27/01/2008 - 09:36

Xem vở cải lương “Người nhà quê”

Niềm vui đến vào cuối năm

Được tác giả Lam Tuyền chuyển thể từ vở kịch cùng tên từng công diễn tại Sân khấu Nụ Cười Mới (TP Hồ Chí Minh), vở cải lương “Người nhà quê” do Nhà hát Tây Đô công diễn đêm 25-1-2008 đem đến cho khán giả mộ điệu không khí vui tươi, ấm áp trong những ngày cận Tết cổ truyền. Cốt truyện dí dỏm mà sâu sắc, với diễn xuất của danh hài Hoài Linh và các nghệ sĩ Thảo Vân, Ngọc Nhung, Trần Hoàng Khanh... giúp “Người nhà quê” chinh phục khán giả nhiều lứa tuổi.

 Cảnh trong vở “Người nhà quê”.
Vở diễn mở đầu bằng sự hào hứng của ông sui trai (Hoài Linh) và bà sui gái (Thảo Vân) khi được vợ chồng Đặng (con trai và con gái duy nhất của hai ông bà) mời lên thành phố ăn Tết. Sự vui mừng càng lớn khi tưởng Tết này đứa cháu trai đang du học ở Mỹ về đoàn tụ. Thế nhưng, niềm vui đó đã biến thành sự thất vọng khi vợ chồng Đặng ra sân bay... đi Mỹ ăn Tết với đứa con trai và họ mời ông bà lên thành phố để coi nhà giùm.

Cô đơn trong căn nhà trống trải, giữa lúc nhà nhà sum họp và đường phố rộn rã tiếng trống lân, nỗi buồn của ông sui và bà sui thể hiện qua nhiều chi tiết hài hước nhưng cay đắng như: ông già lì xì cho đứa nhỏ hàng xóm nhưng nó không chịu lấy vì ông là người lạ, hai ông bà ngồi nhậu suông và hát một đoạn trong “Bên cầu dệt lụa”, rồi họ cùng khóc với nhau khi nhớ những đứa con, nhớ không khí Tết ở quê nhà tuy nghèo nhưng chan chứa tình thân... Họ chơi trò lì xì: bà giả làm con cháu chúc Tết ông để nhận lì xì và ngược lại. Họ cảm thấy vui khi thấy xấp lì xì chuẩn bị cho con cháu vơi đi...

Ông sui kêu con trai nuôi là Thế và bà sui gọi con gái nuôi tên Ánh đến cùng ăn Tết. Thấy hai trẻ mến nhau, ông bà lại bày trò se duyên cho Thế và Ánh, gây ra nhiều tình huống hài hước dễ thương. Khi biết Thế và Ánh đang ở trong nhà mình, vợ chồng Đặng từ Mỹ gọi điện thoại về đuổi cả hai ra khỏi nhà. Bởi Thế vốn là đứa trẻ mồ côi, bụi đời, từng vào tù ra khám; còn Ánh một lần lầm lỡ sa chân... Từ khi được ông sui và bà sui cưu mang, Thế đã hoàn lương về chạy xe ôm, Ánh làm lại cuộc đời cùng xe bánh mì. Cả hai đều rất hiếu kính với cha mẹ nuôi...

“Người nhà quê” kết thúc bằng cảnh đại đoàn viên, khi ông sui và bà sui quyết định làm đám cưới cho Thế và Ánh ngay trong ngôi nhà của Đặng - trước khi ông bà về quê và dự tính sẽ không bao giờ trở lại nữa. Vợ chồng Đặng trở về trong sự hối hận, khi chính họ cũng bị đứa con trai ở Mỹ nhờ... coi nhà giùm để đi du lịch châu Âu cùng bạn gái.

Khán giả - từ những cụ già đến những em bé... cười, xúc động và khóc cùng các nhân vật trong “Người nhà quê”. Khán giả cười mà lòng se thắt khi ông sui bà sui tóc bạc trắng chơi những trò con nít cho đỡ cô quạnh, khóc khi Đặng đuổi Thế - Ánh ra khỏi nhà và kêu ông sui đừng đem nếp sống nhà quê vào ngôi nhà cao sang của anh ta, xúc động trước tình cảm gia đình thắm thiết giữa những người không thân thích như Thế - Ánh dành cho hai người già cô đơn. Những khoảnh khắc thăng hoa trên sân khấu đến từ diễn xuất hài hước mà tinh tế của Hoài Linh, những câu vọng cổ thật mùi của nghệ sĩ Thảo Vân, Ngọc Nhung. Qua vở “Người nhà quê”, kép trẻ Hoàng Khanh của đoàn cải lương Tây Đô không chỉ ca ngọt, mà còn thể hiện một khía cạnh mới là khả năng diễn hài có duyên.

Tết Mậu Tý năm nay, Nhà hát Tây Đô đã thành công khi đem đến cho khán giả một món ăn tinh thần vui tươi vừa nhiều ý nghĩa.

Bài, ảnh: XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết