng Kinh tế hạ tầng tiếp tục tham mưu UBND huyện hướng dẫn các cơ sở đăng ký các nhãn hiệu cũng như tem xuất xứ nguồn gốc, mã vạch để cho các sản phẩm đi vào các thị trường lớn, đồng thời trong đó sẽ chọn những sản phẩm có tiềm năng để tham gia chứng nhận OCOP. Đây là lợi thế để cho các sản phẩm mở rộng thị trường, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương trong thời gian tới.
Việc tổ chức thành công đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2021 là động lực để các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm của cơ sở, ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết được lao động tại địa phương.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH