04/02/2008 - 20:58

Những nhịp cầu mong đợi...

Tùy bút: THU HÀ

Mỗi lần từ Cần Thơ về thăm Bến Tre quê tôi, ngoài chặng đường hơn 100 cây số, tôi còn phải qua hai chuyến phà: Cần Thơ và Rạch Miễu. Cảm giác chờ phà ngán ngẩm ! Nhất là những dịp lễ, tết. Rồi năm 2002 và 2004, cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ lần lượt khởi công xây dựng - người dân vùng châu thổ lại chờ đón từng ngày để được đặt chân lên cầu ngày khánh thành. Mỗi một cây cầu là gạch nối quan trọng đưa vùng xa xích lại gần nhau và còn là biểu tượng đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của vùng ĐBSCL...

1. Đất nước đã qua hơn 20 năm đổi mới mà Bến Tre vẫn còn như một hòn đảo. Trong khi bên kia sông Tiền, sức hút đầu tư vào tỉnh bạn Tiền Giang sôi động thì ở Bến Tre lại thưa thớt nhà đầu tư. Thế nhưng, khi cầu Rạch Miễu được khởi công, thu hút đầu tư ở Bến Tre nhanh chóng được cải thiện. Hiện nay, tỉnh đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến thủy sản, dịch vụ và đào tạo nhân lực. Bến Tre đang cấp cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh giấy ưu tiên qua phà và đến đầu năm 2008 là giấy qua cầu mà không trả lệ phí. Đó là thông điệp vui mà Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho tôi biết trong những ngày cuối năm 2007.

 Công trình cầu Rạch Miễu.

Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, có chiều dài toàn tuyến 8.331m, trong đó chiều dài cầu 2.878m với 59 nhịp (5 nhịp dây văng, 5 nhịp đúc hẫng liên tục) được đầu tư theo hình thức BOT, với tổng số vốn khoảng 988 tỉ đồng. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và thi công. Cây cầu này có nhiều “cái đặc biệt”: thời gian khởi công đến lúc thi công chính thức mất đứt 2 năm. Trong quá trình thi công, có tin đồn thất thiệt nhà thầu nước ngoài bỏ về, kỹ sư, công nhân trên công trường chán nản không muốn làm tiếp! Gắn bó với công trình gần 4 năm, Giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu Nguyễn Đình Tuy cho rằng, không chỉ ông mà tất cả những người đang xây dựng cầu đều mong muốn sớm hoàn thành công trình. Bởi công trình này đánh dấu chặng đường phát triển của ngành cầu đường Việt Nam.

Công nhân Công ty cầu 14 đang đổ bê tông khối K3-trụ T18 cầu Rạch Miễu. Ảnh: THU HÀ 

Có lẽ vậy, mà tất cả kỹ sư, công nhân trên công trường đều làm việc với tinh thần hăng say. Hiện có 7 nhà thầu với khoảng 500 kỹ sư, công nhân tham gia thi công cầu. Hầu hết đều quê ở các tỉnh miền Bắc, có những người 3 năm chưa về Tết, họ tình nguyện ở lại làm bảo vệ công trường. Tâm trạng nhớ nhà là nỗi niềm chung của những người xa quê, khi ngọn gió đầu Đông bắt đầu thổi. Anh Phạm Văn Hùng, Đội trưởng đội thi công cầu 12, quê Hưng Yên - thuộc gói thầu cầu số 1 (đường dẫn cầu và cầu dây văng), cho biết: “Đội có 130 kỹ sư, công nhân đều ở ngoài Bắc. Do đặc thù của ngành cầu đường phải xa nhà liên tục, tết đến anh em nôn nao lắm. Năm nay, chưa ấn định thời gian về, do công trình đang đi vào giai đoạn nước rút. Hơn nữa, chúng tôi chịu trách nhiệm thi công trụ T19- một phần dây văng quan trọng nhất của cầu, nên phải tập trung cao độ nhất”. Có mặt tại công trình từ khi khởi công, chứng kiến những “cái đặc biệt” của cầu Rạch Miễu, anh Hùng tâm đắc nhất là chuyện đứng ra tổ chức đám cưới tại công trường cho 3 công nhân trong đội làm rể đất Tiền Giang và mái ấm của họ tạm thời dựng sát công trường. Còn điều “sướng” nhất của anh trong 28 năm làm nghề chính là học được công nghệ làm cầu dây văng từ cầu Mỹ Thuận. Giờ đây, con trai thứ hai nối nghiệp anh cũng đang làm việc tại công trường.

Không riêng gì những người thợ cầu, người dân Bến Tre cũng nôn nao đón chờ ngày thông xe cầu Rạch Miễu. Chú Lê Tấn Xuân (Hai Xuân), ấp 6A xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - có nhà sát chân cầu, nói: “Từ ngày khởi công đến nay đã 5 năm, tôi đếm từng ngày. Hồi mới họp dân công bố quyết định giải tỏa làm cầu, chỉ 48 tiếng đồng hồ là xong. Lúc đó, dân ở đây chưa nhận đồng nào bồi hoàn, nhưng đã cho xe cơ giới vào mở đường. Chúng tôi mong cầu sớm hoàn thành để mình còn tựa vào nó mà phát triển kinh tế nữa chứ”. Mất gần 5.000 m2 đất cho công trình, giờ chỉ còn khoảng 700 m2, chú Xuân quyết bám trụ tại chân cầu để làm dịch vụ, dù đã mua được mấy công vườn ở nơi khác. Bây giờ, cứ 4 giờ sáng, chú cùng dân trong xã tản bộ vừa tập thể dục vừa bàn chuyện làm ăn khi cầu hoàn thành. Theo chú Xuân, hiện có một số doanh nghiệp chế biến thủy sản, lúa gạo, trái cây đã “kéo” về đây đặt nhà máy ven sông.

Hồi mới khởi công cầu đến năm 2004, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bến Tre chỉ 5 triệu USD. Năm 2006, con số này nâng lên 23 triệu USD. Năm 2007 ước đạt trên 71 triệu USD. Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư Bến Tre, năm 2007 tỉnh đã tiếp 80 đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Cuối tháng 11-2007, Bến Tre đã trao giấy chứng nhận đầu tư có vốn lớn nhất từ trước đến nay - Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam - xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, tổng vốn 68,5 triệu USD. Hiện tại, một số doanh nghiệp đang dự tính mở rộng qui mô hoạt động. Ông Chaiyapong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH may mặc Alliance One - Thái Lan (KCN Giao Long), nói: “Khi điều kiện giao thông của tỉnh hoàn chỉnh hơn, cầu Rạch Miễu hoàn thành, chúng tôi sẽ mở rộng qui mô xưởng may”. Bến Tre nổi bật với kinh tế thủy sản và vườn cây ăn trái bạt ngàn, xuất khẩu hàng năm trên 100 triệu USD. Hiện nay, cầu Hàm Luông đang được xây dựng, cầu Rạch Miễu sắp hoàn thành, tuyến đường ven biển nối Bến Tre - Trà Vinh và các tỉnh duyên hải đang trong giai đoạn khẩn trương thi công. Cầu Rạch Miễu như một dấu gạch nối giúp Bến Tre phá thế cô lập lẻ loi và cùng với Quốc lộ 60 hình thành hành lang giao thông phía Đông của ĐBSCL.

Tôi nhớ mãi lời khẳng định của Giám đốc Nguyễn Đình Tuy: “Sau Tết Nguyên đán 2008, chỉ còn thi công phần dầm dây văng. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa cầu Rạch Miễu vào sử dụng trong thời gian sớm nhất”. Cùng cái vỗ đùi cười khoái chí của chú Hai Xuân: “Cầu xây xong, mai mốt sẽ có nhiều nhà máy kéo về đây nữa, cái xã này sẽ phát triển rần rần, tạo thêm công ăn việc làm cho thanh niên, chẳng cần đi lên thành phố chi cho xa xôi”.

2. Trong khi cầu Rạch Miễu đang nôn nao chặng nước rút thì cầu Cần Thơ, do gặp sự cố sập nhịp dẫn cầu, nên gói thầu số 2 (phần cầu chính) đã phải tạm ngưng thi công để chờ kết luận của Ủy ban điều tra Nhà nước về nguyên nhân. Sau sự cố ấy, 54 sinh mạng đã vĩnh viễn ra đi. Đó là nỗi đau lớn của nhân dân cả nước. Nỗi đau mất người thân không dễ nguôi ngoai, nhưng tất cả thân nhân của người bị nạn đều hiểu đây là sự cố đáng tiếc. Cả nước cùng dang tay chia sẻ và hướng về họ với tất cả tấm lòng yêu thương. Nhưng nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua. Giờ đây, trách nhiệm lớn của các kỹ sư, công nhân trên công trình là phải sớm xây xong cầu Cần Thơ đảm bảo chất lượng, an toàn để không phụ lòng những người đã ngã xuống.

Hiện nay, mỗi ngày bình quân có 6.500 lượt ô tô, 20.000 lượt mô tô, hơn 25.000 lượt hành khách qua phà Cần Thơ. Theo ước tính của các chuyên gia, một chuyến vượt sông Hậu bằng cầu Cần Thơ mỗi ô tô giảm mất mát giá trị hàng hóa khoảng 12.394 đồng. Khi cầu hoàn thành, số tiền tiết kiệm hàng ngày rất lớn.

