21/08/2016 - 09:00

Những tiếng gõ của thời gian

 Truyện ngắn KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Ông sợ nhất là mùa xuân, dẫu cuộc đời của ông đã trải qua tám mươi mùa xuân như thế. Khi con người đã sống với nghìn trăm vạn nỗi đau, thì có cộng trừ nhân chia thêm cái khoảnh khắc nhân gian ấy cũng nào có nghĩa lý gì. Nhưng dù muốn dù không, dù cho ông khép tất cả cửa của ngôi nhà này, để đôi mắt khỏi ngó thấy sự rộn rã trên đường phố, để cành khế bên nhà hàng xóm không còn đong đưa những chùm hoa tim tím gọi mời những chú ong vò vẽ- thì mùi thơm lạ, rất riêng biệt của trời xuân vẫn bay vào mũi ông, thấm tận vào trong những tế bào của ông.

 

Căn phòng nhỏ, nơi ông giữ nguyên vẹn từ khi người vợ yêu quý qua đời, cũng đã đúng ba mươi sáu năm lặng lẽ. Những kệ sách cứ nằm đó, bụi thời gian tiếp tục chất chồng. Có một kệ sách riêng của ông, ở đó là những cuốn sách do ông viết suốt gần 40 năm. Trong đó, ông viết về những giận hờn, những mối tình ngang trái và cả những run rẩy đời thường của trái tim. Đã bao đêm một mình ông lặng lẽ, một mình ông viết trên trang giấy trắng những cuộc đời và một mình ông nuôi ba đứa con khôn lớn. Từ ngày bà mất đi, khi ông chỉ mới là chàng trai vừa qua tuổi ba mươi, ông vẫn chưa hề có ý nghĩ sẽ đem một người đàn bà khác về nơi này.

Có phải ông đã sống trong vòng hào quang của mình hàng bao chục năm qua? Những trang viết cẩn trọng từ bao năm của ông luôn luôn được đăng trang trọng lên trang nhất bất cứ một tờ báo nào, nó trở thành đề tài cho những nhà phê bình. Có thể nói, ông là một người thành đạt.

Nhưng nỗi đau đã đến với ông, cái nỗi đau vào một buổi chiều mưa xám xịt, khi ông nhận được một bức thư từ tòa soạn báo quen thuộc vẫn thường đăng bài của ông. Lời thư viết rất lịch sự, nếu không nói là trang trọng: "Kính thưa nhà văn Khôi Nguyên, kèm với lá thư này chúng tôi xin gởi trả lại ông truyện ngắn Chiều ở biển… không sử dụng được, chúng tôi rất tiếc. Nếu ông không giận, xin cho chúng tôi góp ý vài lời: Độc giả hiện tại chỉ thích những truyện ngắn nhẹ nhàng, vấn đề không dàn trải. Khi nào có dịp ghé thành phố, mời ông ghé tòa soạn chúng tôi chơi". Lá thư đã làm ông đau đớn mất mấy ngày. Ông đã bị từ chối, đã bị gạt bỏ ra rìa, ông phải rời khỏi, để cho những người khác có tài hơn ông xuất hiện.

Nhưng trong sâu thẳm lòng ông, ông còn biết bao điều để viết, còn biết bao điều để rao giảng cho nhân gian. Không lẽ nào ông trở thành một toa tàu sau khi vượt qua bao cây số ngút ngàn lại uể oải soi bóng mình giữa sân ga, mặc cho cỏ cây xúm xít chen leo?

***

Còn nhớ năm nào, thuở vàng son ngang dọc, mùa xuân là mùa ông cảm thấy lòng trở nên ấm áp, dẫu vẫn chỉ có một mình. Ngay từ tháng Chạp, người bưu tá phải mệt nhoài trong nhiệm vụ chuyển tải những thông điệp chúc lành đến ông. Rồi những chậu hoa, lẵng hoa của những người mến mộ biết mặt ông hoặc chưa hề biết mặt gởi tới. Hoa nở rực trong ông niềm vui. Ông không cần tiền bạc, bởi lẽ ba đứa con từ ngày du học tận trời Tây rồi ở lại bên đó khi đất nước hòa bình, vẫn đều đặn nuôi sống ông bằng những món tiền gửi về. Những tờ lịch thì cứ rụng mãi, con cái thì xa mù. Con gái út viết thư từ mùa hè: "Ba qua đây ở với vợ chồng con đi ba, con sẽ mua một ngôi nhà ở ngoại ô để ba mặc sức mà vung bút, sách ba viết ra con sẽ tự lo liệu in". Ông viết thư trả lời: "Sống mà cô đơn thì sống làm gì? Ở đây xa các con, nhưng ba có thể thăm mộ mẹ con khi nào ba muốn. Ba viết ra dở hay hay thì có người vỗ tay hay bịt mũi. Ba có những người cùng da vàng mũi tẹt như ba để nhìn thấy nhau hằng ngày".

Cội rễ của ông là chiếc cầu thang 18 bậc, là buổi sáng mai ông mở tung tất cả các cánh cửa, lắng nghe chị bán than bên kia đường cằn nhằn ông chồng tối hôm qua đi uống rượu về khuya, nghe tiếng phì phò của bác xích lô chở khách nặng. Ông sẽ ngồi bên chiếc võng bện gai, nhâm nhi món mì Quảng của bà Beo đầu xóm. Ông cũng biết tường tận nỗi ham muốn nhỏ nhoi của mình là ngắm và lắng nghe. Cho nên, khi những chiếc lon sữa bò rỉ sét được ông cột đan nhau trên nóc nhà, khi nó chạm vào nhau, phát ra những tiếng khàn đục, là ông biết có khách. Ông đã có cái phát minh rất riêng với cách gọi cửa kéo dây như thế, khi những đứa trẻ nghịch ngợm cứ cắt đứt mãi dây chuông điện, dù ông đã gắn tận phía sau trụ xi măng.

***

Sáng xuân nay mọi người đã quên ông. Rồi nắng sẽ lên cao, ông ngồi chờ, ông lắng đợi. Chai rượu nho còn nguyên vẹn, chiếc quả bánh mứt được ông giữ lại từ ngày vợ qua đời đang đầy ắp mứt.

Cho đến lúc ông nghe những tiếng va nhau của những chiếc lon, chúng đang reo hò: "Có khách! Có khách!". Ông nghe, nhưng ông chỉ sợ mình lại bị rơi vào ảo giác bởi có một giấc mơ kỳ lạ vẫn thường lặp đi lặp lại trong giấc ngủ của ông. Đó là khi ông nghe những chiếc lon va chạm vào nhau, như mọi lần ông thu xếp lại chồng bản thảo của mình, tự xuống những bậc thang lầu, ra mở cửa đón khách. Ngước mắt nhìn qua hàng rào ông bắt gặp một cô gái trạc 30 tuổi, hao hao nét rất quen. Thoáng nhìn ông chợt nhận ra đó là người vợ gắn bó với cuộc đời mình. Ông kêu lên: "Nhã! Nhã! Em mới về đó à?". Nhưng cô ngơ ngác nhìn ông: "Thưa bác, có phải đây là nhà của anh Khôi Nguyên không ạ? Hôm cháu đi, cháu đâu thấy cây ô ma này trước nhà, ai trồng nó hồi nào mà mau lớn vậy?". Tim ông như đập sai một nhịp đập, nhói đau. Thời gian cứ trôi biền biệt, ông trở thành một lão già, còn Nhã thì dừng lại ở tuổi thanh xuân. Ông bước tới hàng rào, với tay như muốn bắt giữ lại hình bóng xưa, nhưng cô gái bước lui, vùng chạy khuất xa.

Cây ô ma trước nhà được ông trồng sau khi chôn cất vợ. Hôm đó, khi trở về nhà, ông nhặt được trong sân một chiếc lon sữa bò, trong chiếc lon sữa bò có một hạt trái ô ma. Ông đem ươm hạt cây, rồi nó chuyển thành sự sống, lớn nhanh, tỏa mát. Cây ô ma giờ tồn tại để gợi nhớ kỷ niệm đau buồn của cuộc đời ông. Vì nó gắn với giấc mơ ấy.

Tiếng va nhau giữa những chiếc lon báo có khách cứ vang. Ông biết rằng đó không là ảo giác. Ông ra mở cửa. Đó là người đưa hoa với mười đó tường vi.

***

Ông có rất nhiều độc giả. Thời thanh xuân, ông nhận được rất nhiều thư tỏ tình. Những lá thư ông giữ lại như là kỷ niệm của đời- thế thôi. Một mình ông lên rừng, một mình ông xuống biển, ông như con cò đực đơn độc chắt chiu để nuôi ba đứa con không mẹ thành người. Thế rồi khi đã đủ lông đủ cánh, những đứa con đã bỏ ông mà đi- chúng đi mà không biết những chiều mưa gió tạt, ông đã lặng lẽ ngồi nhìn những vệt nắng nhảy nhót bên hàng rào mà nghe đời đang gặm nhấm.

Trong những cô gái đem lòng yêu ông, có một cô học trò mang đôi mắt tròn đen trong suốt, tên Quế Hương. Mỗi dịp xuân về, Quế Hương vẫn thường gửi đến tặng ông một bó hoa, đếm vừa đủ mười đóa tường vi. Thế rồi một buổi tối, cũng trong căn phòng rải đầy bản thảo và sách báo này, Quế Hương khóc, cô hỏi: "Anh không còn rung động trước tình yêu?". Trước sự im lặng chần chờ của ông, Quế Hương quyết bứt lìa khỏi đời ông. Trong khi ông mở rộng cánh cửa lòng mình để đợi từ ngày đó. Mỗi mùa xuân về ông lại ngóng đợi người đến đưa hoa mà không thấy.

***

Tiếng chuông nhà thờ ở giữa trung tâm thành phố vọng lên những tiếng gõ cửa thời gian. Tiếp tục mùa xuân trong cõi thênh thang. Ông bật hết tất cả những ngọn đèn, ông mở tất cả những ô cửa, ông kéo chiếc cổng rộng ra. Nắng tràn dịu, lan lên những đóa ti gôn hồng bé tí bám trên dây kẽm gai.

Thì ra kịp đến cùng mùa xuân, có người nhớ đem tặng cho ông mười đóa tường vi khi đời đã muộn màng.

Chia sẻ bài viết