23/07/2022 - 09:01

Những nỗi nhớ tưởng “riêng” mà rất chung” 

Tác giả Lê Hà Uyên, tức nhà giáo Lê Văn Quới, vừa ra mắt ấn phẩm “Trải dài nỗi nhớ” (NXB Hồng Đức). Ở tuổi 80, thầy Quới “trải dài nỗi nhớ” với những trải nghiệm đời người, được thầy ví von là “một lão tiều suốt đời gom cành vụn, chọn tặng đời “bó củi thơm””. Những nỗi nhớ tưởng chỉ riêng của thầy thôi, ai dè lại rất chung, mỗi người đọc đều như tìm thấy ký ức của chính mình trong từng trang viết.

Thầy Lê Văn Quới và quyển “Trải dài nỗi nhớ”.

Thầy Lê Văn Quới và quyển “Trải dài nỗi nhớ”.

Lời ngỏ cho sách, thầy Quới tâm sự rằng, tuổi già thường đêm khó ngủ, canh dài thao thức. Những đêm ấy, thầy lại nhớ bao nhiêu chuyện, nhất là chuyện ngày xưa, hồi đó. Nhớ xưa rồi lại ngẫm nay, lòng thầy mãi rối bời. Nỗi nhớ cứ trải dài theo năm tháng, suốt cả một đời. Thầy tâm sự: “Ở cái tuổi 80, biết bao điều để nhớ, nhớ gì viết nấy! Nhớ lan man, viết lan man! Những trang viết ngổn ngang như trí nhớ ngày một lộn xộn, xô bồ”. Nhưng thầy cũng mong rằng, đằng sau mỗi chữ, mỗi dòng, khách tri âm đồng điệu nhận rõ một tấm lòng.

Rõ vậy, điều đó không khó với người đọc. Đọc “Trải dài nỗi nhớ”, hiển hiện là một thầy giáo già nhân hậu, trọng lễ giáo, kính cội nguồn, sống chí tình và luôn cố giữ gìn lễ giáo gia phong.

Mở đầu sách, thầy dành nhiều trang viết về người mẹ hiền của thầy, người mà thầy tha thiết viết “Thương má “Cô Sáu Chùa Cầu” long đong duyên phận”. Đó là một bà má Nam Bộ lận đận, vất vả, sống vì con, lo cho con hơn chính mình và luôn sống đức hạnh, gương mẫu để các con noi theo. Rồi thầy Quới lại cảm xúc khi viết về mái ấm tình thân, bữa cơm gia đình để rồi thầy thốt lên rằng “Cảm ơn gia đình - Dòng chảy vô tận nhiệm mầu”. Thầy Quới kể: “Má không bao giờ đánh con, nhưng cũng không hề nuông con. Bao giờ má cũng nhỏ nhẹ khuyên răn, phân tích rạch ròi chỗ đúng chỗ sai của con. Nhưng tôi sợ nhất là hình phạt “nằm cúi gác roi lên mông” của má”.

Từ những nỗi nhớ của thầy Lê Văn Quới, người đọc mường tượng được một mái ấm nghèo nhưng tràn đầy tình nghĩa. Một bối cảnh thôn quê miền Tây đậm đà bản sắc với những cung cách ứng xử, sinh hoạt, nói năng của người dân quê một nắng hai sương. Đọc rồi, nhiều người lại rưng rưng nước mắt: nhớ má quá, nhớ nhà quá, phải chi má còn sống, sao giống mình hồi đó vậy... Vậy là từ nỗi nhớ riêng, thầy Quới đã khêu gợi xiết bao nỗi nhớ của nhiều thế hệ người miền Tây, về cố quán, về mái nhà xưa...

Đọc sách, người đọc còn được cung cấp rất nhiều kiến thức về những vùng đất đã dang rộng ấp ôm thầy Lê Văn Quới và gia đình. Đó là cố quán Bến Tre rồi qua Mỹ Tho và trụ lại ở quê hương Cần Thơ “gạo trắng nước trong”. Có thể nói, thầy Quới là một trong số ít bậc cao niên am hiểu, tận tường về vùng đất và con người Cần Thơ thuở trước. Thầy dành riêng phần “Cần Thơ có những người hiền” để kể về Trường Nữ Trung học Võ Văn và vị nữ giám đốc tư thục đầu tiên ở Cần Thơ; về bác sĩ Lê Văn Thuấn; về nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế... Qua những trang viết, người đọc hiểu tận tường về gốc tích Bến Ninh Kiều, về câu hò trên sông Cần Thơ dặt dìu nỗi nhớ.

Lại nữa, thầy kể về những người học trò của thầy, những người bạn xưa, tri âm ngày cũ. Và hình như, những mùa Tết xưa chiếm một quãng thật dài trong dặm dài nỗi nhớ của thầy Quới. Thầy viết về tục dựng nêu, ngày 30 Tết, lệ xưa mùng Ba Tết Thầy, xông đất đầu năm, đòn bánh tét ngày xuân, cánh mai vàng ngày Tết... với sự am hiểu, quyến luyến và xúc cảm. 

Thật ra, nhiều bài trong quyển này đã được thầy Quới đăng tải trên facebook, nhận được sự quan tâm rất lớn từ độc giả. Nhưng cầm sách đọc, càng cảm nhận tình cảm, tâm huyết của một nhà giáo nặng tình. Thầy “viết mà như không viết”, sự nhẹ nhàng, từ tốn của thầy cứ như đang được nghe người ông, người cha kể chuyện đời xưa vậy.

Chẳng thể bằng vài ba trăm từ mà thuật lại một nỗi nhớ trải dài của nhà giáo tuổi 80 dày dặn kinh nghiệm sống. Bài viết này chỉ xin như một sự gợi ý, bạn đọc hãy tìm đọc để biết đâu đó, ta gặp được nỗi nhớ của ta trong xiết bao nỗi nhớ của thầy.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết