26/09/2021 - 07:28

Những mâu thuẫn trong ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản 

Ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản có chỗ đứng khá ổn định trên thị trường quốc tế, bình quân mỗi năm mang về hạng chục tỷ USD doanh thu. Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 lại thúc đẩy sự phát triển của phim hoạt hình Nhật Bản nhờ thành công của hàng loạt tác phẩm song hành với sự lên ngôi của các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, đằng sau hào quang đó, các họa sĩ Nhật Bản vẫn phải làm việc trong môi trường áp lực với mức lương chưa tương xứng. Điều đó tạo nên những mâu thuẫn khiến ngành công nghiệp này đứng trước nhiều nguy cơ.

Các họa sĩ trong ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật Bản hầu như đều phải ăn ngủ tại xưởng để hoàn thành dự án. Ảnh: Nytimes

Các họa sĩ trong ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật Bản hầu như đều phải ăn ngủ tại xưởng để hoàn thành dự án. Ảnh: Nytimes

New York Times nhận định ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản đang bùng nổ với quy mô chưa từng có. Ước tính doanh thu từ ngành này trong năm 2019 đến 24 tỉ USD, tăng gấp đôi so với 8 năm trước. Tuy nhiên, Tetsuya Akuts, một họa sĩ diễn hoạt (animator- người sáng tạo hàng loạt khung hình để làm nên ảo ảnh chuyển động) lâu năm, chia sẻ rằng anh làm việc gần như không nghỉ ngơi, nhưng mỗi tháng chỉ có thu nhập khoảng 1.400-3.800 USD. Đó là mức lương cao so với mặt bằng chung bởi Tetsuya Akuts là họa sĩ diễn hoạt hàng đầu, đạo diễn của một số phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản. Cũng có các họa sĩ nhận mức lương bình quân 2.000 USD/tháng, trong môi trường làm việc áp lực về thời gian với điều kiện nghỉ ngơi khắc nghiệt.

Theo thống kê của Hiệp hội Sáng tạo Phim hoạt hình Nhật Bản, thu nhập trung bình của các họa sĩ diễn hoạt chính và những tài năng hàng đầu, đã tăng từ 29.000 USD (năm 2015) lên 36.000 USD (năm 2019). Với thu nhập này, những họa sĩ chỉ đủ tiền lương thực thực phẩm và thuê một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Tokyo. So sánh với các họa sĩ tại Mỹ thì có sự chênh lệch rất lớn. Tại Mỹ, những họa sĩ có vị trí tương đương nhận mức lương bình quân 65.000-75.000 USD/năm, thậm chí lên tới hàng trăm ngàn đối với các họa sĩ cao cấp. Phổ biến trong ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật là những họa sĩ nhận mức lương trung bình 12.000 USD/năm, chưa kể đến các họa sĩ tự do có thu nhập thấp hơn.

Simona Stanzani, người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản, cho biết: “Các xưởng phim có thể trả mức lương ít ỏi nhờ vẫn có nhiều nhóm họa sĩ trẻ đam mê, sẵn sàng làm việc chỉ với ước mơ tạo dựng tên tuổi trong ngành”. Thực tế, mỗi năm Nhật sản xuất bình quân khoảng 200 phim hoạt hình, nhưng lại không đủ họa sĩ chuyên nghiệp. Do đó, các hãng phim đã tận dụng các họa sĩ tự do và trả tiền theo sản phẩm. Các họa sĩ tự do vì theo đuổi đam mê mà chấp nhận tiền công rẻ. Bình quân mỗi bức tranh của các họa sĩ này được trả khoảng 2 USD. Thế mà, để hoàn thành bức tranh theo yêu cầu cũng phải tốn hơn một tiếng đồng hồ với rất nhiều chi tiết, yêu cầu khắt khe. Cho nên, dù các họa sĩ muốn vẽ nhiều cũng lực bất tòng tâm vì không đủ sức làm việc liên tục.

Trong 2 năm gần đây, khi nền tảng trực tuyến phát triển, ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản được đặt hàng nhiều hơn. Tháng 12-2020, Sony đã trả gần 1,2 tỉ USD để mua lại trang video anime Crunchyroll từ AT&T và việc kinh doanh tốt đến mức gần như mọi xưởng phim hoạt hình ở Nhật Bản đều có đơn đặt hàng trước nhiều năm. Trong khi đó, Netflix cho biết số lượng hộ gia đình xem phim hoạt hình trên dịch vụ phát trực tuyến vào năm 2020 tăng gấp rưỡi so với năm trước. Do đó, có nhiều đơn đặt hàng trước với các xưởng phim. Thế nhưng điều này chỉ càng đẩy ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản thêm căng thẳng. Vấn đề bắt nguồn từ cấu trúc của ngành. Thực tế, các xưởng trực tiếp sản xuất phim tuy không thất bại về tài chính, nhưng cũng không có nhiều lợi nhuận khi dự án thành công, vì dòng tiền chủ yếu chảy về các công ty mẹ hay các ủy ban sản xuất. Nhiều hãng trực tiếp sản xuất phim vì vậy giảm thu nhập của các họa sĩ diễn hoạt bằng cách thuê họ như những họa sĩ tự do; để chi phí sản xuất vẫn được duy trì ở mức thấp.

Mặt khác, các họa sĩ phải làm việc trong môi trường hết sức khắc nghiệt để kịp đặt hàng. Họ thường xuyên ngủ lại xưởng phim trong nhiều tuần để hoàn thành dự án. Đơn cử như xưởng phim hoạt hình Madhouse (Tokyo) từng bị cáo buộc vi phạm luật lao động vì buộc nhân viên làm việc gần như 400 giờ mỗi tháng và trong 37 ngày liên tục, không một ngày nghỉ. Nhà hoạt động xã hội Jun Sugawara, cho rằng: “Thời gian làm việc khắc nghiệt trong ngành sản xuất phim hoạt hình đã vi phạm quy định lao động của Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền không có chính sách hiệu quả nào để giải quyết vấn đề này”. Những năm gần đây, các công ty lớn buộc phải thay đổi khi chịu áp lực lớn từ công chúng và các cơ quan quản lý. Mới đây, Netflix cho biết sẽ hợp tác với WIT Studio để cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo các họa sĩ trẻ làm về nội dung cho xưởng phim. Theo chương trình, 10 họa sĩ diễn hoạt sẽ nhận 1.400 USD mỗi tháng trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, các hãng phim nhỏ hơn không có nhiều cơ hội để tăng lương cho nhân viên.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Nytimes, Vox)

Chia sẻ bài viết