Tại buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản (ngày 8-10-2007) Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu, nói: “Đây là công trình mơ ước của chúng tôi, bởi nó rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế không riêng gì Vĩnh Long, hay ĐBSCL mà còn là một biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Trong số nạn nhân cầu Cần Thơ, Vĩnh Long chiếm trên 80%, chúng tôi chịu tổn thất rất lớn. Nhưng dù trách nhiệm thuộc về ai thì công trình này vẫn tiếp tục tiến hành”. Còn Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thanh Tòng thì khẳng định: “Cầu Cần Thơ có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả đồng bằng và tạo động lực để TP Cần Thơ phát triển kinh tế. Chúng ta phải biến mất mát thành quyết tâm mới để hoàn thành công trình, hàn gắn đau thương”. Và có lẽ nhiều người không quên lời nhắn nhủ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Chúng ta không chỉ nghĩ đến trước mắt, mà phải ổn định cuộc sống lâu dài cho các gia đình có thân nhân bị nạn. Không vì chuyện sập nhịp dẫn cầu mà làm chậm tiến độ thi công công trình. Nếu để trễ một ngày là có tội với những người đã mất!”.

  Công trình cầu Cần Thơ.

Sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26- 9- 2007 là bài học đắt giá cho ngành xây dựng trong công tác thiết kế, thẩm định và thi công cũng như quản lý một công trình xây dựng lớn. Giờ đây, hàng triệu trái tim người dân vùng châu thổ đang mong chờ cây cầu sớm hoàn thành để tri ân những người đã ngã xuống tại công trường. Hơn ai hết, những công nhân, kỹ sư vừa thoát chết đang mong sớm trở lại công trường để không phụ lòng những đồng đội từng gắn bó với mình. Đội trưởng Lê Phước Hậu (Công ty Vĩnh Thịnh) - phụ trách kỹ thuật quê ở xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long), khẳng định: “Tôi sẽ trở lại công trường khi thi công lại. Sau sự cố, tôi rất sợ, nhưng nếu ai cũng sợ mà không làm thì biết chừng nào có cầu”. Còn anh công nhân Phạm Thái Hà - quê xã An Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình (Công ty VSL) bị vùi cùng với đống bê tông đổ nát khi đang tháo cốt - pha trên mặt cầu. Anh cùng 6 đồng đội may mắn thoát chết khẳng định tiếp tục trụ lại công trường cho đến ngày hoàn tất công trình.

Mất mát, đau thương rồi cũng sẽ lùi vào quá khứ. Chú Tạ Phú Hoành Sơn, ở khu vực 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng có nhà sát chân cầu, sau mấy tháng trời trăn trở về những hình ảnh đau thương của cầu Cần Thơ giờ đang ngóng tin chờ cầu thi công trở lại. Chú mong nhìn thấy cây cầu được khánh thành trước ngày nhà chú phải dời đi theo diện giải tỏa để làm bờ kè Xóm Chài. Từ ngày khởi công xây dựng cầu Cần Thơ, chú nhiều lần trình báo công an khi kẻ xấu ăn cắp vật tư xây dựng cầu, giúp nhà thầu Nhật tìm mũi khoan dưới lòng sông nửa tháng trời và từng bị dọa đánh khi làm chuyện “tào lao”. Nhưng chú không sợ vì nhận thức rằng mình đang bảo vệ tài sản của Nhà nước, của dân. Cái duyên nợ với cầu Cần Thơ gắn chặt với gia đình, bởi chú vừa gả cô con gái út cho anh kỹ sư tham gia thi công gói thầu số 2 quê tận Bình Dương.

... Cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ rồi sẽ hoàn thành trong tương lai không xa. Những chuyến phà Cần Thơ, Rạch Miễu sẽ không còn tồn tại để lại nỗi niềm khó tả cho những người đang cật lực ngày đêm đưa hành khách vượt sông. Anh Trần Quang Đức- Bến trưởng bến Cái Vồn (Vĩnh Long) - cụm phà Hậu Giang, chia sẻ: “Không riêng gì tôi mà tất cả cán bộ, công nhân viên của cụm phà Hậu Giang rất vui khi có cây cầu bắc qua sông Hậu. Hành khách không còn phiền hà với những chuyến phà chật ních người vào những dịp tết, lễ hội”. Khi đó, nhiều người từng gắn bó với những chuyến phà sẽ cảm thấy trống vắng. Nhưng ai cũng hiểu đó là quy luật tất yếu của sự phát triển. Niềm vui vì sự phát triển chung của đồng bằng sẽ xoa dịu nỗi buồn.

***

Khi cây cầu Rạch Miễu, cầu dây văng đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và thi công; cầu Cần Thơ, cây cầu hiện đại nhất Đông Nam Á hoàn thành, ĐBSCL sẽ có vị thế khác. Những chiếc cầu khỉ rồi chỉ còn là những mô hình trong viện bảo tàng để khơi gợi cho lớp trẻ ký ức lịch sử thuở cha ông đi mở cõi. Mai này, không còn nhìn rõ dòng sông Tiền, sông Hậu đỏ nặng phù sa, hay những con sóng vỗ nhẹ vào mạn phà. Nhưng nhìn dòng sông từ độ cao trên những cây cầu Rạch Miễu, Cần Thơ vẫn thích hơn. Thấy miệt châu thổ quê mình rộng lớn và trù phú với ngút ngàn màu xanh của vườn cây, ruộng đồng và lô nhô những ống khói nhà máy, xí nghiệp.

Tùy bút: THU HÀ

Chia sẻ bài viết