02/06/2023 - 21:49

Nỗ lực chống biến đổi khí hậu của phụ nữ Guyana 

NGUYỆT CÁT (Theo AP)

Nhờ những nỗ lực thu thập dữ liệu môi trường bằng máy bay không người lái (drone), một nhóm phụ nữ ở phía Bắc Guyana được xem là những “chiến binh” mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở quốc gia Nam Mỹ này, với 90% dân số hiện sống ở nơi thấp hơn mực nước biển khoảng 2 mét.

Một số thành viên trong nhóm phụ nữ giám sát hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Guyana.

Cứ 3 tháng một lần, nhóm phụ nữ này điều khiển các drone bay khảo sát một khu vực rộng khoảng 47.000ha - bao gồm 14.000ha rừng ngập mặn, vốn là hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất Guyana. Cố vấn của họ là cô Sarah Singh, 22 tuổi, một sinh viên chuyên ngành sinh học biển đang làm việc cho Hiệp hội Bảo tồn Biển Guyana (GMCS). Singh đã đào tạo nhóm phụ nữ trong 8 tháng và mang đến cho họ cơ hội việc làm với mức lương khoảng 700 USD/tháng. Ðây là một phần trong chương trình hỗ trợ phụ nữ trẻ ở các ngôi làng của người da đỏ, vì họ thường là đối tượng phải nghỉ học để lập gia đình sớm và không có cơ hội đi làm.

Theo Hãng tin Mỹ AP, hoạt động của nhóm phụ nữ bản địa này giúp kịp thời phát hiện hành vi chặt phá rừng trái phép, cũng như thu thập các mẫu đất và rác thải từ rừng để đo lượng khí thải carbon được thu giữ trong các hệ sinh thái ven biển xa xôi, nơi mà giới khoa học lâu nay không thể tiếp cận được. Những dữ liệu như vậy có thể thúc đẩy Chính phủ Guyana xây dựng các chính sách và chương trình để bảo vệ các khu vực quan trọng. Bà Annette Arjoon-Martins, người đứng đầu GMCS, cho biết: “Chúng tôi đang kết hợp kiến thức truyền thống và nghiên cứu khoa học để có được tất cả thông tin mà chúng tôi cần nhưng chưa thu thập được và không đủ khả năng để thu thập”.

Công việc mà nhóm phụ nữ Guyana đang thực hiện được coi là rất quan trọng đối với nước này, nơi có đường bờ biển dài 459 km và đồng bằng ven biển nằm dưới mực nước biển trung bình 2 mét. Ðể tồn tại, Guyana phụ thuộc vào hệ thống đê biển dài 450km có tuổi thọ lên đến hàng thế kỷ, được xây dựng từ hồi nước này còn là thuộc địa của Hà Lan. Nhằm ngăn nước biển từ Ðại Tây Dương tràn vào Guyana, lực lượng bảo vệ đê biển phải túc trực cả ngày lẫn đêm và phát cảnh báo để mở hoặc đóng các cửa cống (được gọi là “koker”) theo cách thủ công.

Các nhà hoạt động môi trường nhận định công việc của nhóm phụ nữ sẽ giúp chuyên gia hiểu được những thách thức mà Guyana phải đối mặt và những gì mà nước này có thể làm để chống biến đổi khí hậu. Ðược biết, Guyana đang trong thời kỳ bùng nổ về khai thác dầu mỏ, dự kiến sẽ đưa nước này trở thành nhà sản xuất dầu ngoài khơi lớn thứ tư thế giới. Song điều này cũng dấy lên lo ngại về khả năng tràn dầu và tác động của dầu mỏ đối với biến đổi khí hậu tại nước này.

Một báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo Guyana sẽ là một trong những nơi chịu tác động nặng nề nhất thế giới vì mực nước biển dâng cao và triều cường do bão, với 100% nền nông nghiệp ven biển và 66,4% khu vực đô thị ven biển của nước này đương đầu với nguy cơ lũ lụt và xói lở bờ biển. Bà Arjoon-Martins cho hay cộng đồng Almond Beach ở phía Bắc Guyana đã buộc phải di dời vài năm trước, sau khi sóng biển “nuốt chửng” hàng cây cọ và nước biển bắt đầu tràn vào trường học cũng như các cơ sở hạ tầng khác. Từ số dân khoảng 280 người, nơi này hiện chỉ còn hơn 30 người sinh sống.

Ðối với Guyana, việc bảo vệ và trồng thêm cây xanh làm vùng đệm tự nhiên, như rừng ngập mặn, là điều rất quan trọng để chống lại mực nước biển dâng cao và giúp phòng tránh nguy cơ xói mòn bờ biển. Ngoài ra, việc mở rộng diện tích rừng ngập mặn còn giúp hấp thụ một lượng lớn khí carbon và góp phần hạn chế tình trạng Trái đất nóng lên.

Chia sẻ bài viết