Cụ Trương Duy Toản là thư ký của cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, là ông tổ của thể loại ca ra bộ- tiền thân của cải lương Nam bộ, là nhà báo, nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn nổi tiếng
Cuối đời, cụ Trương Duy Toản tu theo phái Cao Đài Chiếu Minh - phái tu theo vô vi, ở ẩn. Chính vì điều này, các tài liệu về cụ Trương Duy Toản hiếm hoi.
Các tài liệu cho biết, cụ Trương Duy Toản mất và an táng tại quê nhà, cũng chỉ biết là ở quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nhưng ở xã nào thì không xác định. Quận Tam Bình có thời kỳ thuộc Cần Thơ, lúc Vĩnh Long.
Cụ mất cách nay gần 60 năm, gia đình, họ hàng bạn bè không còn ở Việt Nam. Cụ đa tài và hoạt động trong nhiều lĩnh vực nên khi tiếp cận, người viết cũng gặp rất nhiều bất cập. Do đó, phát hiện thêm những điều mới về cụ Trương Duy Toản là cần thiết trong nghiên cứu khoa học xã hội Nam bộ.
Những thông tin mới về thân thế
Cụ Trương Duy Toản bút hiệu là Mạnh Tự và Đổng Hồ, sinh năm 1885 quê ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trong quá trình đi tìm mộ phần cụ Trương Duy Toản, người viết phát hiện mộ ông nằm trong khuôn viên nghĩa địa Chiếu Minh Tam Thanh, ngay chân cầu Hưng Lợi, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Mộ có hình tháp và trên bia mộ ghi ông sinh năm 1884.
Theo ông Phan Lương Minh, vào năm 2007, nhân dịp đi công tác ở Mỹ, đã gặp và phỏng vấn ông Trương Bá Diệp- con của ông Trương Như Mậu, quê quán ở huyện Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long, là cháu họ của cụ Trương Duy Toản, đang định cư ở Mỹ. Ông Diệp lúc đó cũng gần 90 tuổi. Ông Diệp cho biết thời Chúa Nguyễn có 3 anh em ruột là Trương Như Tịnh, Trương Như Đông, Trương Như Độ từ miền Trung theo phong trào Nam tiến vào định cư tại làng An Hội. Trương Duy Toản là của con ông ký Trương Như Đông.
Theo "Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn- Vĩnh Long 1994" của Nguyễn Đình Đầu, năm 1832, lúc thành lập lục tỉnh Nam kỳ thì thôn An Hội thuộc tổng Bình Chánh, huyện Vĩnh Trị, tỉnh Vĩnh Long. Khu vực này có các làng Long Hội Thượng, Tân Thắng và An Hội. Đến năm 1945, ba làng này nhập lại thành xã Tân Long Hội. Làng An Hội xưa nay thuộc xã Tân An Hội, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Có thể tạm kết luận, cụ Trương Duy Toản quê ở làng An Hội, tổng Bình Chánh, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc xã Tân An Hội, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Về việc theo đạo
Người viết đã đến thăm mộ cụ Trương Duy Toản và mộ ông chỉ đứng sau mộ Ngô Văn Chiêu, người sáng lập chi phái Cao Đài Chiếu Minh. Điều này chứng minh ông cũng là nhân vật quan trọng của chi phái. Phan Lương Minh, tác giả bài báo Nguyễn Háo Vĩnh chiến sĩ phong trào Đông Du miền Nam, có nhắc đến Trương Duy Toản như sau: "Ông Nguyễn Háo Vĩnh có chiếc xe Traction, thường cứ 5- 6 giờ chiều thứ bảy ông đưa các con qua nhà đàn. Rồi ông cùng ông Trương Duy Toản cùng đồng đạo hầu đàn cầu cơ, đến sáng thứ hai mới trở về đường Bonard. Ngày 29-7-1934 năm Giáp Tuất 1934 ông Nguyễn Háo Vĩnh đã thọ pháp tu theo phái Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh".
|
Mộ đá ong đầu thế kỷ XIX của cụ Trương Phước Dụ. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, trưởng ban quản lý Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi Thánh Đức Tổ Đình, cung cấp một số tư liệu. Tài liệu này cho biết Trương Duy Toản, Nguyễn Háo Vĩnh và Nguyễn Văn Chim thọ đạo cùng một ngày, được hai huynh đệ Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Lý truyền đạo. Từ những điều trên, người viết cho rằng có thể Trương Duy Toản cũng thọ đạo vào năm 1934.
Sau đó người ta không thấy cụ Trương Duy Toản xuất hiện trên văn đàn nữa. Ông Trần Thế Vĩnh con của cụ Trần Quang Quờn (Kinh Lịch Quờn- người tổ chức biểu diễn ca ra bộ những tác phẩm mà Trương Duy Toản sáng tác) kể: Ông Trương Duy Toản với cha tôi là bạn thân. Nhưng rất tiếc lúc đó tôi chỉ khoảng 10 tuổi nên không biết nhiều. Tôi nhớ khoảng 1943- 1946, ông Trương Duy Toản thường chống gậy lại đàm đạo với cha tôi vào lúc chiều, nhưng lúc nào cũng mặc áo dài đen. Không thấy hai ông đờn ca gì nữa. Khoảng cuối 1946 thì con ông Trương Duy Toản là Trương Duy Khánh đưa ông về Sài Gòn chăm sóc. Tôi có đến thăm ông vài lần tại Thanh Đa, Sài Gòn.
