26/01/2023 - 12:07

Những “người rừng” ở U Minh Hạ 

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Không sinh ra ở rừng nhưng gần như cả đời gắn bó, để giờ đây U Minh Hạ đã là nhà của họ. “Đến với rừng như sự tình cờ nhưng thời gian làm tôi càng thêm yêu mến. Gần 30 năm qua, U Minh Hạ như một phần máu thịt, là cuộc sống của tôi…” - ông Nguyễn Văn Hải trải lòng như thế khi được hỏi về công việc thầm lặng mà ông cùng các đồng nghiệp đang làm…

Ông Nguyễn Văn Thuần (bìa phải) trong một buổi tuần tra bảo vệ rừng. 

 

Những người con xa xứ

Gặp chúng tôi những ngày giáp Tết, ông Hải rất vui vì giữa rừng gặp khách như gặp người thân. Ông Hải kể, 29 năm trước, ở cái tuổi 20, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông từ Cái Nước đến với U Minh Hạ trong sự tình cờ cùng biết bao bỡ ngỡ. Nỗi nhớ nhà, cô đơn xâm chiếm. “Tôi lớn lên ở xứ sở của cây mắm, cây đước, giờ vô rừng tràm làm việc nên khác xa những gì đã từng suy nghĩ. Tuy nhiên, lúc đó được các chú, bác đi trước chỉ dẫn, cho học thêm kiến thức về rừng nên quen dần” - ông Hải nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Thuần đứng trên chòi canh quan sát canh lửa cho rừng.

Gần 30 năm trước, Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ còn là Ban Quản lý rừng đặc dụng Vồ Dơi. Khi đó, đường vào rừng chỉ là những con đường đất và cũng chỉ đến được những chòi canh lửa chính. “Chân ướt chân ráo” vào rừng nên ông Hải hay bị lạc, có khi đi lòng vòng lại quay về chỗ cũ và mất hơn nửa ngày mới về tới đơn vị. Phải gần 3 năm học hỏi kinh nghiệm, ông Hải mới thạo đi rừng, công việc cũng dễ dàng hơn.

Ngần ấy thời gian “sống chết” với rừng nên ông Hải có rất nhiều kỷ niệm. Ðó là những trận U Minh Hạ cháy lớn, ông và các đồng nghiệp phải ở trong rừng suốt mấy tuần liền. Rồi những tháng mùa khô, cán bộ quản lý bảo vệ rừng như ông không có thứ bảy hay chủ nhật và nếu không có tình yêu với rừng có lẽ ông chẳng thể bám trụ được đến hôm nay. Cũng vì cực khổ mà hàng chục đồng nghiệp cùng thời với ông đã chuyển ngành, giờ chỉ còn lại vài người. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng VQG U Minh Hạ, chia sẻ: “Giờ đây ở VQG U Minh Hạ, anh em hay gọi cán bộ như anh Hải là “lão làng”. Những kinh nghiệm của anh rất quan trọng với đơn vị, giúp cán bộ trẻ học hỏi để bảo vệ rừng tốt hơn”.

Một "lão làng" khác ở miệt rừng U Minh Hạ mà dường như ai cũng biết, là ông Nguyễn Văn Thuần, Tiểu khu trưởng Liên tiểu khu 30-4, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ. 56 tuổi đời nhưng ông Thuần đã có 36 năm gắn bó với đất rừng U Minh Hạ. Quê Nam Ðịnh, năm 1986 sau khi học xong trung cấp lâm nghiệp, ông Thuần được phân công về làm cán bộ Phòng Nông nghiệp Thới Bình, 3 năm sau ông chính thức về làm cán bộ kỹ thuật tại Lâm trường 30-4. “Quê tôi nằm ở khu vực giáp rừng phòng hộ nên thấy các anh kiểm lâm, tôi rất thích và quyết tâm học lâm nghiệp. Học xong được phân công về U Minh Hạ, mọi thứ đều xa lạ bởi trên lớp chủ yếu học về rừng đồi núi, nay về rừng ngập nước… Tuy nhiên do đặc điểm U Minh Hạ lúc đó chỉ có 1 loại tràm nên cũng dễ tiếp thu” - ông Thuần kể.

Ngày xưa đơn vị ở xa trung tâm Cà Mau, chưa có đường bộ, phải di chuyển bằng đò, rất bất tiện. Nhưng chính tình yêu cây rừng đã giữ ông Thuần gắn bó với U Minh Hạ. Ngày qua ngày, công việc giữ rừng quen dần, đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên do hệ thống giao thông, kênh mương chưa được đầu tư nên công việc của những người như ông rất cực. Nhất là mùa khô, gần như phải trực ở chòi canh lửa rồi đi tuần tra, có khi cả tuần không gặp mặt con.

Theo ông Thuần, giá trị của rừng đối với cuộc sống rất lớn nên việc giữ rừng không chỉ đơn thuần là không cho cháy mà còn phải phòng bệnh cho cây rừng, phát hiện nguồn lây, xử lý sớm để bảo vệ rừng. “Mong muốn lớn nhất của tôi là phải có cây giống tốt để rừng phát triển ổn định. Sau đó phải có nhà máy chế biến đạt chuẩn để tận dụng hết gỗ rừng nhằm gia tăng giá trị để xuất khẩu. Có như thế thì kinh tế rừng phát triển hơn” - ông Thuần bộc bạch.

Nặng tình với rừng xanh

Ngót nghét 30 năm xa xứ đến với U Minh Hạ, giờ ông Hải đã là người của U Minh. Hiếm có ai yêu thương U Minh Hạ như ông, bao bận rừng cháy lòng ông như thắt lại. Trong rừng thiếu thốn đủ thứ nhưng với ông Hải và đồng nghiệp, điều đó không “ăn nhằm gì” so với nỗi nhớ gia đình, vợ con. Bởi có người cả tháng trời mới về thăm gia đình một lần. Như ông Hải, khi đến U Minh Hạ, được cơ quan cho mượn đất cất nhà ở, rồi cưới vợ, sinh con. Nói đến chuyện vợ con, ông lại rơm rớm nước mắt. Hơn 20 năm trước, khu vực VQG U Minh Hạ đi lại rất khó khăn, đứa con thứ nhất rồi thứ 2 ra đời, vất vả chồng lên đôi vai của vợ, vì có khi 2 tuần ông chưa về đến nhà mặc dù điểm trực giữ rừng chỉ cách nhà chưa đầy 5 cây số. 

Ông Nguyễn Văn Hải đã có gần 30 năm tham gia giữ rừng U Minh Hạ. 

Sống ven VQG U Minh Hạ, ông Huỳnh Ngọc Cung, Trưởng ấp kiêm Tổ trưởng Tổ Y tế ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, cũng được xem là một “người rừng” chính hiệu. Quê ở Phước Long, Bạc Liêu, học xong y sĩ, đi làm 2 năm, đến năm 1994 ông Cung tình nguyện về U Minh Hạ để phục vụ bà con. Theo ông Cung, những năm 1997-1998 rất khó khăn vì rừng hay xảy ra cháy. Nhất là những lần U Minh Hạ cháy lớn, hàng ngàn người tham gia chữa cháy thì ông lại có vai trò quan trọng trong công tác y tế hậu cần. Ngược xuôi mang cơm nước và sơ cứu những trường hợp bị thương. “Ðã sống với rừng thì phải chịu cực khổ cùng anh em bảo vệ rừng” - ông Cung tâm sự.

Ông Cung kể, lúc mới vô rừng ông sống nhờ đất của VQG. Rồi cô gái quê Cà Mau đã cảm mến và đồng cam cộng khổ bám rừng với ông đến hôm nay. Có lần ông cũng định ra đô thị sinh sống để các con có thêm điều kiện học hành. Nhưng rồi rừng cứ níu kéo để ông mở cái quán nước nhỏ ven đường sinh sống và… giữ rừng. Sau khi có chủ trương giao rừng cho dân, ông được giao khoán 5ha, ông dành 3ha trồng tràm, còn 2ha trồng cây ăn trái như dừa, mít, ổi. “Mình sống chung xung quanh VQG nên phải có trách nhiệm. Phải chuẩn bị các phương án để bà con cùng tham gia khi rừng có sự cố. Rồi phải tuyên truyền, vận động bà con góp phần bảo vệ, vì giữ rừng là giữ của của chính mình” - ông Cung nói.

Một góc VQG U Minh Hạ. 

Theo những “người rừng” ở U Minh Hạ, có lẽ sự chia sẻ, động viên của gia đình là động lực để họ dành gần trọn đời cho U Minh Hạ. Những ngày giáp Tết, khi người người, nhà nhà chuẩn bị Tết đoàn viên, thì cũng là lúc những người giữ rừng như ông Hải, ông Thuần, ông Cung lại tất bật cho việc canh lửa. Tết của các ông gắn liền với những kế hoạch, phương án, chuẩn bị dụng cụ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng hộ dân để giữ hàng ngàn héc-ta rừng U Minh Hạ.

Chia sẻ bài viết