30/01/2012 - 14:29

Vụ đông xuân 2011-2012

Những tín hiệu vui

Theo nhận định của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2011-2012 đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là: nước lũ rút chậm ảnh hưởng đến kế hoạch gieo sạ, thời tiết đang diễn biến phức tạp có chiều hướng thuận lợi cho sâu bệnh phát triển... Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của ngành nông nghiệp, kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại, chủ động phòng trị bằng các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo nên lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt… Bên cạnh đó, việc nhân rộng Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trong vụ đông xuân cũng là tin vui góp phần đưa nền nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng bền vững.

Các trà lúa sinh trưởng tốt

Hiện nay, lúa đông xuân 2011-2012 chủ yếu đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng và phát triển khá tốt. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, do mực nước lũ dâng cao, kéo dài và rút chậm nên tiến độ xuống giống lúa đông xuân 2011-2012 muộn hơn từ 15-20 ngày so với vụ đông xuân 2010-2011 nhưng tập trung hơn. Tính đến đầu tháng 1-2012, thành phố đã xuống giống trên 87.760ha, đạt trên 99,7% so với kế hoạch đề ra (88.000ha). Ông Phan Văn Năm, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhờ hệ thống đê bao khép kín nên dù nước lũ rút chậm nhưng việc xuống giống tập trung không gặp nhiều khó khăn. Đến cuối tháng 12-2011, toàn huyện đã xuống giống dứt điểm 25.330ha, đạt 100% kế hoạch đề ra, các trà lúa đang trong giai đoạn nhánh và làm đòng”.

Trong vụ đông xuân 2011-2012, giống Jasmine 85 chiếm tỷ lệ 46,9%, IR 50404 chiếm 25,7% và các giống lúa chất lượng cao là 26,4%. Theo ngành nông nghiệp, tại các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai, giống Jasmine 85 tăng 4% so với vụ đông xuân 2010-2011, do đây là giống lúa chất lượng cao, bán được giá và đặc biệt thích hợp trồng trong vụ đông xuân. Bên cạnh đó, khi mở rộng diện tích CĐML, các doanh nghiệp (DN) chủ yếu bao tiêu giống Jasmine 85 làm diện tích trồng lúa OM 2517 và OM 4218 tại Vĩnh Thạnh có chiều hướng giảm.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, thời tiết se lạnh vào ban đêm và sáng sớm thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Tuy nhiên, do nông dân tích cực chăm sóc và thường xuyên thăm đồng nên kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại, chủ động phòng trị bằng các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, đa phần lúa trong giai đoạn mạ, làm đòng sinh trưởng và phát triển khá tốt...”. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tổng diện tích nhiễm các loại dịch hại là 2.663ha, thấp hơn 4.266ha so với cùng kỳ năm 2011 (6.889ha). Các đối tượng gây hại xuất hiện chủ yếu là ốc bươu vàng (173ha), chuột (237ha), rầy nâu (1.540ha), sâu cuốn lá (178ha), bệnh đạo ôn lá (535ha). Ông Hà Văn Phán, nông dân ấp Thời Trung, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, nói: “So với năm ngoái, mặc dù chi phí bơm tát để xuống giống cao nhưng bù lại, lượng phù sa về nhiều nên tiết kiệm được khoản chi phí mua phân. Giá phân thuốc ít biến động, tình hình sâu bệnh cũng giảm..., nếu tiếp tục đà này, chắc chắn năm nay, nông dân lại được một năm trúng mùa”.

Nhân rộng CĐML

Thực hiện Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 30-9-2011 của UNBD TP Cần Thơ về việc triển khai CĐML trong vụ đông xuân, đến nay CĐML của thành phố đã nhân rộng được 1.468ha (Vĩnh Thạnh 400ha, Cờ Đỏ 548ha, Thới Lai 420ha và Thốt Nốt 100ha). Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Trong CĐML, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng một cách đồng bộ, từ đó rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất lúa giữa các hộ nông dân, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng. Đây cũng là con đường ngắn nhất để tái cơ cấu sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững thông qua liên kết với DN cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”.

Vụ đông xuân 2011-2012, CĐML ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục duy trì diện tích 400ha. Ông Phan Văn Năm, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Mô hình CĐML của huyện được hình thành trên nền tảng Tổ Hợp tác Đồng Vạn, nông dân sản xuất theo đúng quy trình, sử dụng cùng một loại giống (Jasmine 85) và xuống giống đồng loạt. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “công nghệ sinh thái”, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sâu rầy...”.

Các DN tiếp tục thể hiện vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi cung ứng lúa gạo, tham gia cung ứng vật tư đầu vào và hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Trong đó, các DN hỗ trợ đầu vào phải kể đến Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH MTV Đạm Phú Mỹ, Công ty Điền Vạn Lợi, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang-Angimex. Các DN bao tiêu lúa gồm: Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty TNHH Trung An, Công ty Cổ phần Mê Kông, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang-Angimex. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (quận Thốt Nốt), nói: “Đây là lần đầu tiên tham gia bao tiêu hơn 400ha lúa trong CĐML ở xã Thới Xuân và Thạnh Phú của huyện Cờ Đỏ. Từ đầu vụ đến nay, công ty luôn theo sát nông dân để giúp nông dân xuống giống, thăm đồng, phòng trừ dịch hại... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lên kế hoạch tiến độ thu hoạch lúa đông xuân, nhằm tránh tình trạng bị động trong khâu phơi sấy làm chất lượng hạt gạo bị giảm sút, ảnh hưởng thu nhập của nông dân”.

Tại Hội nghị “Sơ kết đánh giá tình hình sản xuất vụ đông xuân 2011-2012 và thực hiện CĐML tại TP Cần Thơ” vừa được tổ chức tại huyện Cờ Đỏ, đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Vụ đông xuân là vụ lúa chính có vai trò quyết định đối với ngành sản xuất lúa gạo của thành phố. Do đó, ngành nông nghiệp cần chỉ đạo cán bộ kỹ thuật, khuyến nông địa phương phối hợp với nông dân thường xuyên thăm đồng, nhất là giai đoạn từ nay đến sau Tết Nguyên đán nhằm phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời. Đối với việc triển khai thực hiện CĐML trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp đánh giá, rà soát lại những mặt làm được và chưa làm được trong việc thực hiện CĐML trong thời gian qua, từ đó rút kinh nghiệm tạo cơ sở mở rộng trong vụ hè thu 2012.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết