14/11/2015 - 16:59

Những ngôi cổ miếu ở Vĩnh Long

* ĐẶNG HOÀNG THÁM

Nếu như "đình" thờ thành hoàng- là những người có công với địa phương, "chùa" thờ Phật tổ và các vị bồ tát, thì "miếu" thường là nơi thờ các bậc "thánh" của đạo Lão, Nho như Lão Tử, Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân, Khổng Tử, Mạnh Tử… và các công thần. Thường thì miếu có quy mô nhỏ hơn đình chùa. Nhưng đôi khi miếu lại rất hoành tráng và gây được dấu ấn. Ngoài những đình, chùa truyền thống, ở Vĩnh Long có những ngôi miếu rất nổi tiếng đã trở thành di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, di sản tâm linh của người dân địa phương.

* CÔNG THẦN MIẾU

Miếu Công Thần Vĩnh Long hiện tọa lạc tại phường 5, thành phố Vĩnh Long, bên bờ sông Cổ Chiên. Toàn cảnh ngôi miếu gồm có cổng tam quan, đài bia ước lệ ghi công anh hùng, liệt sĩ, chánh điện miếu với bốn nóc: chính tẩm, võ qui, võ ca và nhà khách được kiến trúc theo kết cấu "tứ trụ". Bộ khung bằng danh mộc, kiên cố nhưng thoáng, đơn giản. Ngôi miếu có tường gạch bao quanh, nền lót gạch tàu, mái lợp ngói âm dương, các cột miếu tròn, to, lên nước đen bóng. Bên trong miếu công thần có rất nhiều hoành phi, câu đối với nét chữ cẩn xà cừ sắc xảo. Bố trí thờ tự trong nội điện miếu giống như các đình làng cổ.

Miếu Công Thần có nguồn gốc là hậu thân của miếu Hội Đồng tỉnh Vĩnh Long. Theo Đại Nam nhất thống chí, miếu Hội Đồng Vĩnh Long xây dựng năm 1837, đời Minh Mạng, tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình. Dân gian gọi ngôi miếu này là Đình Khao do tương truyền các quan nhà Nguyễn thường chọn nơi này để yến tiệc, khao thưởng quan quân. Triều đình Huế đã sắc phong 85 đạo sắc cho các vị thần được thờ tại miếu Hội Đồng. Hằng năm, các quan đầu tỉnh thay mặt triều đình đến tế lễ.

Khi thực dân Pháp chiếm Vĩnh Long, đã phá hủy miếu Hội Đồng. Dân chúng gom các đồ thờ tự, đặc biệt là 85 đạo sắc phong của miếu Hội Đồng đem về giấu, gởi tại đình làng Thiềng Đức. Khoảng năm 1918, nhờ sự vận động cùa bà Trương Thị Loan (bà Phủ Y) và bà Lê Thị Danh- những hào phú có thế lực và uy tín- chính quyền đô hộ thời bấy giờ đã cho phép khôi phục lại miếu Hội Đồng Vĩnh Long. Miếu mới cách chỗ cũ khoảng một cây số, ở vị trí ngày nay.

Tụy Văn Lâu (Văn Xương Các) nằm trong khuôn viên Văn Thánh miếu. 

Trong miếu Công Thần Vĩnh Long còn hai câu đối hùng tráng:

"Phù Lê Nguyễn bát thập ngũ nguyên huân, tráng khí Tượng Châu thiên dĩ bắc.

Bình Chiêm Lạp bách thiên dư chiến trận, danh phiêu Lân các hải nhi nam".

(Phò Lê Nguyễn, tám mươi lăm vị nguyên huân, khí mạnh Tượng Châu cũng như trời phía Bắc. Bình Chiêm Lạp hơn ngàn trận, danh nêu ở gác Lân mặc dù chỉ ở vùng biển phía Nam).

Từ khi tái thiết, miếu Hội Đồng Vĩnh Long có tên chính thức là "Công Thần Linh Miếu".

Miếu Công Thần Vĩnh Long hiện còn lưu giữ được 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn cấp thời Thiệu Trị và Tự Đức. 85 đạo sắc ấy phong cho 34 thần hiệu. Mỗi năm tại miếu Công Thần Vĩnh Long có các ngày lễ:

- Lễ Thượng Nguyên và lễ Bầu Ông (rằm và 16 tháng Giêng).
- Lễ Hạ Điền (rằm và 16 tháng Năm).
- Lễ Trung Nguyên (rằm và 16 tháng Bảy)
- Lễ Thượng Điền và Hạ Nguyên (rằm và 16 tháng Mười)
- Lễ Tất Niên và Dựng Nêu (25 tháng Chạp).

 Vào dịp đầu năm có lễ Xuân tế là ngày lễ quan trọng nhất tại miếu Công Thần. Lễ hội này kéo dài 4 ngày: 14, 15, 16 và 17 tháng Hai (âm lịch), có hàng ngàn người dân địa phương và các nơi khác về tham dự. Lễ Xuân tế là dịp bà con đến cầu quốc thái dân an, lễ bái các vị tiền nhân, tiền hiền đã có công khai khẩn.

Miếu Công Thần được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch) công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia từ năm 1998.

* VĂN THÁNH MIẾU

Văn Thánh miếu ở khóm 3, phường 4, thành phố Vĩnh Long, là di tích còn in đậm dấu ấn văn hóa vùng đất này cách đây hơn 150 năm. Văn Thánh Miếu được xây dựng năm 1864, thờ Đức Khổng Tử và các học trò của ông như Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử…

Văn Thánh miếu tọa lạc trên mảnh đất rộng trên 1ha nhìn ra sông Long Hồ. Kiến trúc của Văn Thánh miếu sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa mang dáng dấp vừa cổ xưa, vừa hiện đại, nhưng vẫn nổi bật được sắc thái văn hóa phương Đông qua cấu trúc, bố cục cũng như đường nét nghệ thuật kiến trúc. Cổng tam quan xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái. Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Hai bên là hai hàng sao cao vút, giữa thần đạo là ba tấm bia đá ghi lại những sự việc có liên quan đến Văn Thánh miếu.

Bên trong, nơi chính điện thờ Khổng Tử, hai bên Tả ban, Hữu ban thờ các thánh Nho. Bên ngoài điện Đại Thành có hai miếu nhỏ (Tả vu, Hữu vu) thờ Thất thập nhị hiền. Trong khuôn viên Văn Thánh miếu còn có ao sen và một công trình kiến trúc nhỏ nằm bên phải lối vào, là Tụy Văn Lâu.

Tụy Văn Lâu còn gọi là Văn Xương Các, nơi thờ các ngài Văn Xương và Võ Trường Toản, đồng thời làm nơi dạy học, hội họp, đàm luận văn chương, đọc sách. Văn Xương Các là một trong những bộ phận kiến trúc chính của Văn Thánh miếu. Văn Xương Các còn là nơi các văn nhân, thi sĩ thường đến ngâm thơ, vịnh cảnh. Hàng năm ngày Thơ Việt Nam thường tổ chức nơi đây.

Văn Thánh miếu Vĩnh Long được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 25 tháng 3 năm 1991.

* THẤT PHỦ MIẾU

Thất Phủ miếu còn gọi là Vĩnh An Cung hay Chùa Ông, hiện tọa lạc ở đường Nguyễn Chí Thanh, phường 5, thành phố Vĩnh Long.

Căn cứ vào các tài liệu lịch sử, tướng nhà Minh mạt là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên sang nước ta lánh nạn. Đại nam thực lục (tiền biên) chép: "Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào, thì người Hoa ở Vĩnh Long thuộc nhóm Dương Ngạn Địch". Nhà Nguyễn thời ấy cho phép họ lập hội Thất Phủ, giống như các bang hội đồng hương của người Hoa hiện nay.

Thất phủ gồm có bảy phủ: Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu. Thất Phủ miếu là công trình kiến trúc mang phong cách miền Hoa Nam Trung Quốc, thịnh hành vào thế kỷ 19 trở về trước. Công trình được thực hiện bởi nhóm thợ tài hoa từ Phúc Kiến sang.

Miếu Thất Phủ có kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc". Phía sau là chính điện, phía trước là tiền đường, hai bên là đông sương và tây sương. Diện tích xây dựng khoảng 800m2, xung quanh được bao kín bởi những vách gạch kiên cố. Mái Thất Phủ miếu lợp ngói âm dương, hai đầu hồi vút cong hình thuyền, trên nóc có tượng "lưỡng long tranh châu". Chân viền mái ngói là những miếng ngói hình lá có tráng men màu xanh. Một đặc điểm gây chú ý cho du khách là bên trong miếu Thất Phủ xây dựng theo kiểu cung đình, có năm cửa cái. Hai bên có hai cửa sổ. Bộ giàn trò (khung, sườn) của Thất Phủ miếu bằng danh mộc được trang trí, chạm trổ rất mỹ thuật và chắc chắn. Mỗi bộ phận trong ngôi miếu đều như những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và độc đáo, giàu bản sắc văn hóa. Trong miếu lúc nào cũng nghi ngút khói hương, miếu thờ: Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phước Đức Chánh Thần. Chánh điện miếu được trang trí trang nghiêm và thẩm mỹ với mấy chục bộ bao lam, hoành phi chạm lộng tinh tế, thếp vàng chói lọi. Năm 1922 tại hội chợ triển lãm các nước thuộc địa diễn ra ở Marseille (Pháp), bức hoành phi khắc bốn chữ "Quan Thánh Phu Tử" đã đạt huy chương đồng.

Hằng năm, vào ngày 13 tháng Giêng và 13 tháng Năm (âm lịch), tại Thất Phủ miếu diễn ra lễ cúng vía Ông (Quan Công). Lễ Hội Chùa Ông (Thất Phủ miếu) diễn ra theo trình tự với các nghi thức: Dâng hương, múa lân, sư rồng, biễu diễn võ thuật, rước Ông tuần du trên các phố, cúng hoa đăng, phóng sinh, phát chẩn. Lễ hội diễn ra tưng bừng, trang trọng, rất ấn tượng với hàng vạn lượt người tham dự.

Năm 1994, miếu Thất Phủ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

.................

Tư liệu tham khảo:

- Văn Thánh Miếu (2015)
- Thất Phủ Miếu (2015)
- Công Thần Miếu (2015)
- Bảo tàng Vĩnh Long (2015)
- Đại Nam thực lục, tái bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2006

Chia sẻ bài viết