Trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người bị tiểu đường, căn bệnh mãn tính không lây nhiễm nhưng có tỷ lệ mắc ngày càng tăng và đe dọa sức khỏe cộng đồng - theo Tổ chức Y tế Thế giới. Tin vui là năm qua, các nhà khoa học đã đạt được nhiều tiến bộ đáng chú ý trong nỗ lực kiểm soát và chữa trị căn bệnh này.
Ứng dụng chẩn đoán bệnh qua giọng nói
Để chẩn đoán tiểu đường tuýp 2 (T2D), bệnh nhân cần phải làm các xét nghiệm máu. Nhưng điều đó có thể sớm thay đổi nhờ vào một ứng dụng trên điện thoại thông minh do các chuyên gia tại Klick Labs (Mỹ) phát triển.
Dựa trên sự khác nhau trong đặc điểm giọng nói (như cao độ và cường độ âm thanh) giữa bệnh nhân tiểu đường và người khỏe mạnh, ứng dụng cho phép ghi âm giọng nói trong 10 giây. Sau đó, một chương trình dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phân tích đoạn ghi âm để chẩn đoán bệnh với độ chính xác lên đến 89%.
Một số loại trà kombucha có thành phần nguyên liệu từ trái cây. Ảnh: Deposit Photo
Chiết xuất hoa thược dược và trà kombucha có thể giúp giảm đường huyết
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Otago (New Zealand) đã cho những người mắc T2D hoặc tiền tiểu đường (có đường huyết cao hơn bình thường) dùng chiết xuất cánh hoa thược dược. Họ nhận thấy nó đã làm giảm lượng đường trong máu ở cả 2 nhóm, nhưng có tác dụng nhiều hơn hơn đến bệnh nhân T2D.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu tại Đại học Georgetown (Mỹ) phát hiện uống trà kombucha (nấm thủy sâm) có thể giúp giảm đường huyết tự nhiên. Cụ thể, họ chia những người tham gia là bệnh nhân T2D thành 2 nhóm có chế độ ăn uống bình thường, nhưng 1 nhóm được bổ sung trà kombucha, nhóm còn lại dùng thức uống khác. Sau 1 tháng, 2 nhóm được hoán đổi thức uống. Các kết quả xét nghiệm cho thấy sau một thời gian uống trà kombucha, đường huyết lúc đói của người bệnh đều giảm xuống mức an toàn.
Thuốc trì hoãn tiến triển của bệnh tiểu đường tuýp 1 (T1D)
Ở người mắc T1D (phụ thuộc insulin), lượng tế bào beta (trong tuyến tụy) giúp sản xuất hoóc-môn insulin để kiểm soát đường huyết bị hủy hoại dần theo thời gian. Nghĩa là khi mới mắc bệnh, tế bào này vẫn có thể sản xuất hoóc-môn thiết yếu. Từ hiểu biết này, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y khoa St Vincent (Úc) đã tiến hành thử nghiệm đầu tiên trên thế giới sử dụng baricitinib (một loại thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp) để kiểm soát bệnh T1D. Qua 2 cuộc thử nghiệm, họ phát hiện nếu dùng baricitinib cho bệnh nhân trong vòng 100 ngày đầu tiên sau khi được chẩn đoán T1D, thuốc có thể bảo vệ các tế bào beta và duy trì khả năng sản xuất insulin, nhờ đó làm chậm tiến triển của bệnh.
Thiết bị điều tiết sản xuất insulin “chạy” bằng glucose
Trông như một túi trà và nhỏ cỡ móng tay, thiết bị cấy dưới da do Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ phát triển có khả năng chuyển đổi lượng glucose trong máu thành nguồn năng lượng để tự vận hành. Theo đó, khi thiết bị y sinh kết nối với tế bào beta nhân tạo này phát hiện lượng đường trong máu đang dư thừa, nó sẽ tự động kích hoạt và kích thích các tế bào beta tiết ra lượng insulin mà bệnh nhân cần. Trái lại, khi đường huyết giảm xuống, nó sẽ giảm tiêu hao năng lượng để ổn định đường huyết. Đây được xem là giải pháp bổ sung insulin ít xâm lấn hơn dùng kim tiêm dành cho bệnh nhân T1D.
Thiết bị truyền insulin cấy dưới da
Cũng với mục tiêu giúp bệnh nhân T1D giảm đau đớn mỗi lần cần tiêm insulin, các chuyên gia tại Đại học Cornell (Mỹ) đã phát triển một thiết bị cấy dưới da có khả năng giải phóng hoóc-môn điều hòa đường huyết này. Thiết bị mới chứa hàng trăm nghìn tế bào tuyến tụy tiết insulin được bọc trong lớp vỏ hydrogel mỏng.
Kết quả thử nghiệm trên chuột bị bệnh tiểu đường cho thấy thiết bị cấy ghép đã ngăn được tình trạng tăng đường huyết ở chúng trong hơn 190 ngày. Ngoài có đặc tính tương thích sinh học nên tránh nguy cơ bị cơ thể đào thải, nó còn có một ưu điểm khác là dễ dàng lấy ra và thay mới.
Chuyển đổi tế bào gốc dạ dày thành tế bào sản xuất insulin
Bằng cách kích hoạt các prôtêin kiểm soát biểu hiện gien, các nhà nghiên cứu tại trường Y khoa Weill Cornell thuộc Đại học Cornell (Mỹ) đã chuyển đổi thành công các tế bào gốc sản xuất hoóc-môn từ dạ dày thành các tế bào tiết insulin giống như tế bào beta tuyến tụy. Khi được cấy vào chuột, số tế bào này hoạt động giống như tế bào beta thực sự, phản ứng với sự gia tăng lượng đường trong máu bằng cách tiết ra insulin để giữ mức đường huyết ổn định trong 6 tháng.
AN NHIÊN (Theo New Atlas)