14/02/2024 - 16:01

Niềm vui mùa xuân 

DUY KHÔI


 

 

 

“Có những ngày trời đất thật hồn nhiên

Chỉ có yêu thôi chớ chẳng làm chi nữa cả

Ừ thì có gì đâu mà cứ đòi hối hả

Tết đến rồi mà, Tết chỉ để yêu thôi”

Những ngày cuối năm, khi mọi công việc đã “đâu vào đó”, chợt đọc được mấy câu thơ của nhà thơ La Mai Thi Gia, lòng rộn ràng vui vẻ như Tết. Mang theo cảm xúc đó, chúng tôi tìm gặp những người cần mẫn đem đến những sắc màu tươi tắn, yêu đời cho đời sống tinh thần của người Tây Đô. Dù là nghệ sĩ sân khấu, họa sĩ hay chàng sinh viên trẻ mê nhiếp ảnh, thì họ đều chung niềm say sưa kể về cái đẹp và niềm vui.

 


Vẽ tình yêu cuộc sống


 

“Cô ơi! Con vẽ nét này đậm vậy được chưa, cô?”, “Cô ơi! Cành mai này sao con vẽ vẫn chưa thấy ưng ý lắm!”... Tiếng học trò ríu rít gọi cô đầy trìu mến. Cô Hiền mỉm cười, đến với từng em một, hướng dẫn từng chút một.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiền hướng dẫn học sinh vẽ tranh trên lá. Ảnh: DUY KHÔI

Sáng cuối năm trong căn nhà nhỏ của cô Hiền ở quận Bình Thủy, buổi “Workshop mùa Xuân” thu hút rất đông các em nhỏ. Trên những chiếc nón lá, chiếc nia, cây quạt, cô Hiền dạy các em vẽ cành mai, cành đào, bánh tét, câu đối... bằng những nét cọ dễ thương, đầy màu sắc. Nguyễn Thị Kiều Tiên, bé học trò 9 tuổi, cầm chiếc nón lá rực rỡ nét vẽ hoa mai, nói: “Tết này, con sẽ đội nón lá chụp ảnh và khoe với mọi người là tự tay con vẽ”.

Cô Hiền mà các bé nhỏ ríu rít gọi tên chính là chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền, 45 tuổi, giáo viên dạy Mỹ thuật của Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ. Nhiều năm qua, chị Hiền được biết đến là giáo viên Mỹ thuật giỏi nghề, tận tâm, tổ chức nhiều hoạt động cổ vũ, khuyến khích sáng tạo hội họa cho cả thiếu nhi lẫn người lớn.

“Workshop mùa Xuân” là điển hình. Cứ mỗi tháng, chị Hiền lại mở các buổi workshop theo chủ đề như Giáng sinh, tuổi học trò, đồng quê, Trung thu... Tranh từ các buổi workshop này đa dạng chất liệu, khi trên nón lá, chiếc nia, túi xách bằng cỏ bàng hay trên đá cuội, bìa giấy... Chị muốn gửi gắm đến học trò tình yêu thiên nhiên, niềm say mê với văn hóa bản địa. Chị Hiền chia sẻ: “Mỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn. Tôi luôn nhắc các em không cần nhanh, có thể những bức vẽ đầu không đẹp, nhưng cứ từ từ mà bước”.

Tác phẩm “Tuổi thơ” của họa sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hiền.

Cũng từ những bước chậm mà chắc ấy, nhiều học sinh của chị Hiền đã đi đến thành công. Tháng 10-2023, học sinh của Trường Tiểu học Ngô Quyền xuất sắc vượt qua hơn 155.000 tác phẩm để giành 1 giải Nhì, 2 giải Khuyến khích tại Cuộc thi vẽ tranh “Thiếu nhi Việt Nam - Cuba thắm tình hữu nghị” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức. Bức tranh thể hiện tình cảm keo sơn, gắn bó của thiếu nhi Việt Nam và Cuba bằng bút lông màu của em Vưu Gia Tuệ Mẫn đã đoạt giải Nhì. Từ sự dìu dắt của chị Hiền, Tuệ Mẫn từng đoạt nhiều giải thưởng về mỹ thuật.

Chị Hiền tâm sự, từ niềm đam mê hội họa của bản thân, chị thấu cảm với đam mê của các em nhỏ nên hỗ trợ hết mình. Hồi học lớp 6, lớp 7, chị đã mê vẽ. Lên lớp 10, chị quyết định học Mỹ thuật tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Ra trường, chị có bằng tốt nghiệp THPT lẫn trung cấp và bắt đầu làm cô giáo từ đó đến bây giờ. Để nâng cao tay nghề và thỏa niềm đam mê, chị học lên đại học, thử sức ở các cuộc thi mỹ thuật... “Đã 24 năm tôi đứng trên bục giảng, cũng là ngần ấy năm tôi theo đuổi đam mê của mình” - chị Hiền chia sẻ.

24 năm ấy, biết bao học trò của chị Hiền - từ trong nhà trường đến qua các buổi dạy thêm, workshop - đã trưởng thành, có người theo đuổi đam mê, có người xem đó như kỹ năng sống. Theo lời giới thiệu của chị, chúng tôi tìm gặp chị Võ Thùy Dương, thạc sĩ chuyên ngành Kiến trúc, giảng viên Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ. Chị Dương là học trò của chị Hiền từ lúc mới học lớp 1, được chị Hiền dạy những nét vẽ đầu đời. Chị Thùy Dương kể: “Cô Hiền không chỉ dạy tôi vẽ mà còn truyền cho tôi tình yêu hội họa, những đức tính cần có của người cầm cọ. Nhờ đó, hành trang tôi đầy đặn hơn trên con đường theo đuổi đam mê”.

Chị Hiền vẫn tâm niệm giữ cho mình ngọn lửa đam mê. Nhóm vẽ Thanh Hiền mà chị và các cộng sự là giáo viên dạy Mỹ thuật ở TP Cần Thơ lập nên, thể hiện điều đó. Nhóm vẽ nhận thi công vẽ tranh tường các công trình trường học, dân dụng... Việc làm này vừa giúp các thầy cô có thêm thu nhập nhưng quan trọng là trau dồi tay nghề. Chị Hiền cười: “Văn ôn võ luyện, nghề vẽ này mà ít cầm cọ là tay cứng, không nhuyễn ngay”.

Cứ như vậy, cô giáo Ngọc Hiền lặng thầm với niềm đam mê màu sắc, vẽ nét đẹp và tình yêu cuộc sống.

“Cô ơi!”, “Cô ơi!”... Chúng tôi chia tay chị Hiền ra về trong tiếng ríu rít của các em nhỏ với nụ cười tươi rói và tiếng đáp dịu dàng của chị Hiền: “Ơi, cô đây!”...

 


Kim Ngân - “Vàng đã thử lửa”


 

“Ngân đã công tác ở Nhà hát Tây Đô được 12 năm rồi, mau quá!” - bấm đốt ngón tay, nghệ sĩ Kim Ngân nói. 12 năm trau dồi, phấn đấu và đam mê, Kim Ngân là “vàng đã thử lửa”!

Nghệ sĩ Kim Ngân vai Nguyễn Thị Lộ trong trích đoạn “Oan khiên” với phần phụ diễn của nghệ sĩ Lê Duy. Ảnh: DUY KHÔI

“Chúng ta không phạm tội giết vua, sao bắt ta phải nhận tội!”, Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ, vợ Nguyễn Trãi, phong thái đĩnh đạc khi bị quan Đề Hình ép cung. Rồi bà nhớ lại thuở son sắt uyên ương, đau đớn nỗi oan khiên mưu hại nhà vua không thể nào gột rửa, cân phân giữa nhận tội để giữ mạng sống cho chồng hay giữ tròn chữ trung với nước... Những giằng xé nội tâm của nhân vật Nguyễn Thị Lộ cứ cuốn hút người xem. Và rồi, bà quyết định nhận tội để chồng được bình an, nhưng không ngờ đó lại là trò hãm hại. Bên trong sân khấu vang vang: “Lệnh truyền của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, tru di tam tộc 3 đời Nguyễn Trãi”, Nguyễn Thị Lộ ngã quỵ, hai tiếng “Phu quân” thốt lên nghe đau tận tâm can... Khán phòng vỡ òa những tràng pháo tay kéo dài không dứt. 

Nghệ sĩ Kim Ngân đã diễn xuất thần vai Nguyễn Thị Lộ trong trích đoạn “Oan khiên” (tác giả: Lưu Quang Hà, chuyển thể: Đăng Huy, đạo diễn: Kiều Nga) ở vòng bán kết Cuộc thi cải lương “Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền năm 2023”. Và ở vòng chung kết, với màn song ca ấn tượng, duyên dáng cùng nghệ sĩ Hoàng Thắng bài ca cổ “Chợ nổi miền Tây” (thơ: Trương Hòa Bình, lời vọng cổ: Trần Việt Trường), Kim Ngân thực sự chinh phục người xem. Vậy nên việc Kim Ngân được xướng tên lên nhận Huy chương Vàng của cuộc thi, không nằm ngoài dự đoán của nhiều người.

Đây cũng là Huy chương Vàng cấp toàn quốc đầu tiên mà Kim Ngân đạt được qua 12 năm làm nghề. Vậy nhưng ngay sau khi nhận giải, cô đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội rằng, cô vui mừng và cảm ơn lãnh đạo Nhà hát Tây Đô, đồng nghiệp và khán giả đã thương. Chiếc huy chương ấy là thành quả của tập thể và cô chỉ đại diện nhận!

Nghệ sĩ Kim Ngân và nghệ sĩ Hoàng Thắng thể hiện bài ca cổ “Chợ nổi miền Tây” trong đêm Chung kết Cuộc thi cải lương Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền năm 2023. Ảnh:  DUY KHÔI

Suốt hành trình làm nghề của mình, Kim Ngân cho thấy sự tiến bộ nhờ chịu khó trau dồi, học hỏi. Vai diễn Nguyễn Thị Lộ trong trích đoạn “Oan khiên” là minh chứng thuyết phục. Đây là vai diễn cô chọn tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020 và đoạt Huy chương Bạc. Nhưng nếu so với lần thi diễn Cuộc thi cải lương “Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền” năm 2023, đó là một Nguyễn Thị Lộ hoàn toàn khác: có chiều sâu, nhuần nhuyễn ca trong diễn và cảm xúc trong từng động tác.

Sự tiến bộ đó xuất phát từ niềm đam mê cải lương của cô đào sinh năm 1989. Kim Ngân kể, quê cô ở một xã vùng sâu của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Từ nhỏ, cô đã yêu thích cổ nhạc và lúc mới học lớp 5, lớp 6, đã có thể ca vọng cổ. Như một cơ duyên, khi biết Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có mở lớp Trung cấp Diễn viên sân khấu ở Đoàn Văn công Quân khu 9, Ngân đã đăng ký thi và trúng tuyển. Tốt nghiệp năm 2012, cô đầu quân Nhà hát Tây Đô cho đến nay.

Lúc mới vào nghề, Kim Ngân làm nhiệm vụ nhắc tuồng, rồi diễn các vai nhỏ, vai phụ, đi từng bước để trưởng thành. Nhưng Kim Ngân chưa bao giờ nghĩ đến việc mình diễn chính hay phụ, mà chỉ tâm niệm diễn tốt vai của mình, bằng trọn niềm đam mê cải lương. Ngân từng tham gia nhiều cuộc thi sân khấu cải lương, có cuộc thi đạt giải nhưng cũng có cuộc thi không đạt. Điều đó không làm cô nặng lòng bởi qua mỗi cuộc thi, cô học được nhiều từ thầy cô, đồng nghiệp. Trong câu chuyện với chúng tôi, cô đào trẻ vẫn nhắc về lãnh đạo Nhà hát Tây Đô, các đồng nghiệp đã thương dìu dắt, hỗ trợ qua từng nấc thang làm nghề…

Kim Ngân giờ đã có một gia đình đầm ấm với hai cậu con trai kháu khỉnh. Chồng Ngân, anh Huỳnh Hoàng Duy, là bộ đội, vốn có năng khiếu văn nghệ. Hai người quen nhau khi Ngân học trung cấp diễn viên sân khấu; khi ấy Duy cũng học trung cấp biểu diễn nhạc cụ để có thêm kỹ năng, dù không công tác lĩnh vực nghệ thuật. Kim Ngân cười: “Anh Duy lúc đầu không mê cải lương đâu, chỉ thích tân nhạc thôi, nhưng nghe Ngân ca riết rồi yêu thích luôn”.

 


Chàng sinh viên mê nhiếp ảnh


 

Một bức ảnh đẹp được chụp trong một tích tắc, vào khoảnh khắc bấm máy. Nhưng để có được những khoảnh khắc vàng đó, người cầm máy phải có hành trình dài - đi tìm, theo đuổi và chờ đợi. Mai Hoài Thương, chàng sinh viên sinh năm 2000, đang miệt mài trên hành trình đó.

“Cuối năm, chợ nổi Cái Răng chắc nhộn nhịp lắm! Anh em mình đi chụp bộ ảnh nhe, anh” - Thương nhắn tin cho tôi. Và như hẹn, mới hơn 4 giờ sáng, Thương đã có mặt ở Bến Ninh Kiều, sẵn sàng máy ảnh cho hành trình khám phá chợ nổi Cái Răng trong gió bấc se lạnh. Chàng trai “thế hệ Gen Z” kỹ tính và đằm tính. Anh kỹ lưỡng trong từng góc chụp, không bỏ sót khoảnh khắc nào và chịu khó tìm những khung hình đắt giá của đời sống thương hồ. Bền bĩ suốt hàng giờ liền, anh say sưa trong từng cú bấm máy.

Đam mê ấy đã giúp Mai Hoài Thương gặt hái được nhiều “trái ngọt” trong năm 2023. Tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ năm 2023, Thương đoạt giải Nhì với tác phẩm “Cầu Cần Thơ trong sương sớm” và giải Khuyến khích với tác phẩm “Dựng xây tổ ấm”.

Với “Cầu Cần Thơ trong sương sớm”, Thương dành thời gian dài để nghiên cứu quy luật thiên nhiên, xem dự báo thời tiết. Đó là vào thời điểm trước Tết hoặc sau Tết, mây vờn phủ kín cầu Cần Thơ, chỉ còn nhô lên hai trụ cầu, nhìn như chốn bồng lai tiên cảnh. Và anh dùng flycam để bắt trọn khoảnh khắc ấy. Cầu Cần Thơ là đề tài không mới trong nhiếp ảnh, nhưng tác phẩm của Mai Hoài Thương có góc chụp mới lạ và ấn tượng, đầy cảm xúc. Còn “Dựng xây tổ ấm” là bức ảnh anh chụp ngay tại nơi mình sống. Phía sau vườn có chú chim đang làm tổ. Qua song cửa, Thương ngắm nhìn khoảnh khắc chú chim cần mẫn gắp từng cọng cỏ, rơm khô để “xây tổ ấm” và ghi lại bằng những bức ảnh.

Tác phẩm “Dựng xây tổ ấm” của Mai Hoài Thương.

Mai Hoài Thương chia sẻ, anh thường chủ động tìm đề tài, bối cảnh và “nuôi nấng” đề tài đó. Như tác phẩm “Năng lượng xanh thích ứng biến đổi khí hậu” vượt qua 2.000 tác phẩm để đoạt Huy chương Bạc tại Festival Nhiếp ảnh trẻ toàn quốc năm 2023, anh chụp khu điện gió Bạc Liêu từ trên cao, trong một chuyến chu du. “Tôi thích khám phá vùng sông nước đồng bằng. Tôi vác máy theo để có thể ghi nhận những khoảnh khắc của cuộc sống. Tôi chụp khi cảm xúc thúc giục bấm máy” - Thương chia sẻ.

*     *     *

Những thành tích nhiếp ảnh này thật đáng nể với một chàng sinh viên “Gen Z”, chưa qua trường lớp, chỉ tìm tòi học hỏi bằng đam mê. Thương hiện là sinh viên năm 2 ngành Kỹ thuật môi trường của Trường Đại học Cần Thơ. Cơ duyên đến với nhiếp ảnh của anh là vào năm 2017, trong chuyến đi du lịch ở Đà Lạt cùng gia đình. Khi đó, anh chụp ảnh cho người thân bằng điện thoại. Khi xem ảnh và được lời khen từ mọi người, anh nhận ra: “Nhiếp ảnh thật thú vị!” và bắt đầu tìm hiểu môn nghệ thuật này. Sau điện thoại, anh để dành tiền mua camera hành trình (GoPro) để chụp, và sau đó nâng cấp lên máy ảnh chuyên nghiệp, flycam. Chỉ khoảng 2 năm bước chân vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật, Mai Hoài Thương đã chinh phục nhiều giải thưởng nhiếp ảnh uy tín. 

Giữa chớm Xuân chợ nổi, Mai Hoài Thương tâm sự rằng, là người con của quê hương Long Tuyền (Bình Thủy, Cần Thơ), anh say mê cảnh sắc xứ sở mình. Đề tài bất tận trong tác phẩm của anh vẫn là phong cảnh Cần Thơ. Đó là Bến Ninh Kiều thơ mộng, là những di tích lưu dấu thời gian hay là một góc phố quen, một con đường đẹp... Tôi hỏi, Thương có sợ đó là những đề tài không mới, khó thu hút người xem? Thương cười: “Chỉ cần mình chịu khó tìm kiếm góc chụp và bấm máy bằng cảm xúc…”.

Gần đây, nhiều hình ảnh đẹp về cảnh sắc Cần Thơ, góp phần quảng bá du lịch thành phố, được lan truyền trên mạng xã hội, ghi tên tác giả Mai Hoài Thương. Những góc ảnh thành phố từ trên cao, khi bình minh rực rỡ, khi ráng chiều dần buông, khiến người xem cứ xuýt xoa mãi về vẻ đẹp của đô thị miền sông nước. Điều đó làm Hoài Thương vui và có thêm động lực tiếp tục sáng tác. Anh lặng thầm kể chuyện quê hương bằng ảnh nghệ thuật.

Chia sẻ bài viết