Từ năm 1946 trở về sau Trương Duy Toản sống tại Sài Gòn và được người con trai duy nhất là Trương Duy Khánh chăm sóc. Ông mất ngày 20-3-1957 (năm Đinh Dậu), nhằm ngày 19-4-1957 tại Sài Gòn, hưởng thọ 73 tuổi và được đem về chôn ở Nghĩa Địa Chiếu Minh, Cần Thơ.
Đến thăm quê quán cụ Trương Duy Toản
Ngày 10-11-2015, người viết đến Thánh Tịnh Ngọc Sơn Quang, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tọa lạc tại xã Tân An Hội, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Người thành lập Thánh Tịnh này vào 1928 là ông Trương Như Thị.
Ông Nguyễn Văn Nước (còn gọi ông Bảy Nước), Trưởng Ban quản lý di tích Thánh Tịnh Ngọc Sơn Quang, cho biết, ông là cháu đời thứ 7 của họ Trương. Ông Tổ là ông Trương Phước Dụ người huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, thời Nguyễn vào làng An Hội, tổng Bình Chánh, huyện Vĩnh Bình lập nghiệp. 28 tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ họ Trương, tức giỗ cụ Trương Phước Dụ. Ông Dụ sinh ra 3 người con: Trương Như Tịnh, Trương Như Độ và Trương Như Đông. Ông Trương Như Đông sinh ra cụ Trương Duy Toản.
Ông Bảy Nước dẫn tôi đến ấp Long Thiền, xã Tân An Hội, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long để thăm mộ tổ họ Trương bên cạnh nhà ông Trương Văn Đức, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân An Hội, cháu đời thứ 7 của ông Trương Như Độ.
Tôi cùng ông Bảy Nước thăm mộ tổ họ Trương. Mộ cụ Tổ xây bằng đá ong, dáng trâu nằm, phong cách mộ quyền quý đầu thế kỷ XIX. Không thể đọc bia mộ bằng đá ong. Rất may, còn tấm bia đá hoa cương gần 100 năm chỉ ghi tên người trong mộ, người lập mộ và năm lập mộ. Phải vất vả lắm tôi mới đọc được mộ bia có tên ông Trương Phước Dụ, lập mộ năm Mậu Ngọ (1918), bà Trương Thị Keo lập mộ. Ông Bảy Nước nói thêm: "Bà Keo là con ông Tịnh, cháu nội ông Dụ. Bà mất năm 1923, sau khi lập bia 5 năm". Bên trái mộ ông Trương Phước Dụ là mộ ông Trương Như Tịnh, bên phải là mộ ông Trương Như Đông. Mộ ông Trương Như Độ chôn nơi khác.
Tôi đến nhà ông Trương Văn Biên, ấp Tân Thiềng, bên dòng sông Măng Thít, ông 90 tuổi, sinh năm Bính Dần 1926, con ông Trương Thành Bút, cháu đời thứ 7 của ông Trương Như Độ. Ông Biên cho biết: Con cháu ông Trương Như Đông, cha ông Trương Duy Toản, ở làng An Hội xưa còn lại là nữ, người làng chỉ còn nhớ con cháu cụ bà Trương Thị Ngưu mà thôi (có thể là chị ông Trương Duy Toản). Những người sáng lập và gìn giữ di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Thánh Tịnh Ngọc Sơn Quang đều là con cháu họ Trương.
Vì sao khó xác định quê quán cụ Trương Duy Toản
Đó là do những thay đổi về địa giới và địa danh hành chánh của Tam Bình.
Năm 1820 trên địa bàn Tam Bình ngày nay có các thôn: Phú Trường, Mỹ Lợi, Mỹ Thạnh Trung, Long Hội, Bình Thắng thuộc tổng Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Bình, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832 khi thành lập Nam Kỳ lục tỉnh, trên địa bàn Tam Bình hiện nay có 2 tổng: Bình Lễ và Bình Phú, thuộc huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Sau khi người Pháp chiếm thành Vĩnh Long, ngày 21-5-1867 Vĩnh Long bị chia thành 4 hạt: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bassac. Khu vực Tam Bình, Trà Ôn, Bình Minh, Bình Tân ngày nay thuộc hạt Bassac có thủ phủ ở Trà Ôn. Quận Tam Bình lúc này thuộc hạt Bassac. Tam Bình trước năm 1917 chỉ chưa có tổng Bình Chánh.
Theo Nghị định ngày 07-11-1917 của Toàn quyền Đông Dương Albert Pierre Sarraut, lấy 3 tổng Bình Chánh, Bình Thới, Bình Phú thành lập quận Tam Bình trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Quận Tam Bình lúc này kéo dài đến vàm sông Măng Thít, gồm 26 làng và lấy thị trấn Ba Kè xã Mỹ Thạnh Trung làm huyện lỵ. Do nhập 3 tổng có tên bắt đầu bằng chữ Bình nên gọi là Tam Bình.
Từ 1945 trở về sau, các thôn nhập làng thành các xã và lúc thì các xã thuộc quận Chợ Lách (1945-1954), lúc thuộc quận Châu Thành (1955-1963), lúc thuộc quận Minh Đức (1963-1975), lúc thuộc huyện Cái Nhum (1975-1984), lúc thuộc huyện Long Hồ (1984-1994) và thuộc huyện Măng Thít từ 1994 cho đến ngày nay. Làng An Hội xưa, rồi xã Tân Long Hội sau 1945, xã Tân An Hội từ 1994 đến nay không còn thuộc quận Tam Bình nữa. Chính vì biến đổi địa giới hành chánh như vậy nên không có tư liệu xác định được làng An Hội, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là nơi sinh của cụ Trương Duy Toản.
Nguyễn Văn Tấn